Ngày 14/4, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết do ảnh hưởng của không khí lạnh nên trong hai ngày qua, trên địa bàn tỉnh đã có mưa lớn kèm gió mạnh, khiến hơn 10.000ha lúa Đông Xuân bị ngã đổ và hơn 4.100ha bị ngập úng.
Các địa phương bị thiệt hại nặng gồm huyện Phú Vang, Phong Điền, Quảng Điền, thị xã Hương Thủy.
Từ sáng sớm, ông Ngô Viết Chiến, ở xã Thủy Thanh, thị xã Hương Thủy đã tranh thủ ra đồng, vét bờ tháo nước ra khỏi ruộng.
Ông Chiến cho biết vụ Đông Xuân năm nay, gia đình ông trồng 2ha lúa. Mưa lớn đã khiến cho hơn 1ha lúa của gia đình ông bị đổ, ngã và ngập úng, trong khi lúa còn khoảng 10 ngày nữa là thu hoạch.
Số lúa bị đổ này khi thu hoạch, sản lượng sẽ bị giảm khoảng 60% và công gặt cũng sẽ đắt gấp đôi, mỗi sào tiền máy gặt mất khoảng 200.000 đồng. Đó là chưa kể tiền phân bón và tiền giống đã đầu tư nên vụ lúa này coi như là bị lỗ.
Huyện Phú Vang là địa phương bị thiệt hại nặng nhất trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế khi có hơn 4.055ha lúa bị ngập úng và 3.995ha lúa bị ngã đổ.
[Mưa to ở nhiều nơi giúp Đồng bằng sông Cửu Long giải nhiệt]
Ông Phan Thành Nhân, Phó phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phú Vang cho biết, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn của huyện cùng với chính quyền các xã, thị trấn, hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn đang phối hợp với Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Quản lý khai thác công trình thủy lợi Thừa Thiên-Huế huy động toàn bộ hệ thống trạm bơm tiêu để tiêu úng cho những diện tích lúa bị ngập.
Đồng thời, tăng cường điều tiết cống quan và các cống trên đê ngăn mặn nhằm tiêu nước ra đầm phá. Đối với diện tích lúa đổ ngã và lúa đã chín, địa phương huy động người dân tích cực thu hoạch.
Thống kê của Sở Nông nghiệp và phát triển Nông thôn tỉnh Thừa Thiên-Huế, vụ lúa Đông Xuân năm nay, toàn tỉnh đưa vào gieo cấy hơn 28.000ha, đến thời điểm hiện tại, lúa đang trong giai đoạn trổ bông và bắt đầu chín.
Diện tích lúa bị đổ ngã do mưa chiếm khoảng 30% diện tích gieo cấy toàn vụ. Lúa bị ngã có số chuẩn bị thu hoạch trong 5-10 ngày tới, còn phần lớn đang ngậm sữa, do đó ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng và chất lượng gạo.
Hiện nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Thừa Thiên-Huế đã chỉ đạo các phòng nông nghiệp, địa phương, hợp tác xã tăng cường giúp nông dân triển khai bơm tháo úng, phun thuốc trừ rầy.
Đối diện tích lúa chín, hạt đã chắc trên 85%, các địa phương tiến hành thu hoạch nhanh với phương châm “xanh nhà hơn già đồng” nhằm giảm thiểu thiệt hại.
Đối với những diện tích đã “vào chắc” rồi sau khi tháo nước phải dựng lúa dậy bằng cách cụm từ 3-5 bụi lại với nhau tránh đổ ngã, sau khi tháo nước, trời tạnh ráo cần tăng cường bón phân để lúa nhanh phục hồi./.