Mắt xích lỏng lẻo trong quan hệ Australia-New Zealand

Mặc dù New Zealand và Australia là bạn bè thân thiết và đều là thành viên của Liên minh tình báo Five Eyes, nhưng hai nước này không phải lúc nào cũng có chung quan điểm khi đề cập đến Trung Quốc.
Mắt xích lỏng lẻo trong quan hệ Australia-New Zealand ảnh 1Ngoại trưởng New Zealand Nanaia Mahuta và Ngoại trưởng Australia Marise Payne. (Nguồn: rnz)

Trang rnz.co.nz mới đây đăng bài viết của nhà báo Jane Patterson cho rằng mặc dù New Zealand và Australia lâu nay là bạn bè thân thiết, là đồng minh và đều là thành viên của Liên minh tình báo Five Eyes, nhưng cả hai nước này không phải lúc nào cũng có chung quan điểm khi đề cập đến Trung Quốc.

Điều này được thể hiện qua chuyến thăm New Zealand mới đây của Ngoại trưởng Australia.

Trong cuộc gặp, Ngoại trưởng New Zealand Nanaia Mahuta và Ngoại trưởng Australia Marise Payne đã thể hiện thái độ thân thiện, cố gắng tránh nhắc tới những căng thẳng gần đây trong mối quan hệ song phương, liên quan đến việc cựu Bộ trưởng Nội vụ Australia (hiện là Bộ trưởng Quốc phòng) Peter Dutton gọi tất cả những kẻ bị trục xuất khỏi Australia theo điều khoản 501 của Bộ luật Di trú là “rác rưởi” và việc Australia đổ trách nhiệm cho nghi phạm khủng bố Suhayra Aden ngay trong lòng New Zealand.

Tuyên bố chung của ngoại trưởng hai nước nêu rõ: “Cả hai chúng tôi đều thừa nhận rằng vụ việc có một số phức tạp và chúng tôi sẽ giải quyết những vấn đề đó trên tinh thần của mối quan hệ song phương quan trọng, sâu sắc và gần gũi nhất.”

Những công dân New Zealand bị trục xuất khỏi Australia theo điều khoản 501 từ lâu đã là chủ đề trong các chuyến thăm cấp nhà nước của cả hai bên.

Trong khi đó, một số phương tiện truyền thông quốc tế đã có những đánh giá liên quan đến bình luận của bà Mahuta về việc New Zealand cảm thấy "không thoải mái" với việc liên minh tình báo Five Eyes được mở rộng để gửi đi những thông điệp về nhân quyền.

Truyền thông Anh đã bắt đầu phân tích những bình luận của bà Mahuta, giải thích chúng có nghĩa là New Zealand muốn rời khỏi liên minh lâu đời này. Một bài báo trên tờ The Times có tiêu đề là “Liên minh Five Eyes trong vấn đề Trung Quốc sẽ chỉ còn bốn nước khi New Zealand đặt thương mại lên hàng đầu.”

Tờ Telegraph chạy dòng tít "New Zealand gạt Five Eyes sang một bên để theo đuổi mối quan hệ gần gũi hơn với Trung Quốc." Và một tờ báo khác đã gọi Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern là “mắt xích yếu kém nhất của phương Tây.”

Tại cuộc họp báo với người đồng cấp Australia, bà Mahuta đã lên tiếng giải thích rõ về quan điểm của New Zealand. Bà nói: "Thỏa thuận Five Eyes là về một khuôn khổ an ninh và tình báo và không nhất thiết lúc nào cũng phải đề cập đến mọi vấn đề. New Zealand coi trọng mối quan hệ Five Eyes và nhận được những lợi ích đáng kể... nhưng liệu khuôn khổ đó có cần được viện dẫn mọi lúc mọi nơi, đặc biệt là trong lĩnh vực nhân quyền hay không."

Người phát ngôn đối ngoại của Đảng Quốc gia New Zealand, ông Gerry Brownlee, nói rằng đó là cách tiếp cận đúng đắn vì Five Eyes "không phải là nền tảng địa chính trị chính của chúng tôi đối với cách chúng tôi nói về các quốc gia khác."

Bà Payne cho biết một số vấn đề của Five Eyes phải được giải quyết nội bộ, nhưng một số vấn đề đã được giải quyết "một cách công khai... bởi vì chúng ta chia sẻ với tư cách là các nền dân chủ tự do, các giá trị chung và cách tiếp cận với rất nhiều vấn đề quốc tế cho phép chúng ta làm sâu sắc hơn mối quan hệ hợp tác thông qua các liên minh đó."

Bà Payne nói: “Điều đó xuất hiện thông qua những gì rõ ràng được gọi là một kỷ nguyên cạnh tranh chiến lược lớn hơn, đặc biệt là ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Bây giờ, quan điểm của tôi là các quốc gia sẽ lựa chọn giải quyết các vấn đề quan tâm trong bất kỳ diễn đàn nào mà bản thân nước đó xác định là phù hợp và nhất quán với lợi ích quốc gia.”

Mắt xích lỏng lẻo trong quan hệ Australia-New Zealand ảnh 2Ngoại trưởng Australia Marise Payne. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Bà Payne nhấn mạnh: “Nhưng sự tôn trọng của chúng tôi dành cho nhau: Australia, Mỹ, New Zealand, Anh và Canada là chắc chắn và lâu dài, một điều mà Australia đặc biệt đánh giá cao."

Australia và Trung Quốc đang ở thế đối đầu, liên quan tới việc Trung Quốc áp thuế đối với một số hàng hóa của Australia và một số vấn đề khác. Căng thẳng gia tăng mạnh khi một quan chức đối ngoại Trung Quốc đăng tải trên Twitter cá nhân bức ảnh giả chụp cảnh một binh sỹ Australia kề dao vào cổ một em bé người Afghanistan, với ngụ ý cáo buộc tội ác chiến tranh của Australia, khiến Thủ tướng Australia Scott Morrison phẫn nộ.

Bà Payne mô tả mối quan hệ này là "phức tạp nhưng toàn diện và quan trọng," đồng thời nói rằng Australia sẽ theo đuổi hợp tác khi mối quan hệ này mang lại lợi ích quốc gia.

Bà nói: "Nhưng chúng ta cũng phải thừa nhận rằng triển vọng của Trung Quốc, bản chất của sự can dự bên ngoài của Trung Quốc, cả trong khu vực và toàn cầu đã thay đổi trong những năm gần đây. Và một mối quan hệ đối tác lâu dài đòi hỏi chúng ta phải thích ứng với những thực tế mới đó, để trao đổi với nhau và những gì chúng ta đưa ra là rõ ràng, nhất quán và tự tin.”

Liệu Australia có muốn thấy một New Zealand mạnh mẽ hơn trong thông điệp của nước này về Trung Quốc không?

Theo ông Brownlee, khi nhắc đến Trung Quốc, Australia ở một vị trí hoàn toàn khác so với New Zealand. Ông nói: "Australia phải chịu một số biện pháp trừng phạt đối với một số sản phẩm xuất khẩu, nhưng bạn cần nhớ rằng Trung Quốc phụ thuộc khoảng 60% quặng sắt của Australia, vì vậy có sự khác biệt lớn giữa chúng ta (New Zealand) và Australia, kể cả mối quan hệ xuất khẩu với một quốc gia như Trung Quốc."

Truyền thông Australia đưa tin Thủ tướng Morrison đã lên kế hoạch thăm chính thức New Zealand trong vài tuần tới, tuy nhiên chưa có bất kỳ xác nhận nào từ phía các quan chức chính phủ New Zealand. Mặc dù vậy, tại cuộc họp báo chung, ngoại trưởng hai nước cho biết cuộc hội đàm của họ tạo cơ sở cho một cuộc gặp giữa các nhà lãnh đạo hai nước./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục