Mở ra chương mới trong mối quan hệ giữa Nga và ASEAN

Tổng thống Putin nhấn mạnh rằng cả Nga và ASEAN thường chia sẻ lập trường về các vấn đề toàn cầu và khu vực, ủng hộ sự hợp tác bình đẳng, công bằng và cùng có lợi ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Mở ra chương mới trong mối quan hệ giữa Nga và ASEAN ảnh 1Ảnh minh họa.

Theo trang mạng eastasiaforum, năm 2021, Nga và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã kỷ niệm 30 năm quan hệ chính thức.

Không có nghi lễ đặc biệt nào cho sự kiện này, song Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có bài phát biểu chúc mừng trực tuyến trước các đại biểu tham dự Hội nghị cấp cao Nga-ASEAN lần thứ 4 vào tháng 10/2021. Khi hợp tác giữa Nga và ASEAN ngày càng sâu rộng, hai bên nhận ra rằng họ có rất nhiều điểm chung.

Tổng thống Putin nhấn mạnh rằng cả Nga và ASEAN thường chia sẻ lập trường về các vấn đề toàn cầu và khu vực, ủng hộ sự hợp tác bình đẳng, công bằng và cùng có lợi ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Tuyên bố chung từ hội nghị cấp cao Nga-ASEAN lần thứ 4 thừa nhận rằng an ninh quốc gia không thể đạt được bằng “việc gây tổn hại cho các quốc gia khác" và củng cố vai trò chủ chốt của ASEAN trong việc định hình cấu trúc an ninh ở châu Á-Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.

Đây là một trong những tài liệu chính thức đầu tiên của Nga kết nối Thái Bình Dương với Ấn Độ Dương, chứ không phải “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” mà Nga vẫn chính thức bác bỏ thuật ngữ và hiện tượng này.

Mặc dù vậy, Moskva vẫn thể hiện sự tôn trọng các nguyên tắc trong “Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”, coi đó là một dấu mốc có giá trị cho hợp tác đa phương nhằm tránh mọi “cấu trúc thay thế” mới. Nga cũng coi Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) do ASEAN dẫn dắt là một hình mẫu đối thoại về các vấn đề an ninh và là khuôn khổ để tiếp tục thể chế hóa.

Việc Nga chấp nhận các chuẩn mực như vậy là rất đáng chú ý vì nước này phản đối mạnh mẽ mô hình “trật tự dựa trên luật lệ” đang được Mỹ và các đồng minh thúc đẩy. Thật kỳ lạ, cách tiếp cận của Nga không hoàn toàn phù hợp với cách Trung Quốc đối phó với các tranh chấp khi Bắc Kinh ủng hộ cách giải thích và cách tiếp cận song phương của riêng mình.

[Nga tăng cường thúc đẩy ngoại giao văn hóa với các nước ASEAN]

Sự khác biệt như vậy tạo cơ hội cho Nga tự cho mình như là một nhà hòa giải độc lập. Moskva đã chứng tỏ khả năng đóng vai trò làm trung gian hòa giải của mình trong giai đoạn căng thẳng giữa Ấn Độ và Trung Quốc ở khu vực biên giới Himalaya vào năm 2020.

Nga và ASEAN cũng đã công bố “Kế hoạch hành động toàn diện” để thực hiện quan hệ đối tác chiến lược của họ trong giai đoạn 2021-2025. Kế hoạch này liên quan đến việc phát triển mối quan hệ giữa ASEAN và Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), cả hai bên đều tập trung vào hợp tác ngăn chặn buôn bán ma túy, buôn lậu vũ khí bất hợp pháp và các loại tội phạm xuyên quốc gia khác, đây là những nhân tố làm gia tăng chủ nghĩa khủng bố.

Cả Đông Nam Á và Trung Á đều phải hứng chịu các hoạt động ly khai và cực đoan, có nghĩa là việc trao đổi kinh nghiệm có thể góp phần thiết thực vào việc cứu sống nhiều sinh mạng.

Sau bất ổn ở Kazakhstan vào đầu năm 2022, sự tham gia gìn giữ hòa bình của Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) cũng đáng được cân nhắc, mặc dù Hiến chương ASEAN vẫn kiên quyết với phương châm “không can thiệp."

Kế hoạch này cũng ghi nhận tính hữu ích của diễn đàn Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng trong việc tạo điều kiện cho các cuộc tập trận chung, nghiên cứu và trao đổi chuyên gia quân sự.

Các cuộc tập trận hải quân chung gần đảo Sumatra của Indonesia hồi tháng 12/2021 là một đợt thử nghiệm cho sự hợp tác quốc phòng hơn nữa giữa Nga và ASEAN. Các nhiệm vụ hợp tác hiện nay có thể được tổ chức trên cơ sở đặc biệt - chẳng hạn như tuần tra chống cướp biển ở các eo biển chiến lược Malacca và Sunda.

Diễn đàn Khu vực ASEAN và các cơ chế ngoại giao phòng ngừa khác cũng có thể giúp phát triển mối quan hệ Nga-ASEAN về an ninh hàng hải, quân y, chống khủng bố, gìn giữ hòa bình, rà phá bom mìn, cứu trợ sau khủng hoảng và lĩnh vực mạng. Tuy nhiên, nhiều lĩnh vực trong số này sẽ đòi hỏi phải xây dựng lòng tin đáng kể trước khi đạt được tiến bộ lớn. Nga cũng đang sốt sắng thúc giục ASEAN hoàn tất Hiệp ước khu vực Đông Nam Á không vũ khí hạt nhân (SEANWFZ) và có lẽ đã tìm cách tác động tích cực đến Trung Quốc về vấn đề này. Vấn đề khó khăn nhất ở đây là Hiệp ước Phòng thủ chung Mỹ-Philippines, nhưng các quốc gia khác trong khu vực có thể có được sự an toàn hơn từ SEANWFZ.

Cả hai đối tác này trong năm 2021 cũng đã ký kết Lộ trình Hợp tác Thương mại và Đầu tư ASEAN-Nga, nhưng các con số kinh tế ở đây vẫn chưa ấn tượng. Kim ngạch thương mại đạt đỉnh 23 tỷ USD vào năm 2014 và sau đó giảm mạnh xuống còn 15 tỷ USD vào năm 2020. Điều này không thể so sánh với kim ngạch thương mại 685 tỷ USD giữa Trung Quốc và ASEAN hay 155 tỷ USD giữa Hàn Quốc và ASEAN.
Tương tự, ý tưởng của Bộ Phát triển Kinh tế Nga về một hiệp định thương mại tự do giữa ASEAN và Liên minh Kinh tế Á-Âu có ý nghĩa chính trị hơn là kinh tế vì Nga đã ký các hiệp định như vậy với Việt Nam và Singapore dù ảnh hưởng không đáng kể. Bản chất vai trò của Moskva ở châu Á-Thái Bình Dương vẫn là một câu hỏi cấp bách.

Trong trường hợp của Đông Nam Á, Nga không đóng vai trò là nhà kiến tạo hòa bình, nhưng không giống như Trung Quốc hay Mỹ, nước này không gây ra vấn đề nghiêm trọng nào cho khu vực. Vấn đề gây tranh cãi duy nhất là Nga bị nghi ngờ can thiệp vào các vấn đề đối nội của Myanmar, bất chấp mối quan hệ của Moskva với quân đội nước này có từ rất lâu trước cuộc đảo chính năm 2021.

Nguyên tắc đa cực gắn liền với tư duy của ASEAN là rất hấp dẫn đối với Nga. Moskva ủng hộ chiến lược không liên kết ở Thái Bình Dương và nghi ngờ Đối thoại An ninh Tứ giác, AUKUS và các định dạng liên quan khác mà nước này cho là tiếp sức cho đối phương và làm chia rẽ sâu sắc giữa các nước.

Tuy nhiên, ASEAN miễn cưỡng coi Nga là một trung tâm quyền lực riêng biệt, thường liên kết nước này với Trung Quốc và đôi khi đổ lỗi cho việc nước này tạo điều kiện cho hành vi quyết đoán của Bắc Kinh ở châu Á.

Dù thừa nhận mối quan hệ gần như đồng minh Nga-Trung ngày càng sâu sắc, Điện Kremlin đang đưa ra cách tiếp cận đa dạng hơn với các đối tác, bao gồm cả việc sẵn sàng trở thành nhà trung gian hòa giải không thiên vị trong các tranh chấp. Moskva cũng cố gắng chia sẻ kinh nghiệm quản lý khủng hoảng và các chiến lược cho các chương trình nghị sự nhạy cảm khác nhau như cạn kiệt tài nguyên, biến đổi khí hậu, thăm dò không gian, phát triển tuyến đường Biển Bắc Cực và phục hồi sau đại dịch COVID-19.

Nga và ASEAN nên tập trung vào những vấn đề cụ thể này trong khi dần xây dựng một chương trình nghị sự chi tiết hơn, tránh quá chung chung và quá bị ảnh hưởng bởi sự cạnh tranh toàn cầu giữa Mỹ và Trung Quốc.

Về vấn đề này, chương trình nghị sự Nga-ASEAN cho năm 2022 do Đại sứ Nga tại ASEAN Alexander Ivanov công bố có vẻ khá hợp lý.

Cốt lõi của chương trình nghị sự này là có một kế hoạch đổi mới hợp tác chống khủng bố và làm sâu sắc hơn các mối quan hệ, nhất là trong lĩnh vực an ninh mạng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục