Mở lại đường bay quốc tế: Sẽ hiệu quả nếu cách làm tạo được niềm tin

Việt Nam nên sớm thương thảo với các nước liên quan, kiểm soát dịch bệnh tốt để tạo ra các khối du lịch, dựa trên cơ sở đó để mở lại hàng không và du lịch quốc tế ở quy mô mang tính thực chất.
Các hãng hàng không đang nỗ lực mở lại đường bay quốc tế sau thời gian tạm dừng vì ảnh hưởng của dịch COVID-19. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)
Các hãng hàng không đang nỗ lực mở lại đường bay quốc tế sau thời gian tạm dừng vì ảnh hưởng của dịch COVID-19. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Liên quan đến việc mở lại đường bay quốc tế đến Việt Nam, tiến sỹ Lương Hoài Nam, chuyên gia hàng không bày tỏ lo ngại về cách phối hợp mở đường bay với các nước, tổ chức kiểm soát, đón khách, phòng dịch trong nước… đến bài toán hiệu quả của việc mở bay quốc tế.

Phóng viên Báo điện tử VietnamPlus đã có cuộc trao đổi ông Lương Hoài Nam xung quanh vấn đề này.

- Ông đánh giá ra sao về việc Việt Nam bắt đầu mở lại đường bay quốc tế?

Ông Lương Hoài Nam: Theo dõi cách làm của các nước trên thế giới như Thái Lan, Singapore thì hiện các nước bạn đã tạo ra những “Travel bubbles” (khối, cụm du lịch an toàn), là những thoả thuận song phương hoặc đa phương để quy định rõ những quy định về trách nhiệm, công việc của nước khởi hành, nước đón khách làm sao đủ chi tiết và chất lượng về các quy định phòng và kiểm soát dịch.

Chỉ khi nào việc mở hàng không quốc tế dựa trên những thoả thuận chi tiết như thế mới tạo được niềm tin cho người đi lại về quy định rõ ràng, đi lại an toàn. Nếu không, nước ta sẽ rơi vào tình trạng các nước không có bắt buộc về giãn cách nhưng người dân sẽ tự giãn cách, họ sẽ không thấy an toàn khi đi lại và họ sẽ không đi. Trong trường hợp đó, các hãng cũng không có khách để mà bay, hệ số sử dụng ghế dưới 50% thì càng bay càng lỗ.

- Tuy nhiên cũng có quan ngại về việc mở lại đường bay quốc tế sẽ nhập dịch về Việt Nam?

Ông Lương Hoài Nam: Tôi nghĩ Việt Nam nên sớm thương thảo với các nước liên quan, kiểm soát dịch bệnh tốt để tạo ra các khối du lịch, dựa trên cơ sở đó để mở lại hàng không và du lịch quốc tế ở quy mô mang tính thực chất, tần suất bay đủ nhiều, số lượng khách đi lại đủ lớn để tạo ra hiệu quả trong việc nối lại các dịch vụ hàng không và du lịch.

[Thủ tướng yêu cầu chuyến bay quốc tế phải có phương án chống dịch]

Việc mở cửa hàng không có nhập dịch hay không hoàn toàn phụ thuộc vào cách mở, lựa chọn những quốc gia nào để bắt đầu việc mở. Thứ hai là chúng ta thoả thuận với các quốc gia đó về những quy trình về việc 2 bên phải làm. Vậy nên, không thể nói chung chung là mở cửa sẽ nhập dịch về nếu công tác phối hợp kiểm dịch giữa các quốc gia tốt. Đấy là lý do tại sao Malaysia và Singapore mở được mà không quá lo ngại.

Đơn cử như Malaysia và Singapore mở cửa thông thương cả đường bộ với số lượng người qua lại rất nhiều nhưng họ có những thoả thuận về quy trình tác nghiệp mà 2 bên phải làm nên không sợ việc xuất nhập khẩu dịch qua lại giữa hai quốc gia.

Quan trọng là những thoả thuận này phải chi tiết và tỷ mỷ, là sự phối hợp giữa các trung tâm kiểm dịch, các đơn vị khác tham gia vào công tác phòng chống dịch ở nước ta và các nước đối tác.

- Để nối lại đường bay quốc tế đến Việt Nam trước tiên phải gỡ “rào cản” tâm lý e ngại của khách đối với việc di chuyển bằng máy bay bởi nỗi lo bị lây nhiễm trong quá trình di chuyển và phải cách ly một thời sau khi đến sân bay điểm đến. Ông nghĩ gì về vấn đề này?

Ông Lương Hoài Nam: Chúng ta nên tìm ra những thoả thuận với các nước liên quan, kiểm soát dịch bệnh tốt để tạo ra các khối du lịch càng sớm càng tốt để mở cửa trên những nguyên tắc rất chặt chẽ, rõ ràng, minh bạch và cách mở phải tạo được niềm tin cho người đi lại và người dân thì lúc đó mới có thị trường được. Nếu không lượng khách sẽ không nhiều, các doanh nghiệp càng kinh doanh càng lỗ nên cần có sự phối hợp liên ngành tốt trong chuyện này.

Thận trọng là tốt, nhưng nếu thận trọng đến mức không làm gì hoặc chỉ mở trên hình thức thì các doanh nghiệp hàng không và du lịch sẽ bị thiệt hại không đáng có. Thận trọng có thể khiến chúng ta bỏ qua những cơ hội, thiếu những sự sáng tạo cũng như trách nhiệm xúc tiến công việc để tạo ra cơ hội trong bối cảnh hiện nay.

Nếu chúng ta không tiếp cận bay quốc tế đón khách du lịch theo khối, cụm du lịch an toàn trên cơ sở thoả thuận song phương hoặc đa phương thì không khu vực nào trên thế giới hiện nay có thể mở được chuyến bay quốc tế. Và, chúng ta sẽ lại bỏ lỡ cơ hội phục hồi hàng không, du lịch và phát triển kinh tế.

- Xin cảm ơn ông./.

Cuối tuần vừa qua, Phó thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh chỉ đạo Bộ Y tế khẩn trương xây dựng "Hướng dẫn giám sát, xét nghiệm SARS-CoV-2 cho người nhập cảnh vào Việt Nam";  xây dựng các phương án tổ chức tiếp nhận và cách ly, lấy mẫu, xét nghiệm COVID-19 tại các sân bay phù hợp với các nhóm khách nhập cảnh; ban hành quy trình tiếp nhận và cách ly trong đó làm rõ người bàn giao, người nhận bàn giao, đơn vị quản lý, cơ chế thông tin phối hợp, các hành khách tại các sân bay.

Bộ Y tế chủ trì, phối hợp Bộ Giao thông Vận tải và Ủy ban Nhân dân các thành phố tổ chức kiểm tra quy trình tiếp nhận khách nhập cảnh tại khu vực sân bay; xây dựng cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành để quản lý hành khách nhập cảnh vào Việt Nam.

Phó Thủ tướng chỉ đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh thành, các sở y tế, trung tâm kiểm soát dịch bệnh kiểm tra khu vực cách ly, lấy mẫu xét nghiệm, theo dõi y tế các trường hợp nhập cảnh vào Việt Nam tại các địa phương khi mở lại các đường bay thương mại quốc tế.

Phó Thủ tướng cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho Bộ Ngoại giao, Bộ Tài chính, Bộ Quốc phòng, Bộ Giao thông Vận tải trong việc mở bay quốc tế, kiểm soát dịch...

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục