Mỹ có thực sự chuyển trọng tâm sang Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương?

Nhiều người tin rằng Mỹ với đường lối “Nước Mỹ trước tiên” sẽ cản trở hệ thống đồng minh nhưng điều này bị bác bỏ bởi họ đang tập trung hình thành hệ thống đồng minh ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Mỹ có thực sự chuyển trọng tâm sang Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương? ảnh 1 (Nguồn: Canadian Business)

Theo trang mạng atimes.com, ngay sau khi nhậm chức, chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã phát đi những tín hiệu gây bối rối như đe dọa rút Mỹ khỏi Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương, Tổ chức Thương mại Thế giới và Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc.

Chính quyền Trump cũng áp đặt cấm vận đối với Iran và Nga nhằm ngăn chặn những nước này thông qua các chiến lược trái với lợi ích của Mỹ.

Gần đây, Washington dường như chuẩn bị rút quân khỏi Yemen, Syria và Afghanistan. Ngoài ra, quyết tâm của Tổng thống Trump xây dựng một bức tường biên giới để ngăn chặn dòng người tị nạn từ Mexico đã đẩy nước Mỹ vào tình trạng tạm thời hỗn loạn chính trị nội bộ.

Tuy nhiên, có những dấu hiệu cho thấy chính quyền Mỹ vẫn sẽ duy trì ảnh hưởng ở Trung Đông thông qua các đồng minh Vịnh Arab của mình.

Ví dụ, chính quyền Mỹ tiếp tục vận động cung cấp vũ khí cho Saudi Arabia, Tổng thống Trump ca ngợi Riyadh sẵn sàng đóng góp cho các nỗ lực tái thiết ở Syria. Ông nói: “Saudi Arabia đồng ý chi khoản tiền cần thiết để giúp tái thiết Syria, thay vì Mỹ”.

Mặt khác, chính quyền Trump ủng hộ các biện pháp tăng cường vai trò của mình và kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Mỹ không chỉ khớp nối một cách sáng tạo việc mở rộng địa lý cho khu vực “châu Á-Thái Bình Dương” bằng cách đặt lại tên cho nó là “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” và nhấn mạnh trung tâm của Ấn Độ đối với khu vực này mà còn kiềm chế Trung Quốc và hình thành một nhóm đồng minh trở thành trọng tâm trong chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ.

Để cụ thể hóa can dự khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, tháng 7/2018, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã thông báo khoản đầu tư 113 triệu USD vào các sáng kiến công nghệ mới, năng lượng và cơ sở hạ tầng với mục tiêu trở thành đối tác đáng tin cậy ở khu vực. Sau đó, ông cũng cam kết cung cấp 300 triệu USD để bảo đảm an ninh cho khu vực.

[Mỹ-Trung và cuộc cạnh tranh chiến lược ở Nam Thái Bình Dương]

Cũng trong tháng 7, Ngoại trưởng Australia Julie Bishop nói rằng “Australia, Mỹ và Nhật Bản đã thông báo về một đối tác ba bên để đầu tư vào các dự án… mà sẽ xây dựng cơ sở hạ tầng, giải quyết những thách thức phát triển, tăng cường kết nối và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.”

Nhiều người tin rằng chính quyền Trump với đường lối “Nước Mỹ trước tiên” sẽ cản trở hệ thống đồng minh nhưng điều này bị bác bỏ bởi họ đang tập trung hình thành một hệ thống đồng minh ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Chính quyền Mỹ đã kết thúc một hội nghị 2+2 với Ấn Độ hôm 6/9 vừa qua, trong đó giành nhiều thời gian thảo luận về việc định hình chính sách Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ, và mong muốn đưa Ấn Độ gần hơn với Mỹ trong chia sẻ quan điểm chung về vai trò và khát vọng của hai nước trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Theo quan điểm của Washington, New Delhi là một đối tác bất đắc dĩ trong tổng thể chiến lược của Mỹ để củng cố cấu trúc bốn bên Mỹ-Nhật Bản-Ấn Độ-Australia nhằm kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc. Chính quyền Trump dường như muốn có những đối tác ổn định ở khu vực này trong bối cảnh vai trò ngày càng nổi bật của Trung Quốc thông qua Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI).

Việc ký kết thỏa thuận quốc phòng, mang tên Hiệp ước an ninh và tương thích liên lạc (COMCASA) ngay trước cuộc đối thoại 2+2 là nhằm cho phép các lực lượng hải quân và vũ trang của Mỹ và Ấn Độ phối hợp hoạt động hiệu quả, đồng thời giúp Ấn Độ giám sát chặt chẽ các động thái của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương và dãy núi Himalayas.

Trong cuộc đối thoại này, Mỹ và Ấn Độ cũng đã nhất trí tiến hành cuộc tập trận ba bên. Để thúc đẩy quan hệ chiến lược Mỹ-Ấn, giới lãnh đạo Mỹ đã cấp quy chế quyền thương mại chiến lược (STA-1) cho Ấn Độ với mục đích nới lỏng kiểm soát xuất khẩu và buôn bán công nghệ cao. Quy chế này đến nay chỉ áp dụng cho các đồng minh NATO của Mỹ.

Mặt khác, việc chính quyền Trump ám chỉ quyền ưu tiên thấp cho sự can dự Afghan (Islamabad trước đây được xem là trọng tâm trong chiến lược chiến tranh và hòa bình Afghan của Washington) là nhằm kéo dài sự trì hoãn hỗ trợ an ninh cho Pakistan khi Islamabad không hành động chống chủ nghĩa khủng bố.

Trong khi giới lãnh đạo ở Pakistan đang vật lộn với khủng hoảng kinh tế và tìm kiếm các khoản vay từ Quỹ tiền tệ quốc tế, chính quyền Trump bày tỏ sẵn sàng giúp đỡ Islamabad đảm bảo các khoản vay từ IMF để trả lại tiền cho Trung Quốc.

Chính quyền Mỹ vẫn rất thận trọng trước ảnh hưởng địa chính trị ngày càng gia tăng của Bắc Kinh thông qua BRI, mà Mỹ tin rằng nước này có thể nổi lên thống trị toàn cầu nếu không được kiểm soát.

Chính quyền Trump tiếp tục phản đối BRI của Trung Quốc về nhiều vấn đề, nhất là lo ngại các nước tham gia mắc nợ do thiếu sự minh bạch, và thực hiện những biện pháp hạn chế thương mại để kiểm soát ảnh hưởng kinh tế ngày càng lớn của Bắc Kinh.

Chính quyền Trump đã nỗ lực đạt được những bước đột phá trong tiến trình phi hạt nhân hóa Triều Tiên và thúc đẩy hòa bình trên bán đảo Triều Tiên nhằm kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc.

Trong khi đó, chính quyền Mỹ cũng đã thông báo rút khỏi Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung với Nga, đồng thời ủng hộ một hiệp ước toàn diện bao gồm Nga, Mỹ và Trung Quốc.

Cần phải nói rằng Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương không chỉ giàu có về tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là hydrocarbons để tiếp nhiên liệu cho các đầu máy công nghiệp của các nền kinh tế thế giới. Khu vực này cũng đang nổi lên là trọng tâm của đầu tư và thương mại quốc tế, một thị trường rộng lớn chiếm gần 1/2 dân số thế giới.

Thực tế, có nhiều báo cáo dự đoán rằng đến năm 2050, một nửa trong số 20 nền kinh tế hàng đầu thế giới sẽ nằm ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và các nước như Ấn Độ, Trung Quốc, Indonesia và Nhật Bản sẽ nằm trong nhóm 5 nền kinh tế hàng đầu thế giới./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục