Năm 2014, thực hiện thanh-kiểm tra việc chi trả lương

Các thành viên Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội đề nghị vấn đề lương trong khu vực nhà nước cần kiểm tra toàn diện trong 2014.
Sáng 23/9, phiên họp toàn thể lần thứ sáu Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội đã khai mạc tại Hà Nội.

Phát biểu khai mạc, Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai cho biết trong ba ngày làm việc (23-25/9), Ủy ban sẽ cho ý kiến về kết quả thực hiện nhiệm vụ, ngân sách năm 2013, dự toán ngân sách năm 2014 của Bộ Lao động-Thương binh & Xã hội và Bộ Y tế; nghe báo cáo việc tiếp thu, chỉnh lý dự án luật việc làm, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua khen thưởng, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật hôn nhân và gia đình.

Cũng tại phiên họp, Ủy ban nghe Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh & Xã hội và các bộ liên quan giải trình về “Phân bổ nguồn nhân lực và cơ chế điều hành trong công tác giảm nghèo”; báo cáo dự thảo Báo cáo kết quả giám sát tối cao việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế giai đoạn 2009-2012; thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế. Đồng thời, các thành viên Ủy ban sẽ nghe kết quả thực hiện Nghị quyết chất vấn của các Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh & Xã hội, Bộ trưởng Bộ Y tế và một số nội dung quan trọng khác.

Ngay sau phiên khai mạc, Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội nghe báo cáo về kết quả thực hiện nhiệm vụ, ngân sách năm 2013, dự toán ngân sách năm 2014 của Bộ Lao động-Thương binh & Xã hội.

Năm 2014 thực hiện thanh, kiểm tra việc chi trả lương trên tất cả các lĩnh vực


Theo báo cáo, về tình hình thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ, kế hoạch ngành, công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật được Bộ Lao động-Thương binh & Xã hội coi là ưu tiên hàng đầu, là nội dung trọng tâm trong chương trình công tác. Tám tháng đầu năm, Bộ đã xây dựng 29 Đề án theo Chương trình công tác của Chính phủ, đã được phê duyệt 27 đề án; bốn tháng cuối năm tiếp tục hoàn thiện 30 chương trình, đề án; đề nghị chuyển sang năm 2014 là 15 đề án và xin rút khỏi chương tình công tác ba đề án.

Hệ thống pháp luật về lao động, việc làm ngày càng hoàn thiện, phù hợp với thực tiễn, tạo điều kiện phát triển thị trường lao động. Đến nay, hơn 992.000 người, đạt 62% kế hoạch năm, trong đó giải quyết việc làm trong nước khoảng 937.500 người; xuất khẩu lao động hơn 54.000 người. Ước thực hiện cả năm tạo việc làm cho hơn 1,5 triệu người, đạt 96,25% kế hoạch, giảm 1,32% so với thực hiện năm 2012.

Về công tác giảm nghèo, theo kết quả rà soát hộ nghèo, tỷ kệ hộ nghèo cả nước cuối năm 2012 là 9,6% (tổng hộ nghèo là hơn 2,1 triệu hộ). Ước cuối năm 2013, tỷ lệ hộ nghèo cả nước còn 7,8-7,6%, giảm ước khoảng 1,8-2% so với năm 2012 (không đạt chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao, tuy nhiên dự kiến năm năm vẫn đảm bảo chỉ tiêu tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 2%/năm), trong đó các huyện nghèo giảm 4% đạt chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao. Trên các mặt công tác thực hiện chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội, an toàn vệ sinh lao động, dạy nghề, chăm sóc người có công, bảo trợ xã hội... tiếp tục có nhiều chuyển biến.

Tuy nhiên, việc thực hiện một số nhiệm vụ của Bộ Lao động-Thương binh & Xã hội cũng còn nhiều hạn chế. Thị trường lao động phát triển chưa đồng bộ; chỉ tiêu tạo việc làm đạt thấp so với kế hoạch năm và thấp hơn so với cùng kỳ năm 2012. Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, thanh, kiểm tra, giám sát thực hiện pháp luật lao động còn hạn chế; chỉ tiêu tuyển mới dạy nghề đạt thấp; kết quả giảm nghèo chưa thực sự vững chắc; đời sống của người lao động, hộ nghèo, đối tượng xã hội còn khó khăn...

Trả lời câu hỏi của các thành viên Ủy ban về các vấn đề xã hội, liên quan đến các giải pháp đột phá để giảm nghèo bền vững, Bộ trưởng Lao động-Thương binh & Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền cho biết hiện các bộ liên quan đang phối hợp bàn để thống nhất mức chuẩn nghèo. Tuy nhiên, hiện còn nhiều vướng mắc liên quan đến vấn đề này. Một trong những giải pháp đột phá trong năm 2014, theo Bộ trưởng là vấn đê giải quyết việc làm, trong đó quan trọng nhất là hỗ trợ dạy nghề và vốn vay tín dụng cho người nghèo. Bên cạnh đó, Bộ Lao động-Thương binh & Xã hội cũng tiếp tục xây dựng các cơ chế hỗ trợ cho hộ nghèo, vùng khó khăn, tập trung giải quyết chế độ cho người có công.

Giải đáp về lộ trình tăng lương cho khu vực công trong năm 2014, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền nêu rõ mức lương tối thiểu năm 2014 đang được xây dựng theo quy định. Hội đồng tiền lương quốc gia đang nghiên cứu trình lộ trình tăng lương đối với các doanh nghiệp trong năm 2014. Tuy nhiên, quan điểm giữa nhóm bảo vệ quyền lợi cho người lao động và người sử dụng lao động đang còn khác nhau. Dự kiến trong tháng Chín sẽ trình Chính phủ quyết định về vấn đề này.

Xung quanh việc chi trả lương tại các doanh nghiệp, trong đó có vụ việc lãnh đạo các doanh nghiệp công ích tại Thành phố Hồ Chí Minh được nhận lương cao mới đây, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền khẳng định các quy định về tiền lương đã rõ. Định mức ngành nào, ngành ấy tự quy định. Đây không phải chỉ riêng trách nhiệm của ngành Lao động-Thương binh & Xã hội. Qua theo dõi cho thấy, chính sách về tiền lương về cơ bản đã được hướng dẫn theo đúng luật. Ủy ban Nhân dân Thành phố trực tiếp giám sát việc thực hiện chính sách tiền lương. Bộ Lao động-Thương binh & Xã hội đã cử đoàn kiểm tra phối hợp với Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh xem xét vấn đề này.

Liên quan đến mức hỗ trợ cho người cao tuổi trên 80 tuổi hiện mới chỉ là 180.000 đồng/tháng, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền thừa nhận mức trợ cấp này còn thấp. Hiện Bộ đã có đề xuất lên Thủ tướng Chính phủ nâng mức trợ cấp từ 180.000 lên 270.000 đồng, đồng thời giảm số tuổi được hưởng trợ cấp xuống còn 75 tuổi. Tuy nhiên, tình hình kinh tế, ngân sách nhà nước còn khó khăn vì vậy Chính phủ đang tính toán vấn đề này. Đối với những khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, tới đây Bộ sẽ nghiên cứu, trình Chính phủ xem xét vấn đề này.

Các thành viên Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội đề nghị Bộ Lao động-Thương binh & Xã hội cần tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước trên tất cả các lĩnh vực thuộc ngành. Trong đó, vấn đề lương trong khu vực nhà nước tại tất cả các vùng, địa phương cần kiểm tra toàn diện trong năm 2014...

Bảo đảm chất lượng công tác giải ngân trong năm 2014

Đối với việc thực hiện dự toán ngân sách Nhà nước năm 2013, trong tám tháng đầu năm, Bộ Lao động-Thương binh & Xã hội thực hiện thu ngân sách Nhà nước hơn 294 tỷ đồng, đạt 65% kế hoạch, ước thực hiện cả năm hơn 565 tỷ đồng; nộp ngân sách nhà nước 8 tỷ đồng, đạt 55% kế hoạch, ước thực hiện cả năm đạt hơn 16 tỷ đồng, đạt 101% dự toán được giao. Tình hình chi ngân sách nhà nước do Bộ trực tiếp quản lý, tổng dự toán chi thường xuyên là hơn 608 tỷ đồng; chi các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình quốc gia, các đề án do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là hơn 883 tỷ đồng, trong đó mục tiêu quốc gia hơn 779 tỷ đồng. ..

Theo Bộ Lao động-Thương binh & Xã hội, kinh phí theo chương trình mục tiêu quốc gia bố trí không theo tổng định mức đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nên việc bảo đảm mục tiêu chương trình được phê duyệt là rất khó khăn...

Trong năm 2014, Bộ Lao động-Thương binh & Xã hội dự toán thu ngân sách hơn 595 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước là hơn 18 tỷ đồng. Về dự toán chi ngân sách nhà nước qua Bộ trực tiếp quản lý, dự toán chi thường xuyên là hơn 876 tỷ đồng. Chi Chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình Quốc gia, Đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (phần do Bộ trực tiếp quản lý) là 1.056 tỷ đồng, trong đó, chương trình mục tiêu quốc gia là 918 tỷ đồng...

Giải đáp thêm về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Đặng Huy Đông cho biết về phân bổ vốn, Bộ Kế hoạch & Đầu tư có phối hợp với Bộ Lao động-Thương binh & Xã hội trong hai chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm và giảm nghèo bền vững. Chương trình giảm nghèo, phân bổ vốn đã bố trí 35% tổng mức cho cả giai đoạn 2013. Đối với giảm nghèo bền ững, bố trí 49% của cả giai đoạn. Dự báo trong năm 2014 dự báo sẽ có nhiều khó khăn trong thực hiện.

Về tình hình giải ngân, năm 2011, giải ngân cho Chương trình mục tiêu Quốc gia đạt 85%, trong năm 2012 là 81%. Tính đến tháng 6/2013 là 40%, ước tính cả là 80-85%. Trong năm 2013, kế hoạch giải ngân đã được xây dựng kế hoạch từ cuối năm 2012 nên có nhiều tiến bộ hơn các năm trước.

Các thành viên Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội đánh giá về bố trí ngân sách thể hiện nỗ lực của Chính phủ. Mặc dù kinh tế có nhiều khó khăn nhưng vẫn bố trí nguồn vốn dành cho ngân sách dành cho người có công, chính sách tạo việc làm lớn. Đồng thời từ nay đến cuối năm, Bộ Lao động-Thương binh & Xã hội cần bảo đảm chất lượng trong công tác giải ngân...

Cũng trong phiên họp buổi sáng, các thành viên Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội đã nghe kết quả thực hiện Nghị quyết chất vấn của Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh & Xã hội./.

Phúc Hằng (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục