Kể từ sau các vụ tấn công ngày 11/9/2001, Chính phủ Mỹ đã chi tới 3.600 tỷ USD cho an ninh nội địa, tuy nhiên hiện tại người Mỹ cảm thấy kém an toàn hơn so với thời điểm trước khi xảy ra thảm kịch khủng bố.
Phóng viên TTXVN tại New York dẫn báo cáo do Viện các Vấn đề Công cộng và Quốc tế của Trường đại học Brown ở bang Rhode Island, Mỹ, cho biết trong hai năm qua, khoản chi tiêu với lý do là để đảm bảo an ninh cho nước Mỹ đã tăng mạnh, đặc biệt là tăng thêm tới 300 tỷ USD chỉ trong riêng trong năm 2015.
Nếu tính cả dự kiến chi tiêu cho năm 2017, tổng chi phí cho cuộc chiến chống khủng bố sẽ lên tới con số khổng lồ 4.790 tỷ USD.
Tuy nhiên, bất chấp những khoản chi hàng nghìn tỷ USD này, người dân Mỹ vẫn không cảm thấy an toàn hơn một chút nào. Cuộc khảo sát gần đây do Hội đồng các Vấn đề Thế giới của thành phố Chicago phát hiện thấy khoảng 42% người Mỹ cảm thấy kém an toàn hơn so với trước thời điểm 11/9 - mức tăng đáng giật mình so với tỷ lệ 27% của cuộc khảo sát tương tự hồi năm 2014.
Những khoản chi tiêu khổng lồ cho an ninh nội địa là thủ phạm chính khiến nợ công của Mỹ tăng vọt (đang tiến gần tới ngưỡng 20.000 tỷ USD). Theo ước tính, tới năm 2023 chỉ riêng tiền lãi phải trả cho các khoản chi phục vụ các chiến dịch đánh đòn phủ đầu ở nước ngoài sẽ khiến nợ công tăng thêm hơn 1.000 tỷ USD.
Và tới năm 2053, tiền lãi phải trả cho các khoản chi chống khủng bố cũng lên tới ít nhất là 7.900 tỷ US nếu như Mỹ không thay đổi cách thức tiến hành chiến tranh.
Giới học giả Mỹ cho biết vấn đề nằm ở chỗ các nghị sỹ Quốc hội đồng ý cấp cho Lầu Năm Góc và một số cơ quan liên bang khác hàng tỷ USD sau sự kiện 11/9, song lại không đưa ra lời giải cho bài toán lấy nguồn kinh phí này từ đâu.
Trong các cuộc chiến tranh trước đây, chính phủ liên bang áp dụng cơ chế "thực thu thực chi," trong đó bao gồm các biện pháp như áp thuế chiến tranh hay phát hành trái phiếu chiến tranh. Tuy nhiên, cơ chế này không thể được áp dụng đối với cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu.
Một vấn đề nữa là tình trạng lạm dụng ngân sách an ninh nội địa khá tràn lan. Những chương trình hệ thống vũ khí tốn kém, đôi khi không giúp ích gì cho cuộc chiến chống khủng bố, là thủ phạm khiến ngân sách quốc phòng ngày càng phình to.
Ngoài ra, tình trạng gian lận và lạm dụng trong công trình tái thiết cũng đã làm thất thoát hàng tỷ USD, đặc biệt là tại Afghanistan./.