Một chiến lược với Trung Quốc - mục tiêu cần thiết của châu Âu

Liên minh châu Âu (EU) nhận ra rằng mối quan hệ kinh tế mật thiết với Trung Quốc đã tạo ra những thách thức chính trị và an ninh mà họ chưa hề chuẩn bị để đương đầu.
Một chiến lược với Trung Quốc - mục tiêu cần thiết của châu Âu ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: jzc.lai.lv)

Trang mạng eastasiaforum.org đưa tin sự trỗi dậy và những tham vọng địa chính trị của Trung Quốc đã bắt đầu hiện rõ bên trong châu Âu, khiến cho nhu cầu thiết lập một chiến lược Trung Quốc trở nên thuyết phục hơn bao giờ hết.

Sự đoàn kết châu Âu chính là chìa khóa để giải quyết hiệu quả những thách thức do Bắc Kinh tạo ra.

Sau nhiều năm quan hệ thương mại và đầu tư chặt chẽ hơn, Liên minh châu Âu (EU) nhận ra rằng mối quan hệ kinh tế mật thiết với Trung Quốc đã tạo ra những thách thức chính trị và an ninh mà họ chưa hề chuẩn bị để đương đầu.

[Hậu trường gay cấn của hội nghị EU-Trung Quốc]

Nhận thức mới này có thể dễ dàng nhận thấy trong các nỗ lực mới nhất của EU nhằm bảo vệ các ngành chiến lược và các hệ thống cơ sở hạ tầng quan trọng.

Điều này bao gồm sự thừa nhận một khuôn khổ EU cho việc sàng lọc đầu tư nước ngoài và ban hành các chỉ dẫn cho việc bảo mật mạng không dây 5G ở châu Âu.

EU đánh giá cao việc cần phải có một chiến lược đối với Trung Quốc, bởi ngoài việc chỉ là một “người chơi” trong lĩnh vực kinh tế, Trung Quốc còn là một thế lực chính trị và an ninh trỗi dậy với những tham vọng địa chính trị.

Điều này thể hiện rõ trong “triển vọng chiến lược” của Ủy ban châu Âu hồi tháng 3/2019, trong đó báo hiệu trước việc các lãnh đạo EU sẽ đưa ra giọng điệu quyết đoán hơn tại Hội nghị thượng đỉnh EU-Trung Quốc diễn ra sau đó hồi tháng 4/2019.

Nhiều nhà quan sát đặc biệt chú ý đến việc Brussels gắn cho Trung Quốc “danh hiệu” chưa từng có, đó là một “đối thủ có hệ thống” và “đối thủ cạnh tranh kinh tế.”

Ngoài ra, EU cũng thừa nhận rằng các mục tiêu địa chính trị của Trung Quốc “chính là những vấn đề an ninh đối với EU, trước hết là trong ngắn hạn đến trung hạn.”

Theo tài liệu chiến lược, những điều này có thể được nhìn thấy qua những tiến bộ về công nghệ và quân sự đang gia tăng của Trung Quốc như các hoạt động thông tin và các cuộc tập trận quân sự lớn.

Giải quyết các thách thức do Bắc Kinh tạo ra đòi hỏi châu Âu phải đoàn kết, bởi không có một quốc gia đơn lẻ nào có đủ nguồn lực và khả năng đàm phán cần thiết để đối phó với Trung Quốc một cách bình đẳng.

Paris và Berlin đã thể hiện sự ủng hộ đối với lời kêu gọi của Brussels về một phương pháp tiếp cận của “toàn bộ EU” đối với Trung Quốc, ít nhất là mang tính biểu tượng.

Trong chuyến thăm Pháp của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hồi tháng 3/2019, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã mời Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker và Thủ tướng Đức Angela Merkel cùng tham gia cuộc gặp với nhà lãnh đạo Trung Quốc.

Một chiến lược với Trung Quốc - mục tiêu cần thiết của châu Âu ảnh 2Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. (Nguồn: Reuters)

Chính phủ Đức, với cương vị Chủ tịch luân phiên EU, cũng tuyên bố ý định mời tất cả các quốc gia thành viên EU tham gia Hội nghị thượng đỉnh EU-Trung Quốc năm 2020.

Động thái này làm gia tăng sự chú ý ở Brussels, nhưng Berlin hy vọng sẽ khuyến khích các thành viên khác theo đuổi cách tiếp cận chung với Trung Quốc và kiềm chế các cuộc đàm phán đa phương do Bắc Kinh dẫn đầu.

Tuy nhiên, giới cầm quyền ở một số quốc gia EU lại nhìn Trung Quốc thông qua lăng kính của những cơ hội kinh tế và hạ thấp những rủi ro.

Họ cho rằng mối quan hệ chính trị chặt chẽ với Bắc Kinh chính là chìa khóa để mở ra những cơ hội kinh tế lớn hơn, và điều này vô hình trung lại làm tê liệt những nỗ lực của EU trong việc đưa ra một chiến lược chung.

Cách tiếp cận này dựa trên một giả định ngây thơ rằng việc hâm nóng mối quan hệ chính trị với giới lãnh đạo Trung Quốc sẽ thúc đẩy một mối quan hệ đặc biệt, từ đó biến thành việc nhận được những đặc quyền đặc lợi về kinh tế.

Cách tiếp cận như vậy cũng cho thấy một quan hệ đối tác song phương dựa trên các điều khoản bình đẳng với Trung Quốc là điều có thể.

Nó bất chấp sự thật rằng Chính phủ Trung Quốc có thể trả đũa bất cứ lúc nào nếu họ nghĩ điều đó là cần thiết đối với chương trình nghị sự của chính họ, dù cho họ đã ký kết bao nhiêu biên bản ghi nhớ, thỏa thuận “đối tác chiến lược” hay các thỏa thuận khác.

Gần đây, việc EU nỗ lực đưa ra một cách tiếp cận mạch lạc với Trung Quốc không chỉ rơi vào thế bế tắc ở sườn phía Đông châu Âu, với việc 16 nước Trung-Đông Âu ký văn bản hợp tác cùng xây dựng Sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI) do Trung Quốc khởi xướng, còn gọi là nhóm 16+1, đã nâng lên thành nhóm 17+1 với sự tham gia của Hy Lạp- mà còn ở trung tâm châu Âu.

Vào tháng 3/2019, ông Tập Cận Bình đã dành 4 ngày đến thăm Italy, quốc gia sáng lập EU và thuộc nhóm G7 đầu tiên chính thức tham gia BRI.

Điều này cho thấy một xu hướng rộng lớn hơn, theo đó châu Âu vẫn chỉ trích sự phát triển của chương trình cơ sở hạ tầng toàn cầu của Trung Quốc, và đòi hỏi Sáng kiến này phải đáp ứng các tiêu chuẩn về tính minh bạch và bền vững, trong khi một số nước châu Âu lại tán thành BRI.

Trong bối cảnh đó, làm thế nào để EU có thể đảm bảo rằng các nước thành viên nên nhìn vào Trung Quốc từ một góc độ chiến lược dài hạn hơn và hành động gắn kết với nhau? Một bước đi cần thiết là thu hẹp khoảng cách kiến thức và nhận thức trên khắp lục địa.

Mặc dù các quốc gia có quyền quyết định việc gia tăng nhận thức về Trung Quốc, song EU có thể đảm nhiệm vai trò dẫn dắt trong các cuộc tranh luận về sự trỗi dậy và những tác động của Trung Quốc đối với châu Âu.

Điều này sẽ có lợi cho những nước mà các thông tin về Trung Quốc hiện đang được Bắc Kinh tài trợ và dàn xếp.

Việc trao đổi ý kiến với các đối tác sẽ cung cấp cho các nước châu Âu thông tin hữu ích về các hành động của Trung Quốc và các biện pháp đối phó.

Các khuyến nghị về hệ thống mạng không dây 5G gần đây và cơ chế sàng lọc đầu tư mới cho thấy một vài bước phối hợp đã được thực hiện kể từ năm 2016, thời điểm mà sự ảnh hưởng của Trung Quốc tác động đến sự gắn kết của châu Âu với Bắc Kinh đã trở nên ngày càng rõ ràng.

Nhờ đó, các thành viên thuộc nhóm 16+1 cũng đã phối hợp với Brussels để chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh EU-Trung Quốc năm nay tại Croatia.

Việc cải tổ các tổ chức EU sau khi cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu diễn ra sẽ làm dấy lên câu hỏi về cách thức Brussels định hình lại những nỗ lực hiện tại thành một cách tiếp cận chiến lược và chặt chẽ hơn với Trung Quốc trong tương lai.

Do những thay đổi sắp tới trong chính quyền EU, Bắc Kinh có khả năng sẽ tận dụng cơ hội này để thúc đẩy lợi ích của họ.

Do vậy, việc đảm bảo những lợi ích của châu Âu với Trung Quốc thông qua chiến lược chung dài hạn đang trở nên ngày càng cần thiết./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục