Mỹ: Những băn khoăn về mũi tiêm tăng cường ngừa COVID-19

Ước tính có khoảng 70 triệu người Mỹ đủ điều kiện tiêm vaccine nhưng vẫn chưa chịu tiêm, bất chấp nguy cơ lây nhiễm trong mùa Hè và số ca nhập viện cũng như tử vong vì biến thể Delta tăng mạnh.
Mỹ: Những băn khoăn về mũi tiêm tăng cường ngừa COVID-19 ảnh 1Tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho nhân viên y tế tại New York, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo AP, các quy định về tiêm vaccine ngừa COVID-19 được ban hành trên khắp nước Mỹ không mang lại hiệu quả mong muốn.

Số lượng người Mỹ tiêm mũi đầu tiên đã giảm trong những tuần gần đây. Trong khi đó, một số chuyên gia lo lắng rằng việc triển khai các mũi tiêm tăng cường có thể khiến mọi chuyện trở nên tồi tệ hơn vì động thái này có thể làm cho một số người đặt câu hỏi về tính hiệu quả của mũi tiêm trước đó.

Ước tính có khoảng 70 triệu người Mỹ đủ điều kiện tiêm vaccine nhưng vẫn chưa chịu tiêm, bất chấp nguy cơ lây nhiễm trong mùa Hè và số ca nhập viện cũng như tử vong vì biến thể Delta tăng mạnh.

Thực tế này đang diễn ra, cho dù ngày càng có nhiều doanh nghiệp thông báo về các yêu cầu tiêm chủng bắt buộc đối với nhân viên, chẳng hạn như Google, McDonald's, Microsoft và Disney.

Ngoài ra, chính quyền các thành phố lớn như New York và San Francisco cũng đã yêu cầu người dân tiêm vaccine nếu muốn vào các nhà hàng hoặc một số cơ sở kinh doanh khác.

Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng công bố các yêu cầu mới về việc tiêm vaccine đối với khoảng 100 triệu người Mỹ vào ngày 9/9 vừa qua. Cụ thể, nhân viên tại các doanh nghiệp có hơn 100 người trong biên chế sẽ phải tiêm chủng hoặc xét nghiệm hàng tuần. Tuy nhiên, quy định này vẫn chưa có hiệu lực và nội dung cụ thể vẫn đang trong quá trình soạn thảo.

Các nhà khoa học đã nhấn mạnh rằng vaccine vẫn có hiệu quả cao trong việc chống lại nguy cơ diễn biến nặng và tử vong do COVID-19, đồng thời lưu ý rằng phần lớn số người chết và nhập viện trong thời gian gần đây là chưa được tiêm chủng.

[Dịch COVID-19: Mỹ vẫn ghi nhận nhiều ca mắc mới nhất thế giới]

Tuy nhiên, giới chuyên gia cũng nhận thấy khả năng bảo vệ của vaccine có thể bị giảm sút, và họ muốn nhanh chóng giải quyết vấn đề này. Từ lâu, các chuyên gia đã luôn nhấn mạnh rằng chìa khóa để chấm dứt dịch bệnh ở Mỹ là tiêm chủng cho đại đa số người dân, thậm chí là đạt mức bao phủ 90%.

Tuy nhiên, theo dữ liệu của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), trong số hơn 283 triệu người Mỹ từ 12 tuổi trở lên đủ điều kiện tiêm phòng, chỉ có khoảng 65% - tức là 184 triệu người - đã được tiêm chủng đầy đủ. Trẻ em dưới 12 tuổi chưa đủ điều kiện để tiêm chủng, điều đó có nghĩa là chỉ có khoảng 55% người dân Mỹ được bảo vệ đầy đủ.

Ngày 28/9, Giám đốc CDC, Tiến sỹ Rochelle Walensky, cho biết giới chức y tế không được lơ là vấn đề này. Ông nhấn mạnh: “Mũi tiêm tăng cường sẽ không làm chúng ta mất đi sự tập trung vào ưu tiên hàng đầu là bao phủ vaccine mũi đầu ở diện rộng nhất có thể.”

Giới chức Nhà Trắng cho biết đa số người chưa tiêm chủng - những người vì nhiều lý do nào đó, chẳng hạn như tiếp cận các nguồn thông tin sai lệch - vẫn từ chối việc tiêm phòng bất chấp các dữ liệu suốt một năm qua cho thấy rõ ích lợi của vaccine trong việc nâng cao tỷ lệ sống sót khi nhiễm bệnh.

Bất chấp xu hướng tiêm chủng giảm theo dữ liệu của CDC, có bằng chứng cho thấy các yêu cầu tiêm chủng bắt buộc đối với người lao động đã phát huy hiệu quả.

Các quan chức Nhà Trắng đã trích dẫn một số thành quả nhất định, chẳng hạn như sự gia tăng mạnh mẽ tỷ lệ nhân viên được tiêm phòng tại Hệ thống Y tế Henry Ford ở Detroit, hãng hàng không United Airlines và Bộ Quốc phòng.

Giáo sư Noel Brewer, chuyên ngành nghiên cứu thái độ đối với vấn đề sức khỏe tại trường Đại học Norht Carolina, cho rằng thực tế này đem đến nhiều hứa hẹn và là lý do chính đáng để lạc quan.

Mỹ: Những băn khoăn về mũi tiêm tăng cường ngừa COVID-19 ảnh 2Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại New York, Mỹ, ngày 2/10/2021. (Ảnh: THX/TTXVN)

Tuần trước, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm cùng CDC đã cấp phép mũi tiêm tăng cường sử dụng vaccine của hãng Pfizer cho hàng chục triệu người Mỹ từ 65 tuổi trở lên, có bệnh lý nền hoặc làm những công việc có nguy cơ mắc bệnh cao. Liều bổ sung sẽ được tiêm trong 6 tháng sau mũi tiêm thứ hai.

Các cơ quan quản lý vẫn chưa đặt vấn đề về việc tiêm nhắc lại cho những người đã tiêm vaccine Moderna hoặc Johnson & Johnson. Hơn 400.000 người Mỹ đã được tiêm các liều tăng cường vào cuối tuần quan, trong khi 1 triệu người khác đã đăng ký mũi tiêm này.

Tuần trước, một số thành viên của hội đồng chuyên gia tư vấn cho CDC bày tỏ lo ngại rằng các cuộc thảo luận về mũi tiêm tăng cường đang khiến giới chức phân tâm khỏi nhu cầu cấp bách hơn là đưa nhiều người Mỹ đi tiêm chủng hơn. Tiến sỹ Pablo Sanchez, làm việc tại trường Đại học Bang Ohio, nói: “Chúng ta có vaccine hiệu quả, song việc nói về mũi tiêm tăng cường giống như là thừa nhận vaccine không hiệu quả.”

Tại cuộc họp với các chuyên gia, một quan chức của CDC đã công bố dữ liệu mới từ việc thăm dò 1.000 tình nguyện viên gần đây cho thấy chiến dịch cung cấp mũi tiêm tăng cường có thể sẽ khiến 25% người Mỹ chưa được tiêm phòng ít có khả năng tiêm phòng hơn.

Tuần qua, một cuộc thăm dò do Quỹ Kaiser Family tiến hành với hơn 1.500 người trưởng thành cho thấy 71% số người chưa được tiêm chủng thừa nhận những thông tin về mũi tiêm tăng cường gần đây khiến họ nghĩ rằng vaccine là vô tác dụng.

Allie French, người sáng lập tổ chức dân sự Nebraskans ở Omaha, Nebraska, phản đối sự can thiệp quá mức của chính phủ, cho rằng việc tiêm nhắc lại càng củng cố niềm tin mạnh mẽ của cô rằng tiêm chủng là không cần thiết, đặc biệt là đối với những người biết chăm sóc bản thân.

Tara Dukart - một chủ trang trại 40 tuổi đến từ Hazen, North Dakota, và là thành viên hội đồng quản trị của Health Freedom North Dakota, một tổ chức đã đấu tranh với các yêu cầu về khẩu trang và vaccine - nói: "Tôi nghĩ rằng có rất nhiều sự do dự bởi tại sao phải tiêm mũi thứ ba nếu 2 mũi trước hiệu quả?.”

Một số chuyên gia bên ngoài cũng nhận thức được vấn đề này.
Tiến sỹ James Conway, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm nhi khoa tại trường Đại học Wisconsin, cho rằng nếu những người sẵn có tâm lý hoài nghi vaccine "bắt đầu có ý tưởng rằng hiệu quả của vaccine sẽ chỉ kéo dài trong 6, 8 hoặc 10 tháng, họ có thể tiếp tục củng cố hơn sự hoài nghi của mình.”

Dù mọi số liệu ghi nhận sự sụt giảm các ca liên quan đến COVID-19 đều đáng được hoan nghênh, song thực tế này có thể làm giảm nỗ lực của các quan chức y tế trong việc khơi dậy cảm giác khẩn cấp đối với người chưa được tiêm chủng.

Tiến sỹ Alex Jahangir, Giám đốc khoa phẫu thuật chấn thương chỉnh hình tại Trung tâm Y tế trường Đại học Vanderbilt, người đứng đầu đội đặc nhiệm COVID-19 ở Nashville, Tennessee - nhớ lại việc ông phẫu thuật cho một người đàn ông lớn tuổi bị thương trong một vụ tai nạn hồi mùa Hè.

Người đàn ông sống sót sau khi được chữa trị những vết thương, song cuối cùng lại chết vì COVID-19. Jahangir không thể quên thực tế là gia đình của người đàn ông này dường như chỉ tiếp nhận sự thật về sự nguy hiểm của COVID-19 khi mọi chuyện đã quá muộn. "Chỉ khi bị tác động tiêu cực, họ mới tìm kiếm sự thật," Jahangir nói./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục