Mỗi khi vào nhà chờ, xe buýt "càng đi chậm càng nguy hiểm"

Lãnh đạo Transerco cho rằng, không có gì khổ hơn lái xe buýt, cứ đi được một đoạn lượn vào nhà chờ rồi lại ra. Người nào nóng tính nhất thì hãy lái xe buýt, không điềm tĩnh cũng trở thành điềm tĩnh.
Mỗi khi vào nhà chờ, xe buýt "càng đi chậm càng nguy hiểm" ảnh 1Xe buýt vào đón khách tại một điểm nhà chờ. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Trong thời gian qua, nhiều trường hợp phóng nhanh, vượt ẩu, gây tai nạn giao thông là do một bộ phận lái xe buýt chưa chấp hành luật giao thông... chính là nỗi lo an toàn giao thông cho người đi đường khi xe buýt được sánh ngang với mệnh danh của xe container với tên gọi “hung thần đường phố."

Tuy nhiên, lãnh đạo Tổng công ty vận tải Hà Nội cho rằng, tổ chức giao thông không đồng bộ thì bất cập, chưa kể đặc thù hoạt động xe buýt cực kỳ nan giải và khó khăn. Xe buýt chèn xe khác nếu nhẹ thì lườm, nặng thì ăn chửi thậm chí còn bị hành hung gây gổ đánh lái phụ xe.

Chạy lạng lách đánh võng thì không đúng?

Chiếc xe buýt 03 (bến xe Gia Lâm-bến xe Giáp Bát) đang băng băng trên đường, chiếc đèn xi-nhan nhấp nháy và bíp bíp kêu vài tiếng, tài xế liền quẹo tay lái rồi táp vào lề đường nhà chờ xe buýt. Một loạt phương tiện đi sau vội vàng dúi dụi phanh gấp, kèm theo tiếng thở dài và lắc đầu ngao ngán.

Đây là hình ảnh dễ dàng bắt gặp ở trên các tuyến đường đô thị của Hà Nội khi có lộ trình tuyến xe buýt đi qua.

Nhà ở khu đô thị Linh Đàm, công việc thường xuyên đi lại trên phố Trần Hưng Đạo, chị Lại Thị Hoàn ​cho biết, tuyến phố này được thí điểm cho xe đỗ lòng đường, một số nhà chờ xe buýt được đặt xen kẽ dọc trục đường khiến mỗi lần xe vào điểm chờ là người điều khiển xe máy đi trước hay đi sau ​đều trong tình trạng phòng thân, lo ngay ngáy.

“Chỉ cần xe buýt bấm còi, bật xi-nhan người đi đường vội vã đi sát vào lề đường. Thậm chí, có người còn lao hẳn xe lên vỉa hè cho yên tâm. Hình như cánh lái xe buýt cho mình cái quyền tự coi đường phố là của riêng nên hay phóng nhanh, vượt ẩu? Giờ mỗi lần thấy xe buýt đi đằng sau là ​tôi lại nơm nớp sợ hãi. Đi ra đường giống như là ‘đi đánh trận’ và sợ nhất xe buýt,” chị Hoàn thành thật nói.

Theo ý kiến của những người đi xe buýt thường xuyên, chỉ có một bộ phận lái xe chạy ẩu là đáng lên án ​còn nếu đánh đồng tất cả tài xế xe buýt đều là “hung thần”, chạy ẩu, giành đường rồi gây tai nạn thì thật quy chụp.

“Xe buýt không có đường riêng, phải đi chung dòng với phương tiện khác, vừa qua điểm đón trả khách một đoạn là đã lo ‘tạt đầu’ để chuyển làn bởi nếu không đánh lái thì chỉ còn cách ép các xe khác cùng vào điểm trả khách, đó là chưa tính đến các tuyến xe buýt khác nối đuôi phía sau, chậm một chút sẽ dẫn đến tắc đường, làm xáo trộn lịch trình của xe buýt,” bạn Nguyễn Hoài Trung, sinh viên trường Đại học Thương Mại cho hay.

Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với phóng viên VietnamPlus, ông Nguyễn Việt Triều, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) cho biết, hiện tại, Hà Nội chưa có đường dành riêng cho xe buýt. Vì vậy, phương tiện lưu thông hỗn hợp, cùng vận hành trên đường. Xe buýt không giống với các loại ​phương tiện khác là cứ chạy một đoạn đường phải đi vào điểm dừng, đỗ để đón trả khách, tổ chức giao thông chưa thể để xe cứ chạy men theo vỉa hè.

Phản bác lại quan điểm của dư luận nói xe buýt chạy lạng lách, đánh võng ​là không đúng, ông Triều thừa nhận, xe buýt vào và ra điểm dừng đón khách, cản trở phương tiện khác tham gia giao thông là có.

“Thao tác kỹ thuật lái xe thì không tài xế nào lại cắt ngang đầu phương tiện khác.Tài xế phải xin-nhan từ một khoảng cách rất xa mới quẹo vào được nhà chờ đón khách. Transerco thường xuyên đào tạo kỹ năng lái xe ra vào điểm dừng. Những trường hợp như thế là rất cá biệt,” ông Triều nhìn nhận.

Theo vị Phó Tổng giám đốc Transerco, xe buýt đỗ cách vỉa hè 1m nhưng xe máy còn hở chỗ nào thì cố “chen chân” vào dù lái xe có bật đèn xi-nhan, còi chíp… thỉnh thoảng đôi khi vẫn có 1-2 xe khi xe buýt vào thì bị ép không len lên được lại khó chịu và bức xúc.

“Chính cánh lái xe đã nói với tôi rằng, mỗi khi vào nhà chờ đón khách, nếu xe càng vào chậm càng nguy hiểm, chỉ còn một khoảng cách nhỏ nhưng xe máy, xe đạp vẫn lách lên đặc biệt những người liều lĩnh nhất lại là phụ nữ, ảnh hưởng nguy hiểm cho cả khách lên và xuống, chưa kể xe đâm đuôi, nên phải vào dứt khoát. Không lái xe nào muốn chèn xe khác bởi nếu nhẹ thì lườm, nặng thì ăn chửi thậm chí còn bị hành hung gây gổ đánh lái phụ xe,” ông Triều phân trần.

Không có gì khổ hơn là đi được một đoạn cứ vào, lại ra!

Đề cập đến tiêu chí tuyển dụng lái xe, lãnh đạo Transerco cho biết, tuyển dụng đầu vào của lái xe gồm giấy phép lái xe phù hợp nhu cầu tuyển dụng, có sức khỏe, xác định nhân thân tiền án, tiền sự của chính quyền nơi sinh sống sở tại, tốt nghiệp Trung học phổ thông; có hộ khẩu thường trú, tạm trú tại Hà Nội, giấy khám sức khỏe, hồ sơ sơ yếu lý lịch, test thử ma túy. Ngoài ra, thi viết, hiểu biết xã hội nhưng quan trọng nhất là quy trình thực tiễn phục vụ hành khách.

Bên cạnh đó, theo ông Triều, xe buýt hiện nay quá chậm, dự án xe buýt nhanh (BRT) nếu đưa vào vận hành cũng chỉ đạt vận tốc 22km/giờ trong khi đó có đường dành riêng xe buýt. Không có xe nào chạy trong nội thành đi được vận tốc 30km/giờ. Do tổ chức và tính chất giao thông Hà Nội, nói xe buýt lạng lách đánh võng chính là vì đi được mấy trăm mét lại phải vào điểm dừng đón trả khách, ảnh hưởng dòng xe lưu thông.

Mỗi khi vào nhà chờ, xe buýt "càng đi chậm càng nguy hiểm" ảnh 2Hà Nội chưa có đường dành riêng cho xe buýt mà vẫn lưu thông hỗn hợp cùng các phương tiện khác. (Ảnh: Huy Hùng/TTVN)

Nhiều người đặt câu hỏi, xe buýt không bị khoán thời gian quay vòng điểm đầu-cuối nhưng tại sao lái xe lại điều khiển xe với tốc độ rất nhanh, ông Triều quả quyết, Transerco chỉ khống chế thời gian không được về bến sớm, đường vắng về sớm bị lập biên bản.

Đây là ý thức tự giác, do lái xe tự thảo luận nhưng tần suất khoảng cách, thời gian cự ly phải đồng đều. Yếu tố cạnh tranh chất lượng là rút ngắn thời gian chạy xe nhưng không được lạng lách, đánh võng trên đường. Ở Hà Nội, xe buýt chạy không thể đúng giờ, cao điểm đông mật độ nên ảnh hưởng nhiều đến biểu đồ vận tải.

“Không có gì khổ hơn là lái xe buýt, cứ đi được một đoạn lại vào nhà chờ, rồi lại đi ra, rồi lại đi vào. Người nào nóng tính nhất thì hãy lái xe buýt, không điềm tĩnh cũng trở thành điềm tĩnh,” ông Triều bộc bạch.

“Mỗi vụ tai nạn giao thông nếu lỗi chủ quan của tài xế thì giấy phép lái xe bị tạm giữ nếu nghỉ sẽ không có thu nhập. An toàn không thành khẩu hiệu mà là nghĩa vụ của lái xe. Tất cả hướng dẫn, quy định của Transerco đều hướng đến an toàn. Thậm chí, Transerco có hẳn trung tâm đào tạo, xây dựng bộ giáo trình lái xe, nhân viên vận tải, một năm bình quân học không dưới 6 ngày đào tạo. Có cả các tiến sỹ tâm lý, chăm sóc khách hàng giảng dạy, bảo dưỡng sửa chữa phương tiện có trang thiết bị hiện đại, có máy đo khí thải tại xí nghiệp, thử phanh bằng máy đồng hồ…,” vị Phó Tổng giám đốc Transerco cho hay./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục