Mexico hối thúc tòa phúc thẩm Mỹ xử vụ kiện các công ty sản xuất súng

Theo luật sư đại diện cho Mexico, việc các tòa án Mỹ thụ lý vụ kiện không chỉ cho phép Mexico đòi bồi thường, mà còn đòi một phán quyết của tòa đối với tổn thất sinh mạng khoảng 20.000 người mỗi năm.
Mexico hối thúc tòa phúc thẩm Mỹ xử vụ kiện các công ty sản xuất súng ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: forbesalert.com)

Ngày 24/7, Chính phủ Mexico hối thúc một tòa phúc thẩm Mỹ xử vụ kiện trị giá 10 tỷ USD nhằm buộc các nhà sản xuất súng của Mỹ chịu trách nhiệm liên quan hoạt động buôn lậu vũ khí cho các băng nhóm tội phạm ma túy ở biên giới hai nước.

Một bồi thẩm đoàn gồm 3 thẩm phán của Tòa phúc thẩm ở Boston được yêu cầu xem xét liệu phán quyết của một tòa án cấp dưới có sai hay không khi kết luận rằng một đạo luật của Mỹ cấm Mexico kiện các công ty Smith &amp, Wesson Brands, Sturm, Ruger & Co, Beretta USA, Barrett Firearms Manufacturing, Colt's Manufacturing Co, và Glock Inc.

Cụ thể, thẩm phán tòa án này cho rằng Đạo luật Bảo vệ thương mại hợp pháp đối với vũ khí (PLCAA) của Mỹ bảo vệ ngành công nghiệp sản xuất vũ khí khỏi các vụ kiện liên quan đến việc người mua sử dụng sản phẩm sai mục đích.

[Mexico kháng cáo trong vụ kiện các nhà sản xuất vũ khí Mỹ]

Tuy nhiên, các luật sư của Mexico cho rằng luật này chỉ cấm các vụ kiện liên quan đến sát thương xảy ra trên lãnh thổ Mỹ, không bảo vệ các công ty nói trên khỏi bị kiện liên quan đến hoạt động bán súng cho các đối tượng phạm tội ở Mexico.

Theo luật sư Steve Shadowen đại diện cho Mexico, việc các tòa án Mỹ thụ lý vụ kiện sẽ không chỉ cho phép Mexico đòi bồi thường, mà còn đòi một phán quyết của tòa đối với tổn thất sinh mạng khoảng 20.000 người mỗi năm mà ông cho là do hành động bán vũ khí của các công ty trên gây ra.

Ông nhấn mạnh: “Điều chúng tôi muốn là một phán quyết của tòa để các bị đơn chú ý đến hệ thống phân phối sản phẩm của họ. Chỉ các tòa án Mỹ mới có thể đưa ra phán quyết này.”

Theo số liệu từ phía Mexico, mỗi năm có hơn 500.000 khẩu súng được bán từ Mỹ sang Mexico, trong đó hơn 68% do các công ty bị kiện nói trên sản xuất./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục