Mỹ ký Công ước LHQ về quyền của người tàn tật

Đại diện Chính phủ Mỹ đã ký Công ước Liên hợp quốc về quyền của người tàn tật. Đây là công ước quốc tế về nhân quyền đầu tiên mà Mỹ đã ký trong gần một thập kỷ qua.
Ngày 30/7, tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York, đại diện Chính phủ Mỹ đã ký Công ước Liên hợp quốc về quyền của người tàn tật. Đây là công ước quốc tế về nhân quyền đầu tiên mà Mỹ đã ký trong gần một thập kỷ qua.

Với động thái trên, Mỹ đã gia nhập 141 nước ủng hộ những nỗ lực quốc tế trong việc ngăn chặn tệ phân biệt đối xử đối với khoảng 650 triệu người tàn tật trên toàn cầu, tương đương 10% dân số thế giới.
 
Phát biểu tại lễ ký, bà Susan Rice, Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc, nhấn mạnh chính quyền Tổng thống Barack Obama nhận thức được những thiệt thòi mà người tàn tật đang phải hứng chịu và việc Mỹ tham gia công ước này là một "bước đi lịch sử" để thúc đẩy cam kết toàn cầu về bảo đảm quyền cơ bản của người tàn tật. Hiện Công ước Liên hợp quốc về quyền của người tàn tật còn phải được trình lên Thượng viện Mỹ xem xét và cần đạt được 2/3 số phiếu để được thông qua.
 
Washington đã tham gia công ước trên theo đúng cam kết mà ông Obama đưa ra trong chiến dịch tranh cử hồi năm ngoái. Trước đó, chính quyền cựu Tổng thống G.W. Bush từ chối tham gia thảo luận về việc ký văn kiện này, cho rằng điều này sẽ làm giảm hiệu quả của Đạo luật về người tàn tật Mỹ ban hành năm 1990.
 
Được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua tháng 12/2006 và chính thức có hiệu lực từ tháng 5/2008 sau khi có 20 quốc gia phê chuẩn, Công ước quốc tế về quyền của người tàn tật nhằm bảo vệ quyền của ít nhất 650 triệu người tàn tật trên thế giới, trong đó khoảng 80% sống tại các nước kém phát triển.
 
Tham gia công ước, các nước sẽ phải tuân thủ các quy định và biện pháp cải thiện quyền của người tàn tật, đồng thời xóa bỏ các thành kiến và hành vi phân biệt đối xử với người tàn tật.
 
Các nước phải thành lập một cơ quan giám sát độc lập để đảm bảo công ước được thực thi, đồng thời phải thu thập dữ liệu và nghiên cứu về người tàn tật nhằm đấu tranh chống nạn phân biệt đối xử với người tàn tật trong các lĩnh vực như việc làm, giáo dục, bầu cử, chăm sóc y tế./.
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục