Mỹ phát triển em bé robot "thật" đến sửng sốt

Diego được tạo ra để nghiên cứu cách thức em bé tương tác với thế giới, tuy không nói được nhưng có thể biểu hiện cảm xúc khuôn mặt.
Nếu ai đã từng nhìn thấy "Em bé robot kỹ thuật sinh học" (CB2) của Đại học Osaka (Nhật Bản) sẽ không khỏi phải sởn gai ốc về "độ thật" của nó, thì nay các nhà nghiên cứu ở Mỹ đang chuẩn bị giới thiệu một em bé robot cũng không kém phần sửng sốt mang tên Diego.

Chú người máy Diego do giáo sư Javier Movellan thuộc Đại học San Diego (California) cùng các cộng sự chế tạo dưới sự hỗ trợ kỹ thuật của Hãng chế tạo robot Kokoro (Nhật Bản).

Theo giáo sư Movellan, em bé robot Diego cao hơn 1m35, nặng hơn 30kg.

Diego được tạo ra để nghiên cứu cách thức các em bé học hỏi, phát triển và tương tác với thế giới. Em bé robot này không nói được nhưng có thể làm điệu bộ và biểu hiện cảm xúc trên khuôn mặt.

Người máy Diego có khoảng 60 bộ phận chuyển động, trong đó khoảng 20 bộ phận nằm trên khuôn mặt, cho phép Diego biểu lộ nhiều cung bậc cảm xúc hơn so với người máy Actroid -  thiếu nữ robot do Đại học Osaka phát triển từ năm 2006. Nó cũng có thể đứng lên khỏi ghế và cầm nắm đồ vật như chai nhựa.

Diego được gắn các camera có độ phân giải cao ở mắt và các cảm biến ở tai để có thể nhận biết chuyển động, cũng như bộ phát âm trong miệng. Cảm biến áp lực sẽ nhận biết trọng tải trên các khớp. Ngoài ra, chú robot này còn có động tác ôm người rất giống thật./.

Huy Lê (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục