Rộn ràng đón xuân

Miền Bắc rộn ràng đón chào xuân Tân Mão 2011

Cùng với cả nước, miền Bắc đón Tết, mừng Xuân Tân Mão thật tưng bừng, náo nhiệt với tiết trời ấm áp sau những ngày rét đậm, rét hại.
Tết Nguyên đán (hay còn gọi là Tết Cả, Tết Ta, Tết Âm lịch, Tết Cổ truyền, năm mới hay chỉ đơn giản Tết) là dịp lễ quan trọng nhất trong văn hóa của người Việt Nam.

Chữ "Tết" do chữ "Tiết" (節) mà thành. Hai chữ "Nguyên đán" (元 旦) có gốc chữ Hán; "nguyên" có nghĩa là sự khởi đầu hay sơ khai và "đán" là buổi sáng sớm. Cho nên đọc đúng phiên âm phải là "Tiết Nguyên Đán" (Tết Nguyên đán được người Trung Quốc ngày nay gọi là Xuân tiết (春節), Tân niên (新年) hoặc Nông lịch tân niên (農曆新年).

Cùng với cả nước, miền Bắc đón Tết, mừng Xuân Tân Mão với tiết trời ấm áp sau những ngày mưa phùn, gió bấc, rét đậm, rét hại. Tết Tân Mão ở miền Bắc thật tưng bừng, náo nhiệt. Đặc biệt Mùng Một Tết năm nay đúng ngày kỷ niệm 81 năm thành lập Đảng (3/2), không khí mừng Đảng, mừng Xuân sau thành công Đại hội XI của Đảng ngập tràn khắp các địa phương, tạo niềm tin với những quyết sách đúng đắn tiếp tục đưa đất nước vượt qua thách thức, có những bước đột phá trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Từ Thủ đô Hà Nội - trái tim thân yêu của cả nước, chúng tôi ngược quốc lộ 6 đi Sơn La - nơi vừa khánh thành tổ máy số 1 công suất 400MW trước thời hạn 2 năm của Nhà máy Thủy điện Sơn La bổ sung nguồn điện quan trọng cho lưới điện quốc gia và ngược sông Hồng đi Phú Thọ-Yên Bái-Lào Cai… trên mọi nẻo đường của miền Bắc, hoa đào đều khoe sắm thắm, tạo nên bức “sơn thủy hữu tình” bất tận.

Chính trên những nẻo đường này xuôi về Hà Nội, vào những ngày trước Tết, từng đoàn xe ôtô nhộn nhịp chở lá dong, những cành bích đào và những lâm thổ sản cung ứng cho người dân Thủ đô và các đô thị miền xuôi sắm Tết.

Đặc trưng Tết ở Hà Nội không thể thiếu đào và quất. Đào và quất cung ứng cho Hà Nội từ nhiều nguồn nên khá dồi dào với gía cả phải chăng, chỉ nhích hơn năm trước từ 10-20% với khoảng 300.000 đồng là có thể mua được cành đào hoăc cây quất tương đối bắt mắt. Nhưng nguồn cung ứng quan trọng nhất vẫn là các vùng trồng hoa đào nổi tiếng Nhật Tân (Tây Hồ), Vân Tảo (Thường Tín) hay vùng trồng quất cảnh Tứ Liên (Tây Hồ), Đông Ngạc (Từ Liêm).

Theo nhiều chủ vườn đào ở Hà Nội, dịch vụ cho thuê đào thế Tết Tân Mão khá sôi động. Năm nay, khá nhiều người tiêu dùng ở Hà Nội đã chuyển từ phương thức “mua đứt” sang lựa chọn phương thức thuê gốc đào chơi Tết. Anh Trần Tuấn Việt, chủ vườn đào Tuấn Việt nổi tiếng trên đường Âu Cơ (quận Tây Hồ-Hà Nội) cho biết: Hàng trăm khách đã đặt thuê, trong đó có người đặt thuê với giá cao nhất lên tới gần 20 triệu đồng/gốc đào thế chơi Tết.

Không chỉ Hà Nội mà thú chơi đào và quất trong dịp Tết Tân Mão đã lan tỏa ra các thành phố Hạ Long (Quảng Ninh), Hải Phòng, Nam Định, Thanh Hoá, Vinh (Nghệ An), Đồng Hới (Quảng Bình)… Trừ những trường hợp còn khó khăn, nhiều gia đình cũng đã mua sắm đào hoặc quất về trưng bày trong những ngày Tết.

Theo truyền thuyết, ngày xưa, ở phía Đông núi Sóc Sơn , có một cây hoa đào mọc đã lâu đời. Cành lá đào sum suê, to lớn khác thường, bóng r â m che phủ cả một vùng rộng. Có hai vị thần tên là Trà và Uất Lũy trú ngụ ở trên cây hoa đào khổng lồ này, tỏa rộng uy quyền che chở cho dân chúng khắp vùng. Quỷ dữ hay ma quái nào bén mảng lui đến ắt khó mà tránh khỏi sự trừng phạt của 2 vị thần linh. Ma quỷ rất khiếp sợ uy vũ sấm sét của hai vị thần, đến nỗi sợ luôn cả cây đào. Chỉ cần trông thấy cành hoa đào là bỏ chạy xa bay.

Đến ngày cuối năm, cũng như các thần khác, hai thần Trà và Uất Lũy phải lên thiên đình chầu Ngọc Hoàng . Trong mấy ngày Tết, 2 thần vắng mặt ở trần gian, ma quỷ hoành hành, tác oai , tác quái. Để ma quỷ khỏi quấy phá, dân chúng đã đi bẻ cành hoa đào về cắm trong lọ, nhỡ ai không bẻ được cành đào thì lấy giấy hồng điều vẽ hình 2 vị thần linh dán ở cột trước nhà, để xua đuổi ma quỷ. Từ đó, hàng năm cứ mỗi dịp Tết đến, mọi nhà đều cố gắng đi bẻ cành hoa đào về cắm trong nhà trừ ma quỷ.

Thấp thoáng bên cạnh những cành đào, cây quất, không ít gia đình ở Hà Nội và các địa phương khác ở miền Bắc đón Tết Tân Mão còn trưng bày những cây Mai thế từ các tỉnh phía Nam cung ứng ra, làm cho sắc xuân hài hoà giữa hai miền Bắc-Nam.

Đặc biệt, mùa xuân này, nhiều hộ nghèo có hoàn cảnh khó khăn ở các địa phương phấn khởi hơn khi được đón Tết cổ truyền trong những căn nhà mới. Tiêu biểu là tỉnh Bắc Ninh sau một năm thực hiện Cuộc vận động “Nối vòng tay nhân ái”, bằng các nguồn vốn từ các doanh nghiệp, nhà hảo tâm và nguồn vốn ngân sách, đã hoàn thành việc xóa nhà cấp 4 cũ nát cho gần 1.800 hộ nghèo, gần 200 gia đình có công với nước và gần 30 hộ là nạn nhân chất độc da cam/dioxin.

Như vậy, 100% hộ nghèo, hộ thuộc diện chính sách ở Bắc Ninh đã được hỗ trợ về nhà ở, là tỉnh về đích sớm 2 năm trong cả nước theo Quyết định 167/2008 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở.

Cụ Nguyễn Thị Hiên, năm nay hơn 90 tuổi có chồng là liệt sĩ ở thôn Dương Húc, xã Đại Đồng, huyện Tiên Du, nằm trong diện có hoàn cảnh khó khăn. Được hỗ trợ 30 triệu đồng để xây dựng, sửa chữa ngôi nhà cũ trở thành rộng rãi, khang trang, Tết cổ truyền năm nay, cụ đón năm mới trong ngôi nhà gắn bó với cả cuộc đời mình, xúc động bày tỏ “Tết này đối với tôi thật có ý nghĩa”./.

Vũ Xuân Bân (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục