Mấu chốt của cuộc khủng hoảng người di cư ở biên giới Belarus-Ba Lan

EU đã cáo buộc Minsk lôi kéo người di cư từ các nước bị tàn phá bởi chiến tranh và nghèo đói, sau đó đưa họ vượt biên vào Ba Lan nhằm gieo rắc tình trạng bất ổn ở bờ Đông của EU.
Mấu chốt của cuộc khủng hoảng người di cư ở biên giới Belarus-Ba Lan ảnh 1Người di cư tại một trại tạm được dựng lên ở khu vực Grodno, biên giới giữa Belarus với Ba Lan, ngày 10/11/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Cuộc khủng hoảng người di cư ở khu vực biên giới giữa Belarus và Ba Lan đặt ra những câu hỏi về vai trò của Nga, cách ứng phó của Liên minh châu Âu (EU) và điều gì sẽ xảy ra tiếp theo.

Từ nhiều tháng qua, hàng nghìn người di cư, chủ yếu là người Trung Đông, dựng trại ở khu vực biên giới giữa Ba Lan và Belarus để tìm cách vào các nước Tây Âu qua ngả này.

Ba Lan đã phải điều binh sỹ, cảnh sát, lính biên phòng đến khu vực biên giới để “ngăn làn sóng nhập cư này tràn vào lãnh thổ Ba Lan” - cửa ngõ vào EU.

Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Marius Blaszczak bày tỏ quan ngại khi “tình hình trong đêm 10/11 không lắng dịu chút nào" và những nhóm hàng chục người di cư vẫn tìm cách vượt rào.

[Nga hoan nghênh cuộc đối thoại trực tiếp giữa EU và Belarus]

Trong khi đó, theo hãng tin Reuters, trong một động thái hiếm hoi, Nga đã điều 2 máy bay ném bom chiến lược có khả năng mang tên lửa hạt nhân thực hiện nhiệm vụ tuần tra không phận Belarus nhằm thể hiện sự hậu thuẫn đối với đồng minh thân cận của Moskva.

Một quan chức thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tiết lộ Ba Lan đã tiến hành một cuộc họp kín với các đồng minh NATO và nhận được cam kết ủng hộ của các đồng minh thuộc khối quân sự này.

Cuộc khủng hoảng lần này một lần nữa đánh vào "điểm huyệt" của EU. Liên minh vẫn chưa thể quên cuộc khủng hoảng di cư hồi năm 2015 đã gây ra rạn nứt sâu sắc giữa các thành viên, làm quá tải hệ thống an ninh xã hội của các nước thành viên và thổi bùng sự ủng hộ đối với các đảng cực hữu.

EU đã cáo buộc Minsk lôi kéo người di cư từ các nước bị tàn phá bởi chiến tranh và nghèo đói, sau đó đưa họ vượt biên vào Ba Lan nhằm gieo rắc tình trạng bất ổn ở bờ Đông của EU.

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel thừa nhận: "Chúng ta đang đối mặt với một cuộc tấn công kiểu mới (tấn công lai) mang tính chất tàn bạo tại khu vực biên giới của EU. Belarus đang sử dụng những người di cư như một thứ vũ khí một cách vô nhân đạo và tồi tệ."

Đáp lại, Nga và Belarus chỉ trích EU không thực hiện đúng theo những lý tưởng về vấn đề nhân đạo mà khối này đề ra. EU lâu nay vẫn áp đặt lệnh trừng phạt đối với Belarus vì những vi phạm nhân quyền.

Phản ứng của các nước EU

Theo hãng tin Reuters, các nước chung biên giới với Belarus hôm 11/11 đã cảnh báo rằng cuộc khủng hoảng di cư ở khu vực biên giới phía Đông EU có thể leo thang thành một cuộc đối đầu quân sự.

Litva, Estonia và Latvia cho rằng Belarus gây ra những thách thức nghiêm trọng đối với an ninh của châu Âu khi lợi dụng vấn đề người di cư để trả đũa các lệnh trừng phạt của EU.

Mặc dù không phải là thành viên EU nhưng do lo ngại nguy cơ bất ổn, Ukraine đã tuyên bố triển khai binh lính và tiến hành các hoạt động diễn tập tại khu vực biên giới phía Bắc của nước này tiếp giáp với Belarus.

EU đã bày tỏ tinh thần đoàn kết mạnh mẽ với Ba Lan, Litva và Latvia.

Dự kiến, giới chức EU sẽ thảo luận về những đòn trừng phạt mới đối với Belarus. Giới phân tích cho rằng cách tiếp cận mạnh tay của Tổng thống Lukashenko có thể sẽ phản tác dụng.

Nhà phân tích chính trị Artyom Shraybman của Belarus nhận định: "Những chiến thuật tàn bạo như vậy sẽ đầu độc chính Belarus và làm đình trệ tiến trình đàm phán với EU. Các chính trị gia châu Âu sẽ không ngồi vào bàn đàm phán vì sức ép như vậy."

Pavel Usau, Giám đốc Trung tâm Dự đoán và Phân tích Chính trị có trụ sở ở Ba Lan, cũng cho rằng ông Lukashenko đã sai lầm khi nghĩ ông có thể gây sức ép để EU nhượng bộ.

Usau giải thích: "Ông Lukashenko cho rằng EU sẽ nhượng bộ và đề nghị Ba Lan cho phép dòng người di cư đi qua nước này để đến Đức. Tuy nhiên, EU nhận ra rằng làm như vậy sẽ trao phần thắng về tay ông Lukashenko và điều nay sẽ trở thành tiền lệ để ông ấy tiếp tục có những động thái gây sức ép khác đối với EU."

"Mấu chốt" là Nga?

Theo quan sát của đài RFI, giữa lúc EU chuẩn bị tăng cường các biện pháp trừng phạt Belarus, lên án chính quyền Minsk lợi dụng cuộc khủng hoảng người di cư cho mục đích chính trị, mọi chú ý hướng về nước Nga. Nhiều nhà quan sát cho rằng “mấu chốt” của vấn đề nằm ở Moskva.

Phân tích về cách thức dòng người di cư đổ về biên giới Belarus và Ba Lan, đài RFI dẫn nhật báo Le Monde của Pháp hôm 11/11 ghi nhận chính quyền Belarus đã cấp thị thực nhập cảnh của nước này cho những người đi trên các chuyến bay từ Liban hoặc Syria để đến thẳng Minsk.

Theo điều tra của giới chức Đức được Viện nghiên cứu Thomas More (trụ sở tại Brussels) tiết lộ, phần lớn những chuyến bay nói trên do 2 tập đoàn hàng không Aeroflot của Nga và Turkish Airlines của Thổ Nhĩ Kỳ đảm nhiệm. Aeroflot là tập đoàn nhà nước Nga đã bác bỏ những cáo buộc trên.

Trả lời báo Le Figaro hôm 10/11, chuyên gia Jean-Thomas Lesueur thuộc Viện Thomas More đã nhấn mạnh vai trò của Moskva khi để cho hãng hàng không quốc gia “tham gia một cách đáng kể vào các hoạt động hàng không đưa người nhập cư vào Belarus.”

Chuyên gia này không ngần ngại cho rằng Kremlin đã “ném đá giấu tay” như từng làm “trong những năm gần đây khi sử dụng Gruzia, Armenia hay Ukraine” để gây rối.

Trong hồ sơ người di cư lần này, chuyên gia Viện Thomas More cho rằng Kremlin đã “khai thác nỗi sợ hãi của EU trước những làn sóng di cư” để khuynh đảo toàn khối.

Đáng quan ngại hơn, tình báo Litva đã cảnh báo từ nhiều tháng qua rằng những “phần tử khủng bố" đã trà trộn vào dòng người này.

Phát biểu trên trên đài phát thanh France Inter của Pháp sáng 11/11, thành viên Nghị viện châu Âu Bernard Guetta đã thẳng thừng cho rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin mới là người “điều khiển tất cả.”

Moskva "mượn tay" ông Lukashenko để thọc vào “điểm nhạy cảm” của Brussels vì biết rằng châu Âu đang bị chia rẽ hơn bao giờ hết về chính sách đón nhận người nhập cư.

Theo trang mạng Global News của Canada, Belarus đã nhận được sự hậu thuẫn mạnh mẽ của đồng minh chính là Nga - nước lâu nay cung cấp những khoản vay tài chính và ủng hộ chính trị cho chính quyền Lukashenko.

Trong những tính toán chính trị nói trên, cả Nga và Belarus đều xem nhẹ tính mạng của con người.

Mấu chốt của cuộc khủng hoảng người di cư ở biên giới Belarus-Ba Lan ảnh 2Người di cư tại khu vực Grodno, biên giới Belarus-Ba Lan, ngày 8/11/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Thủ tướng Đức Angela Merkel hôm 10/11 đã điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin để yêu cầu Moskva “can thiệp” ngăn chặn việc lợi dụng cuộc khủng hoảng di cư ở biên giới giữa Belarus và Ba Lan vì “mục đích chính trị.”

Berlin cho rằng việc chính quyền Belarus sử dụng người tị nạn làm bia đỡ đạn để trả thù các lệnh trừng phạt của EU là không thể chấp nhận được và là hành động vô nhân đạo.

Phản ứng trước quan ngại của Đức, điện Kremlin cho rằng trách nhiệm không thuộc về riêng Moskva, đồng thời đề nghị các bên liên quan, tức các thành viên EU và Belarus, cần “trực tiếp đàm phán và thu xếp với nhau.”

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho rằng cuộc khủng hoàng người di cư này là hệ quả của cuộc chiến mà Mỹ phát động ở Iraq và Afghanistan cũng như phong trào nổi dậy mang tên "Mùa Xuân Arab" do phương Tây hậu thuẫn ở Trung Đông và Bắc Phi.

Đồng thời, Điện Kremlin giận dữ bác bỏ cáo buộc của Ba Lan cho rằng Nga chịu trách nhiệm đối với cuộc khủng hoảng.

Trong khi đó, Tổng thống Lukashenko không vội phản ứng bởi ông tin vào điểm tựa vững chắc là Tổng thống Nga Vladimir Putin. Brussels và Minsk tố cáo lẫn nhau “vô nhân đạo” với “những con người khốn khổ.” Ba Lan trực tiếp quy trách nhiệm cho Moskva.

EU sẽ ứng phó như thế nào khi các đối thủ của khối đã “nắm được điểm yếu” của Brussels và đã tìm ra một vũ khí lợi hại để khuynh đảo khối này vẫn là một câu hỏi bỏ ngỏ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục