Ít ai biết rằng những chiếc xe buýt Hà Nội mỗi ngày đều được bảo dưỡng, sửa chữa nhằm đưa phương tiện vận hành trên tuyến đảm bảo an toàn, chất lượng nhất. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Ông Nguyễn Huy Nhiệm, Phó phụ trách Gara của Xí nghiệp xe buýt 10/10 (Tổng công ty Vận tải Hà Nội), cho biết đơn vị hiện đang quản lý 182 xe trên 16 tuyến với 147 xe chạy hàng ngày. Số lượng cán bộ anh em bộ phận cung ứng vật tư, tiếp nhiên liệu là 5 người; thợ sửa chữa là 21 người (máy gầm, điều hòa, điện, gia công cơ khí thân vỏ…). (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Tại đây, hàng tháng có khoảng 100-120 xe bảo dưỡng cấp 2 (xe chạy 12.000km) được đưa vào kiểm tra hệ thống điện, điều hòa, kiểm tra và thay thế gầm, cơ cấu côn, phanh lái truyền lực… để đảm bảo tình trạng động cơ xe luôn luôn tốt. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Với xe bảo dưỡng cấp 1 (xe chạy khoảng 4.000km) hàng tháng có khoảng 220-230 chiếc được đưa vào kiểm tra bơm mỡ hệ thống lái, phanh, vệ sinh động cơ gió. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Hàng ngày, xí nghiệp ban hành quy trình chuẩn bài bản để kiểm soát rủi ro trước khi đưa xe ra tuyến phục vụ hành khách gồm điểm danh đầu ca, kiểm tra kỹ xe, lốp, đèn còi phanh, nổ máy… đạt thì mới cho xe khỏi đơn vị. Trưa bàn giao giữa ca công nhân ca 1 và 2 ở các đầu bến (có sổ bàn giao ghi lịch sử xe hoạt động). Khi xe về tập kết tại bãi thì bàn giao xe cuối ngày, xe có vấn đề gì sẽ báo kỹ thuật để khắc phục. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Anh Nguyễn Mạnh Tân, một thợ bảo dưỡng máy gầm đã có gần 20 năm gắn bó với nghề sửa chữa, bảo dưỡng xe buýt đang dùng búa gõ các phần của gầm xe. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Anh Tân cũng như rất nhiều anh em khác như những 'bác sỹ' hàng ngày 'bắt mạch,' kiểm tra sức khỏe cho hàng chục chiếc xe buýt các loại. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Thợ được chia ca làm bao gồm hành chính (ban ngày), tối, ca ban đêm. Hàng ngày, vào 4 giờ 30 sáng nhân viên sẽ nổ máy kiểm tra, chuyến cuối cùng bơm dầu rửa xe đỗ vào bến muộn nhất là 23-23 giờ 30. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Một thợ bảo dưỡng xe buýt cho biết các anh em luôn thực hiện tốt mọi quy trình kỹ thuật của các cơ quan giao phó. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Với những người thợ tại đây, mỗi một khâu kiểm tra, bảo dưỡng xe buýt đều rất quan trọng. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Dù trong hoàn cảnh nào, đơn vị luôn đảm bảo nguồn lực đội ngũ kỹ thuật, thợ sửa chữa bảo dưỡng sẵn sàng trực chiến hoạt động. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Gara của Xí nghiệp xe buýt 10/10 đa phần là thợ lành nghề, có kinh nghiệm lâu năm. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Các phương tiện tại Xí nghiệp xe buýt 10/10 tuổi đời dưới 9 năm nhờ sự đầu tư thay mới xe liên tục trong các năm gần đây. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Gắn bó 27 năm với nghề thợ sửa chữa, bảo dưỡng xe buýt, anh Nguyễn Thành Sơn, Xí nghiệp Xe buýt 10/10 chia sẻ: Về công nghệ sửa chữa xe buýt, đơn vị đã hoàn toàn làm chủ, riêng mỗi việc sửa chữa kim phun điện tử thì do xí nghiệp không có máy móc, đồ nghề nên nếu hư hỏng phải thuê bên ngoài chỉnh sửa. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Một thợ lành nghề làm công tác sửa chữa, bảo dưỡng thì cần khoảng 1-2 năm là có thể vào nghề dễ dàng. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Đội ngũ thợ sửa chữa tại đây được kiểm tra năng định tay nghề theo hạn ngạch. Mỗi 3 năm sẽ được sát hạch để nâng ngạch bậc của thợ.(Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Ngoài các quy trình quy định của Transerco, những người thợ cũng tự mày mò sáng kiến cải tiến công nghệ nhằm tiết giảm chi phí, tăng cường hiệu quả cho công tác bảo dưỡng, sửa chữa. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Giữa lái xe và bộ phận kỹ thuật, thợ sửa luôn có sự trao đổi, tương tác phối hợp với nhau nhằm đảm bảo xe từ đơn vị được huy động ra tuyến an toàn, chất lượng. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Khi xe có sự cố ở trên đường, giữa các bộ phận này có sự tương tác, hỗ trợ nhau về thông tin sửa chữa, khắc phục luôn. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Các thợ sửa luôn có 'sổ khám bệnh' từng xe một và bàn giao giữa các ca nhằm đảm bảo xe được 'thăm khám' thường xuyên. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Anh Nguyễn Hồng Quân, thợ bậc 6 đã làm nghề được 12 năm, công việc chính hàng ngày của anh là bảo dưỡng kiểm tra cấp 1, cấp 2, sửa chữa những xe hỏng hóc đột xuất. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Anh Quân cho biết công việc sửa chữa, bảo dưỡng này giống như nghề bác sỹ. 'Những chiếc xe giống như con người, thi thoảng vẫn hỏng hóc đột xuất khi vận hành nhiều. Mình là người thợ sửa chữa phải đoán được bệnh để cố gắng bảo dưỡng tốt để hạn chế hỏng hóc khi xe vận hành.' (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Anh Quân cũng cho biết mỗi khi bảo dưỡng xong, nhìn xe đảm bảo an toàn ra tuyến cảm thấy rất vui sướng. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Con số thống kê của Tổng công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) cho thấy chỉ tính từ năm 2018 đến hết năm 2020, Tổng công ty đã đầu tư, thay mới khoảng 500 xe buýt (chiếm gần 50% tổng số đoàn phương tiện). (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Từ đầu năm 2021 đến nay, đơn vị tiếp tục thay thế và đầu tư mới tổng cộng 75 xe buýt tiêu chuẩn khí thải Euro 4. Hiện đoàn phương tiện của Transerco bảo đảm có 'tuổi đời' trung bình khoảng 3 tuổi. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
(Vietnam+)