Mỹ, châu Âu bắt đầu xem xét lại thỏa thuận hạt nhân Iran

Các nhóm làm việc với nhiệm vụ sửa đổi những điều mà Mỹ cho là sai lầm trong thỏa thuận hạt nhân Iran đã bắt đầu họp mặt và tìm cách xác định các mục tiêu cần thiết cũng như mức độ tham gia của Iran.
Mỹ, châu Âu bắt đầu xem xét lại thỏa thuận hạt nhân Iran ảnh 1Nhà máy nhiên liệu hạt nhân tại tỉnh Isfahan của Iran. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo Reuters, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson ngày 27/1 tuyên bố, các nhóm làm việc với nhiệm vụ sửa đổi những điều mà Mỹ cho là sai lầm trong thỏa thuận hạt nhân Iran đã bắt đầu họp mặt và tìm cách xác định các mục tiêu cần thiết cũng như mức độ tham gia của Iran.

Ngoại trưởng Tillerson, người vừa kết thúc chuyến thăm châu Âu kéo dài một tuần tại Warsaw, cho biết, ông đã nhận được sự ủng hộ của Anh, Pháp và Đức, các bên liên quan trong thỏa thuận năm 2015, trong việc xem xét lại thỏa thuận hạt nhân mà Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa rút khỏi nếu như không được sửa đổi.

[Mỹ sẽ không cho phép Iran được sở hữu vũ khí hạt nhân]

Phát biểu với phóng viên, ông Tillerson nói: "Trước bình minh luôn là thời khắc đen tối nhất. Các nhóm làm việc đã bắt đầu họp mặt với nỗ lực thống nhất các nguyên tắc, quy mô của điều mà chúng tôi cần giải quyết và mức độ tham gia thảo luận của Iran nhằm giải quyết các vấn đề này." 

Theo ông Tillerson, thỏa thuận hạt nhân chỉ là "một phần nhỏ" trong chính sách của Mỹ tại Trung Đông và Washington lo ngại nhiều hơn về các vấn đề khác, trong đó có việc Iran hỗ trợ lực lượng phiến quân Houthi tại Yemen cũng như Tehran cung cấp vũ khí cho các lực lượng dân quân trong khu vực.

Ông nêu rõ: "Nhóm làm việc của chúng tôi cũng dự định sẽ xác định các lĩnh vực để hợp tác sâu rộng hơn với châu Âu nhằm đẩy lùi hành vi 'nham hiểm' của Iran."

Thỏa thuận hạt nhân đã dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt đối với Iran đổi lấy việc nước này chấm dứt chương trình nguyên tử.

Tuy nhiên, Tổng thống Trump đe dọa rút khỏi thỏa thuận trừ khi các nước châu Âu đồng ý cải thiện các điều khoản trong thỏa thuận bằng cách chấp thuận một thỏa thuận phụ, trong đó loại bỏ các điều khoản cho phép Iran dần khôi phục một số hoạt động nguyên tử.

Ông Trump cũng mong muốn thắt chặt những hạn chế đối với chương trình tên lửa đạn đạo của Iran. Trong khi đó, Tehran phản đối đàm phán lại thỏa thuận./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục