Miễn thuế thu nhập: Cú hích kích cầu tiêu dùng?

Bà Nguyễn Thị Cúc, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam cho rằng, trong điều kiện ngân sách đang rất khó khăn thì việc miễn thuế với số tiền gần 2.000 tỷ đồng đã thể hiện sự chia sẻ với người nộp thuế. Thay vì nộp ngân sách, nhiều người sẽ có một khoản để tiêu dùng, điều này hy vọng sẽ là một trong những yếu tố để hàng hóa tồn kho được giải phóng.

Đồng tình quan điểm này, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, việc miễn thuế lần này đã được Quốc hội cân nhắc rất kỹ bởi nguồn thu hiện nay đã rất hạn chế.

Từ 1/7, hàng ngàn người sẽ có thêm một khoản “nho nhỏ” hàng tháng từ quyết định miễn thuế thu nhập cá nhân trong 6 tháng cuối năm vừa được Quốc hội chính thức thông qua.


Theo đó, các cá nhân có thu nhập tính thuế từ tiền lương, tiền công và từ kinh doanh đến mức phải chịu thuế thu nhập cá nhân ở bậc 1 (có thu nhập tính thuế đến 5 triệu, chiếm khoảng 73% số người đang nộp thuế hiện nay) sẽ được miễn trong vòng 6 tháng cuối năm.

Điều đó cũng có nghĩa, các cá nhân không có người phụ thuộc sẽ được miễn thuế từ tháng Bảy đến hết năm nếu thu nhập của họ dưới 9 triệu đồng. Nếu có người phụ thuộc, ngưỡng chịu thuế cũng sẽ tính thêm phần giảm trừ gia cảnh.

14 triệu đồng/tháng cũng được miễn thuế

Giải thích cặn kẽ hơn, bà Nguyễn Thị Cúc, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam cho rằng, trong điều kiện ngân sách đang rất khó khăn thì việc miễn thuế với số tiền gần 2.000 tỷ đồng đã thể hiện sự chia sẻ với người nộp thuế.

Tuy nhiên, bà Cúc cho rằng, mọi người nên hiểu thật đúng tinh thần của nghị quyết. Quyết định này không chỉ miễn thuế với những người thu nhập từ 9 triệu đồng trở xuống một cách cứng nhắc mà cần tính toán tới nhiều yếu tố.

Ví dụ, một người độc thân có thu nhập 9,2 triệu đồng. Sau khi được giảm trừ gia cảnh theo quy định là 4 triệu đồng, trừ thêm 200.000 đồng tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, họ còn lại 5 triệu đồng. Như vậy, người này theo quyết định cũng sẽ được miễn thuế thu nhập cá nhân trong 6 tháng cuối năm.

Đưa ra trường hợp khác, đại diện Hội tư vấn thuế cũng chỉ ra, một người có thu nhập 14 triệu đồng/tháng hoàn toàn có thể nằm trong diện được miễn thuế.

Bà Cúc chứng minh về trường hợp một cá nhân có thu nhập 14 triệu đồng/tháng nhưng có hai con nhỏ và một mẹ già. Sau khi giảm trừ gia cảnh bản thân là 4 triệu đồng, người này tiếp tục được trừ số tiền có người phụ thuộc (1,6 triệu đồng/người) là 4,8 triệu đồng. Như vậy, nếu tính tới cả 200.000 đồng tiền bảo hiểm, số tiền phải thuộc diện chịu thuế của người này chỉ là 5 triệu đồng. Như vậy, trường hợp này vẫn thuộc diện miễn thuế.

Tuy nhiên, theo bà Cúc, cách tính theo quyết định mới này cũng khiến một số người không vui. Bởi, nếu người có thu nhập 9,2 triệu đồng hoàn toàn được miễn thuế thì người thu nhập cao hơn chỉ 100.000 đồng hoặc 200.000 đồng lại phải bỏ ra số tiền không nhỏ.

Ví dụ, một người độc thân có thu nhập 9,3 triệu đồng, vẫn như cách tính như trên, thì số tiền còn lại phải chịu thuế sẽ là 5,1 triệu đồng, không thuộc diện được miễn thuế. Hơn thế, số tiền 5,1 triệu đồng này theo cách tính thuế đúng quy định sẽ phải nộp thuế thu nhập cá nhân là 260.000 đồng.

“Như vậy, người có thu nhập chỉ cao hơn một chút với nhóm được miễn thuế sẽ nhận được lương thực còn ít hơn,” bà Cúc chỉ ra.

Tuy nhiên, bà Cúc cho rằng, rất khó để tính công bằng toàn bộ. Bởi, nếu chúng ta xử lý giúp những người có mức lương ráp gianh kia thì cũng phải miễn với những đối tượng khác. Như thế, những người giàu cũng sẽ được miễn thuế, đó lại là một số thiếu công bằng khác.

Cú hích kích cầu, chưa phải... "búa tạ"?

Có cái nhìn tổng thể hơn, theo bà Nguyễn Thị Cúc, trong điều kiện ngân sách còn rất khó khăn thì việc miễn thuế sẽ ảnh hưởng khoảng gần 2.000 tỷ đồng.

Điều này đã thể hiện sự chia sẻ của Nhà nước với người nộp thuế. Thay vì nộp ngân sách, nhiều người sẽ có một khoản để tiêu dùng, điều này hy vọng sẽ là một trong những yếu tố để hàng hóa tồn kho được giải phóng.

Đồng tình quan điểm này, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, việc miễn thuế lần này đã được Quốc hội cân nhắc rất kỹ bởi nguồn thu hiện nay đã rất hạn chế.

Ông Long nhớ lại, năm 2009, chúng ta đã có đợt giảm thuế thu nhập cá nhân với số tiền lên tới gần 5.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong điều kiện hiện tại, ngân sách không thể bỏ ra một lượng lớn như thế.

Bởi thế, theo ông Long, 250.000 đồng tiền miễn thuế mỗi tháng với người dân có thể chỉ coi là một “cú hích” chứ không nên kỳ vọng có sức nặng như… “búa tạ.”

“2.000 tỷ đồng đó người ta có dùng để chi tiêu không thì chưa biết. Quyết định này chỉ là giảm bớt khó khăn cho người nộp thuế, phần đó mọi người có thể chi vào việc khác,” ông Long nói.

Ông Long cho rằng, với tình trạng sản xuất còn đình đốn như hiện nay, nếu thực sự muốn kích cầu tiêu dùng, việc miễn thuế thu nhập cá nhân đáng lý phải áp dụng với cả mức cao hơn là những người nộp thuế bậc 2. Tuy nhiên, chuyên gia Ngô Trí Long đánh giá, hiện chúng ta đã giảm, giãn khá nhiều loại thuế, vì thế, việc thực hiện giảm thuế thu nhập cá nhân cho những người thu nhập bậc 2 rất khó thực hiện.

“Trong khi ngân sách mình còn yếu, thì đây cũng là việc đáng ghi nhận giúp tăng nguồn thu cho người nộp thuế,” ông Long nhận định./.

Xuân Dũng (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục