Mỹ để ngỏ khả năng giảm thuế "có qua có lại" với hàng hóa Trung Quốc

Bộ trưởng Tài chính Yellen cho biết Mỹ có thể giảm một số biện pháp thuế quan song cũng chờ Trung Quốc thực hiện tốt cam kết mua thêm 200 tỷ USD hàng hóa của Mỹ theo thỏa thuận hiệu lực tháng 2/2020.
Mỹ để ngỏ khả năng giảm thuế "có qua có lại" với hàng hóa Trung Quốc ảnh 1Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen vừa tuyên bố nước này hy vọng Trung Quốc sẽ đáp ứng các cam kết của mình theo Thỏa thuận thương mại Giai đoạn 1 được ký kết dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump, song vẫn để ngỏ khả năng có thể giảm một số biện pháp thuế quan dựa trên nguyên tắc “có qua có lại.”

Trao đổi với hãng tin Reuters, Bộ trưởng Yellen cho biết các mức thuế quan có xu hướng làm tăng giá cả trong nước, cũng như tăng chi phí cho người tiêu dùng và cho các công ty từ các nguyên liệu đầu vào như nhôm và thép. Điều này đồng nghĩa là việc cắt giảm thuế sẽ có tác dụng khiến lạm phát giảm.

Khi được hỏi liệu việc nới lỏng thuế quan được áp đặt đối với hàng hóa Trung Quốc có thể giúp giảm bớt áp lực lạm phát hay không, Bộ trưởng Yellen cho rằng điều này là đúng, nhưng Washington cũng đang chờ Trung Quốc thực hiện tốt cam kết mua thêm 200 tỷ USD hàng hóa và dịch vụ của Mỹ theo thỏa thuận thương mại có hiệu lực vào tháng 2/2020.

[Quan chức Mỹ-Trung đánh giá thực thi Thỏa thuận thương mại Giai đoạn 1]

Bà nêu rõ: “Đại diện thương mại (Mỹ) đã nói rằng chúng tôi sẽ xem xét cắt giảm thuế quan bổ sung. Mỹ muốn thấy Trung Quốc đáp ứng các cam kết mà họ đã đưa ra trong (Thỏa thuận thương mại) Giai đoạn 1, nhưng việc ổn định và có lẽ cuối cùng tiến tới giảm một số thuế quan theo cách có qua có lại có thể là một kết quả đáng mong đợi.”

Cựu Tổng thống Donald Trump đã ký Thỏa thuận thương mại Giai đoạn 1 với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào tháng 1/2020. Thỏa thuận này giúp xoa dịu cuộc chiến thương mại kéo dài gần 18 tháng giữa hai nước, ảnh hưởng tới hoạt động trao đổi hàng hóa giữa hai nước trị giá hàng trăm tỷ USD do cuộc chiến thuế quan "ăn miếng trả miếng.”

Theo thỏa thuận, Bắc Kinh cam kết sẽ tăng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa nông nghiệp và chế tạo, năng lượng cùng dịch vụ của Mỹ thêm 200 tỷ USD so với mức năm 2017 trong vòng hai năm.

Tuy nhiên, báo cáo của Viện Kinh tế quốc tế Peterson công bố hồi đầu năm nay cho thấy hoạt động mua hàng hóa Mỹ vào năm 2020 của Trung Quốc đã giảm 42% so với cam kết mà Bắc Kinh đưa ra trong Thỏa thuận thương mại Giai đoạn 1./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục