Mỹ-Mexico tiến gần tới thỏa thuận cuối trong đàm phán sửa đổi USMCA

Hai bên vẫn đang tiếp tục nỗ lực giải quyết nốt các chi tiết cuối cùng của thỏa thuận nhằm đảm bảo rằng thỏa thuận sẽ nhận được sự ủng hộ của các nhà lập pháp đảng Dân chủ.
Mỹ-Mexico tiến gần tới thỏa thuận cuối trong đàm phán sửa đổi USMCA ảnh 1Thép cuộn tại một nhà máy ở Monterrey, Mexico. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 8/12, các nguồn tin cho biết Mỹ và Mexico đã giải quyết được những điểm khác biệt chính trong các cuộc đàm phán nhằm sửa đổi Hiệp định USMCA - phiên bản mới của Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA), mở đường cho việc thỏa thuận cuối cùng sẽ được Quốc hội Mỹ thông qua trong thời gian tới.

Theo các nguồn tin, hai bên vẫn đang tiếp tục nỗ lực giải quyết nốt các chi tiết cuối cùng của thỏa thuận nhằm đảm bảo rằng thỏa thuận sẽ nhận được sự ủng hộ của các nhà lập pháp đảng Dân chủ, trong đó có Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi.

Bà Pelosi nhiều lần khẳng định đảng Dân chủ muốn Hiệp định USMCA phải có những thay đổi về cơ chế giải quyết tranh chấp, vấn đề lao động, môi trường và dược phẩm theo đơn, đồng thời cảnh báo sẽ không thông qua thỏa thuận nếu những yêu cầu trên không được đưa vào.

Thứ trưởng Ngoại giao Mexico phụ trách khu vực Bắc Mỹ Jesus Seade cũng cho biết các nhà đàm phán hai bên đang đạt được tiến triển trong những nỗ lực sửa đổi USMCA. Phát biểu với báo giới bên ngoài trụ sở của Đại diện Thương mại Mỹ ở Washington, ông Seade khẳng định: "Chúng tôi đang tới gần. Tôi tự tin như vậy."

Cùng ngày, Ngoại trưởng Mexico Marcelo Ebrard cho biết nước này sẽ chấp nhận yêu cầu của Mỹ về xuất xứ thép trong Hiệp định USMCA, nhưng đi kèm điều kiện.

[3 nước Bắc Mỹ tiếp tục thảo luận về những điều chỉnh cho USMCA]

Trước đó, Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer đã đưa ra yêu cầu vào phút chót về quy trình sản xuất thép và nhôm Bắc Mỹ theo quy tắc xuất xứ ôtô, kêu gọi các kim loại này chỉ được “nấu chảy và đổ” tại Bắc Mỹ.

Ngoại trưởng Ebrard nói rằng điều đó sẽ gây ra nhiều vấn đề. Mexico sẽ chấp nhận quy định đối với thép nếu quy định này có hiệu lực ít nhất năm năm sau khi Hiệp định USMCA được thông qua, nhưng không chấp nhận các quy định chặt chẽ hơn đối với nhôm bởi nước này không sản xuất nguyên liệu thô của kim loại này.

Các nhà đàm phán Mỹ cũng đã thúc đẩy Mexico áp đặt các biện pháp kiểm soát chặt hơn về tiêu chuẩn lao động, bao gồm cho phép các thanh tra viên của Mỹ giám sát việc thực thi của mình ở Mexico.

Ngày 30/11/2018, lãnh đạo các nước Mỹ, Mexico và Canada đã chính thức ký USMCA. Theo đó, USMCA đã có những thay đổi kỹ thuật căn bản về các quy tắc sản xuất ôtô và xe tải, vấn đề mở cửa thị trường ngành công nghiệp sữa Canada, phạm vi trải rộng của tác quyền và quy tắc giải quyết tranh chấp…

Tuy nhiên, để có hiệu lực, thỏa thuận này phải được Quốc hội ba nước thông qua. Cho tới thời điểm này, Mexico đã phê chuẩn hiệp định này, trong khi Thủ tướng Canada Justin Trudeau cam kết nếu Mỹ phê chuẩn thì Canada cũng sẽ nối gót “đi theo."

Đối với Tổng thống Trump, USMCA là một trong những “di sản” lớn trong nhiệm kỳ của ông./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Thương mại song phương Việt Nam-Ba Lan

Thương mại song phương Việt Nam-Ba Lan

Những năm gần đây, thương mại hai nước Việt Nam-Ba Lan đã có được những động lực tăng trưởng đáng kể. Năm 2024, thương mại hai nước đạt 3,44 tỷ USD, tăng 21,7% so với năm 2023.

Thu hoạch hồ tiêu. (Ảnh: Hoài Thu/TTXVN)

Dự báo nguồn cung giảm, hồ tiêu được giá

Sản lượng hồ tiêu toàn cầu dự báo tiếp tục sụt giảm trong khi nhu cầu tiêu thụ ổn định là động lực giúp giá tiêu năm 2025 giữ ở mức cao, tạo đà cho xuất khẩu hồ tiêu Việt Nam tiếp tục tăng trưởng.