Do có mưa vừa đến mưa to, có nơi mưa rất to từ tối 26/10 đến chiều 27/10, một số địa phương trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk bị ngập sâu trên diện rộng.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Lắk Nay Y Phú cho biết, mưa vừa trong nhiều giờ làm lượng nước từ các lưu vực sông suối đổ về. Tính đến chiều 27/10, huyện có 680 ha sản xuất nông nghiệp và 393 hộ dân bị ngập cục bộ; trong đó nặng nhất là ở các xã Yang Tao, Bông Krang, Đắk Liêng.
Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các xã, thị trấn đã khẩn trương thực hiện phương án “4 tại chỗ” để ứng phó và sơ tán, đảm bảo an toàn tính mạng cho nhân dân.
Đồng thời, huyện tăng cường tuyên truyền nhắc nhở nhân dân chú ý, đảm bảo an toàn cho người và tài sản; khắc phục khó khăn, ổn định tình hình để đối phó với mọi tình huống có thể xảy ra.
Thông tin từ Ủy ban Nhân dân huyện Krông Bông, mưa lớn kéo dài từ 19 giờ 26/10 đến chiều 27/10 đã gây ngập úng 324 ha sản xuất nông nghiệp và 45 căn nhà. Kênh N1 đập dâng qua thị trấn Krông Kmar bị sập hoàn toàn 20m.
Một số đập và đường giao thông bị ngập sâu hoặc hư hỏng, nước chảy xiết không thể đi lại, 100 hộ dân xã Cư Drăm bị cô lập. Ngoài ra, điểm thôn 3, xã Hòa Lễ bị sạt lở đất núi sau nhà dân và có nguy cơ sạt lở rộng hơn.
[Phú Yên: Nước lũ dâng cao chia cắt cục bộ một số địa phương]
Ủy ban Nhân dân huyện và lực lượng chức năng đã khẩn trương di dời hộ dân đến nơi an toàn, phòng, chống thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ,” phân công lực lượng trực và hướng dẫn không cho người dân qua lại các tuyến đường đang bị ngập nước.
Mưa lớn đã làm ngập lụt một số tuyến đường, công trình giao thông huyện M’Đrắk, chia cắt tạm thời các hộ dân.
Trước tình hình đó, ngày 27/10, Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk ban hành Công điện số 08/CĐ-UBND, yêu cầu Ủy ban Nhân dân cấp huyện khẩn trương triển khai công tác ứng phó với mưa lũ do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới có thể mạnh lên thành bão, trong đó tập trung triển khai biện pháp đảm bảo an toàn tính mạng nhân dân trong trường hợp xảy ra mưa lũ lớn.
Các huyện Ea Súp, Ea H’Leo, Lắk... tập trung khắc phục hậu quả do ảnh hưởng của mưa lũ, nhất là khắc phục nhanh các tuyến đường giao thông, hồ đập bị sự cố trong các đợt mưa lũ vừa qua.
Ủy ban Nhân dân tỉnh giao Bộ Chỉ huy Quân sự, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng và Công an tỉnh chỉ đạo các đơn vị trực thuộc bố trí lực lượng, phương tiện sẵn sàng hỗ trợ các địa phương triển khai công tác ứng phó và khắc phục hậu quả mưa lũ.
Sở Giao thông Vận tải phối hợp với các địa phương chỉ đạo khắc phục nhanh các sự cố sạt sở trên các tuyến đường giao thông chính để đảm bảo giao thông an toàn, thông suốt. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo công tác đảm bảo an toàn hồ đập, bảo vệ sản xuất nông nghiệp; kịp thời hướng dẫn các địa phương, đơn vị khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ.
Ngoài ra, Sở Công Thương chỉ đạo công tác đảm bảo an toàn hệ thống điện, hồ đập thủy điện; phối hợp với chính quyền cơ sở thông tin kịp thời đảm bảo an toàn cho người dân, nhất là trong tình huống phải xả lũ khẩn cấp.
Đài Khí tượng Thủy văn Đắk Lắk tiếp tục theo dõi diễn biến thời tiết, dự báo và cung cấp thông tin kịp thời về diễn biến mưa, lũ để phục vụ công tác phòng, chống thiên tai.
Ngoài ra, các đơn vị liên quan tăng cường dự báo, cảnh báo thiên tai, diễn biến mưa, lũ để người dân biết, chủ động thực hiện phòng tránh; chủ động vận hành, điều tiết đảm bảo an toàn các công trình thủy lợi và an toàn vùng hạ du công trình hồ chứa nước.
Ông Nguyễn Hữu Nguyên, Phó Giám đốc phụ trách Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Quản lý công trình thủy lợi Đắk Lắk cho biết, đơn vị đang quản lý, khai thác 247 hồ chứa các loại.
Để đảm bảo an toàn công trình hồ chứa, đập trong mùa mưa lũ, đơn vị thường xuyên kiểm tra, theo dõi, quan trắc công trình để kịp thời phát hiện những mối nguy hại, chủ động phối hợp thực hiện các phương án ứng phó thiên tai, phát quang công trình và duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa kịp thời các hạng mục có dấu hiệu hư hỏng, xuống cấp. Do đó, đến nay, các công trình cơ bản đảm bảo tích nước cho sản xuất và an toàn trong mưa lũ./.