Mỹ kêu gọi Trung Quốc tham gia giãn nợ cho các nước nghèo của G20

Nợ của 73 nước kém phát triển nhất thế giới trong năm 2019 tăng 9,5% lên mức cao kỷ lục 744 tỷ USD, chủ nợ đa phần là các nước G20, trong đó Trung Quốc là chủ nợ lớn nhất với 63% tổng khoản nợ.
Mỹ kêu gọi Trung Quốc tham gia giãn nợ cho các nước nghèo của G20 ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: tribune.com.pk)

Ngày 6/7, Mỹ kêu gọi Trung Quốc và khu vực tư nhân tăng cường tham gia vào Sáng kiến hoãn thanh toán nợ (DSSI) của Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) cho các nước có thu nhập thấp vốn bị ảnh hưởng do đại dịch COVID-19, đồng thời tham gia một cơ chế chung nhằm tái cơ cấu các khoản nợ này.

Một quan chức cấp cao của Bộ Tài chính Mỹ cho biết Washington sẵn sàng mở rộng khuôn khổ chung về xử lý nợ, vốn được G20 và Câu lạc bộ Paris thông qua, tạo điều kiện cho các đảo quốc nhỏ, các nước dễ bị tổn thương và thậm chí các quốc gia có thu nhập trung bình thấp nhưng gánh nặng nợ công cao tham gia cơ chế.

Các quan chức tài chính G20 sẽ xem xét tiến độ về vấn đề nợ trong cuộc họp dự kiến diễn ra tại Venice (Italy) vào ngày 9-10/7.

[Các nước nghèo chật vật ứng phó với tác động kép của đại dịch COVID-19]

Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Kristalina Georgieva, đã nhiều lần cảnh báo về một "sự chia rẽ nguy hiểm" trong ứng phó với đại dịch và triển vọng kinh tế có thể khiến các nước đang phát triển tụt hậu trong nhiều năm.

Quan chức Bộ Tài chính Mỹ cũng cho biết nước này sẽ thúc giục các nước G20 tiếp tục cung cấp các biện pháp kích thích tài khóa để hỗ trợ sự phục hồi toàn cầu và thực hiện các khoản đầu tư mang tính chuyển đổi để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu và bình đẳng thu nhập.

Quan chức này nhấn mạnh khoản phân bổ 650 tỷ USD Quyền rút vốn đặc biệt (SDR) của IMF, hoặc dự trữ tiền tệ khẩn cấp sẽ giúp giải quyết những nhu cầu này và Washington nhất trí về một quỹ tín thác mới do IMF đề xuất cho phép các nước giàu chuyển SDR của họ đến các nước đang cần.

Theo DSSI của G20, 73 nước đủ điều kiện để tái cơ cấu nợ, trong đó có 38 nước ở phía Nam sa mạc Sahara của châu Phi.

Cho đến nay, chỉ có 3 quốc gia là Zambia, Ethiopia và Chad đã yêu cầu xử lý nợ theo khuôn khổ chung được các thành viên G20 và các chủ nợ song phương chính thức của Câu lạc bộ Paris thông qua, nhưng hiện có 35 quốc gia hiện được đánh giá là “có rủi ro cao rơi vào tình trạng kiệt quệ hoặc lâm vào cảnh kiệt quệ.”

Ngân hàng thế giới (WB) cho biết nợ của 73 nước kém phát triển nhất thế giới trong năm 2019 tăng 9,5% lên mức cao kỷ lục 744 tỷ USD. Chủ nợ của nhóm nước này đa phần là các nước G20, chiếm tới 178 tỷ USD, trong đó Trung Quốc là chủ nợ lớn nhất với 63% tổng khoản nợ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục