Mất cân bằng giới khi sinh: Hoàn thiện pháp luật và thay đổi nhận thức

Sau 4 năm triển khai Đề án, tỷ số giới tính khi sinh đã giảm từ mức 112,8 bé trai/100 bé gái sinh ra sống năm 2015 xuống còn 111,5/100 năm 2019...
Học sinh ở Nghệ An hưởng ứng 'Ngày Quốc tế trẻ em gái.' (Ảnh: Nguyễn Oanh/TTXVN)
Học sinh ở Nghệ An hưởng ứng 'Ngày Quốc tế trẻ em gái.' (Ảnh: Nguyễn Oanh/TTXVN)

Cùng với việc đạt được và duy trì ổn định mức sinh thay thế, công tác dân số phải tập trung giải quyết vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh. Tuy nhiên, vấn đề này đã ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người dân, do vậy để giảm thiểu mất cân bằng giới tính, cần có nhiều giải pháp tổng thể, lâu dài nhằm thay đổi nhận thức, suy nghĩ và hành vi của cộng đồng.

Tăng cường chỉ đạo, xây dựng, thực thi pháp luật

Trước tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh xảy ra ngày càng nhanh và nghiêm trọng, ngày 23/3/2016, Thủ tưởng Chính phủ ban hành Quyết định số 468/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2016-2025. Sau đó, Bộ Y tế đã cụ thể hóa các nhiệm vụ của Đề án thông qua việc ban hành các quyết định về kế hoạch và hướng dẫn triển khai thực hiện.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình, Phạm Vũ Hoàng cho biết, các hoạt động của Đề án đã góp phần nâng cao nhận thức của mỗi cá nhân, gia đình về vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh. Đề án cũng tăng cường sự tham gia của các bộ, ban, ngành có liên quan, các tổ chức xã hội và cộng đồng trong việc triển khai thực hiện các giải pháp can thiệp nhằm khống chế tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh.

Sau 4 năm triển khai Đề án, tỷ số giới tính khi sinh đã giảm từ mức 112,8 bé trai/100 bé gái sinh ra sống năm 2015 xuống còn 111,5/100 năm 2019, khả năng cao đạt mục tiêu Đề án (dưới 115/100) vào năm 2020 và tiến tới đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức dưới 109/100 vào năm 2030 theo mục tiêu của Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017, Hội nghị lần thứ sáu Ban chấp hành Trung ương khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới.

Chỉ đạo của Đảng về mục tiêu đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên đã được cụ thể hóa và tổ chức thực hiện thông qua Quyết định số 1679/QĐ-TTg ngày 22/11/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030.

Tiếp đó, ngày 28/9/2020, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Nghị định số 117/2020/NĐ-CP (có hiệu lực từ ngày 15/11/2020) quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Y tế thay thế Nghị định 176/2013/NĐ-CP.

Nghị định có một số điểm đáng chú ý như: Nâng mức phạt tiền đối với các hành vi vi phạm quy định về tuyên truyền, phổ biến, tư vấn phương pháp để có được giới tính thai nhi theo ý muốn; lựa chọn giới tính thai nhi; cưỡng bức thực hiện kế hoạch hóa gia đình.

[Cảnh báo hệ lụy từ mất cân bằng giới tính ở Việt Nam]

Nghị định nêu ra quy định, tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh; quyền sử dụng giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược hoặc đình chỉ hoạt động kinh doanh đối với cơ sở có hoạt động dược không vì mục đích thương mại từ 1-3 tháng đối với các chỉ định, hướng dẫn sử dụng hoặc cung cấp dụng cụ, thuốc, vật tư; nghiên cứu các phương pháp để có được giới tính thai nhi theo ý muốn (trừ trường hợp được pháp luật cho phép) hoặc loại bỏ thai nhi vì lý do lựa chọn giới tính...

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đìn Phạm Vũ Hoàng cho rằng, hoàn thiện pháp luật là một trong những giải pháp quan trọng để xử phạt vi phạm đối với các hành vi lựa chọn giới tính thai nhi. Việc tăng các mức phạt tiền đối với các hành vi vi phạm để kiểm soát việc mất cân bằng giới tính khi sinh là cần thiết và mang tính khả thi, tạo nên tính răn đe, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.

Mất cân bằng giới khi sinh: Hoàn thiện pháp luật và thay đổi nhận thức ảnh 1(Ảnh minh họa: Quân Trang/TTXVN)

Các cơ quan, tổ chức, cá nhân theo chức năng nhiệm vụ được giao có trách nhiệm tổ chức thực hiện có hiệu quả pháp luật trong lĩnh vực này, bao gồm thanh tra, kiểm tra, giám sát. Công tác giám sát cần thực hiện thường xuyên, có sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng để đánh giá kết quả thực hiện, phát hiện thiếu sót, tồn tại, đồng thời biểu dương những thành tích, kết quả đạt được; làm cơ sở cho việc kiến nghị bổ sung cơ chế, chính sách pháp luật, tiến tới bảo đảm cân bằng giới tính khi sinh.

Tăng cường truyền thông thay thổi suy nghĩ, hành vi

Theo các chuyên gia, để giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh, bên cạnh sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, Nhà nước và việc xây dựng, thực thi pháp luật, rất cần tập trung truyền thông thay đổi chuẩn mực xã hội do mất cân bằng giới tính khi sinh ở Việt Nam có nguyên nhân cốt lõi từ tư tưởng truyền thống trọng nam khinh nữ và tâm lý ưa thích con trai.

Chuyên gia về giới và nhân quyền của Quỹ Dân số Liên hợp quốc Hà Thị Quỳnh Anh chia sẻ, Quỹ đã khuyến nghị, trong thời gian tới, Việt Nam nên tập trung và nỗ lực nhiều hơn nữa trong việc truyền thông thay đổi chuẩn mực xã hội về bình đẳng giới, đặc biệt là tập trung cho giới trẻ bằng cách đưa đưa các nội dung giáo dục về giới, bình đẳng giới và giới tính vào trường học.

Bà Hà Thị Quỳnh Anh cho rằng, để có thể thay đổi chuẩn mực xã hội về giới, Việt Nam nên tập trung truyền thông thay đổi hành vi, xóa bỏ các định kiến giới và xây dựng các chuẩn mực mới về giới. Trong đó, Việt Nam cần xây dựng các hình mẫu nam tính và nữ tính tích cực. Ví dụ như, nam giới sẵn sàng chia sẻ công việc nhà với phụ nữ; phụ nữ có thể làm những công việc trước đây thường được cho là chỉ có nam giới mới làm được).

Bên cạnh đó là việc xây dựng những chuẩn mực về giới mới trong gia đình (con có thể mang họ mẹ; con gái hoặc phụ nữ có thể thờ cúng tổ tiên, đứng ra tổ chức tang lễ cho bố mẹ, người thân khi qua đời, vợ và chồng cùng đứng tên trên sổ đỏ, con trai con gái cùng có quyền thừa kế ngang nhau...).

Việt Nam cần thúc đẩy sự tham gia của nam giới trong các hoạt động về bình đẳng giới và phòng chống bạo lực với phụ nữ, trẻ em gái; xây dựng, triển khai chính sách bảo trợ xã hội cho người cao tuổi để loại bỏ suy nghĩ phải sinh con trai để có chỗ dựa khi về già...

Như vậy, giải quyết mất cân bằng giới tính khi sinh không thể đem lại hiệu quả nhanh chóng và đơn giản mà đòi hỏi có sự chung tay, nỗ lực của mọi người dân, chính quyền các cấp và cần có những giải pháp đồng bộ, lâu dài, bền bỉ mới có thể giải quyết dứt điểm.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình Phạm Vũ Hoàng cho biết, trong thời gian tới, ngành Dân số tiếp tục chú trọng triển khai một cách đồng bộ, đầy đủ và quyết liệt các giải pháp trong Đề án Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2016-2025; phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030 để khống chế thành công tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh, đưa tỷ số giới khi sinh về mức cân bằng tự nhiên./.   

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục