Mỹ nỗ lực thúc đẩy đàm phán mới Israel-Palestine

Đặc phái viên Mỹ đã trở lại Trung Đông để làm trung gian cho một vòng đàm phán hòa bình gián tiếp mới giữa Israel và Palestine.
Đặc phái viên Mỹ về Trung Đông George Mitchell ngày 18/5 đã trở lại Trung Đông để bắt đầu làm trung gian cho một vòng đàm phán hòa bình gián tiếp mới giữa Israel và Palestine.

Chiều cùng ngày, ông Mitchell đã gặp Bộ trưởng Quốc phòng Israel Ehud Barak. Ông dự kiến đến Ramallah ngày 19/5 gặp Tổng thống Palestine M. Abbas, sau đó trở lại Tel Aviv để thảo luận với Thủ tướng Israel B. Netanyahu.

Mặc dù ít có khả năng đạt được đột phá tại vòng đàm phán tới, song dường như cả Israel và Palestine đều có những động thái hướng tới xây dựng lòng tin.

Nguồn tin chính phủ Israel cho biết ông Netanyahu ủng hộ việc xem xét đề nghị sử dụng một vùng đất của người định cư Do Thái ở khu Bờ Tây để xây dựng một tuyến đường nối Ramallah với một thị trấn hiện đang được xây dựng của Palestine.

Trong khi đó, Tổng thống Palestine Abbas ngày 17/5 cũng phá vỡ thông lệ khi không đọc bài diễn văn lên án Israel nhân ngày thành lập Nhà nước Do Thái (14/5/1948), vốn được coi là "thảm họa" đối với người Palestine.

Trước đó, Nhà Trắng cam kết sẽ nỗ lực kiềm chế hai bên có những hành động làm phương hại đến tiến trình đàm phán.

Tuyên bố của Nhà Trắng có thể giúp giải tỏa nỗi lo ngại của Tổng thống Abbas về khả năng Israel tiếp tục mở rộng khu các định cư Do Thái tại Jerusalem.

Ngày 18/5, phát biểu tại Hội đồng bảo an, Điều phối viên đặc biệt của Liên hợp quốc về tiến trình hòa bình Trung Đông Robert Serry đã tỏ ra lạc quan khi cho rằng các nỗ lực thúc đẩy tiến trình hòa bình tại Trung Đông "đang bước vào một giai đoạn mới."

Ông Serry hy vọng hai bên có thể sớm tiến đến đàm phán trực tiếp nếu cuộc đàm phán gián tiếp sắp tới diễn ra nghiêm túc.

Trong khi đó, ngày 18/5, tại Berlin (Đức), Palestine và Đức đã chính thức khởi động mối quan hệ đối tác cấp cao nhằm hỗ trợ Palestine xây dựng các thể chế nhà nước.

Phát biểu nhân sự kiện này, Thủ tướng Palestine Salam Fayyad cho biết đây là sự hợp tác chính trị, ngoại giao đầu tiên giữa Palestine với Đức và mối quan hệ này sẽ hỗ trợ Palestine chuẩn bị sẵn sàng cho việc thiết lập các quy chế nhà nước.

Ông Fayyad bày tỏ hy vọng mối quan hệ với Đức sẽ là tiền lệ giúp Palestine thiết lập các mối quan hệ tương tự với các chính phủ khác.

Ngoại trưởng Đức Guido Westerwelle khẳng định việc xây dựng và mở rộng các thể chế nhà nước trong vùng lãnh thổ Palestine là cần thiết để tạo tiền đề cho sự thành công của giải pháp hai nhà nước tại Trung Đông.

Ông cho biết Đức dự định sẽ tăng cường hợp tác với Palestine thông qua việc tiếp tục hỗ trợ huấn luyện các lực lượng an ninh Palestine ở Bờ Tây, mở một văn phòng ở Bờ Tây để hỗ trợ các nhà đầu tư Đức và hỗ trợ các nhà khoa học Palestine.

Ông Westerwelle nhấn mạnh sự hỗ trợ của Đức dành cho Palestine cũng là nhằm phục vụ cho lợi ích của Israel trong việc giúp Palestine trở thành một đối tác hòa bình đáng tin cậy và ổn định ở khu vực.

Ngoài cuộc gặp giữa ông Salam và ông Westerwelle, các bộ trưởng hai bên cũng tiến hành các cuộc thảo luận về một loạt vấn đề hợp tác như kinh tế, giáo dục và phát triển./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục