Nam Á đối mặt khủng hoảng y tế liên quan đến tiêm chủng cho cho trẻ em

UNICEF ước tính có khoảng 4,5 triệu trẻ em tại Nam Á đã bị lỡ mất tiêm vắcxin định kỳ, thậm chí trước cả khi đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 bùng phát.
Tiêm phòng sởi cho trẻ em tại Lviv, Ukraine ngày 21/2/2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Tiêm phòng sởi cho trẻ em tại Lviv, Ukraine ngày 21/2/2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 28/4, Liên hợp quốc cảnh báo Nam Á có thể đối mặt với cuộc khủng hoảng y tế công trầm trọng hơn khi trẻ em bị lỡ mất tiêm vắcxin định kỳ, làm dấy lên lo ngại rằng đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 có thể đảo ngược những thành quả phải khó khăn mới đạt được tại khu vực này.

Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) khẳng định hàng trăm nghìn trẻ em đang phải đối mặt với rủi ro về sức khỏe, khi các biện pháp phong tỏa trên khắp khu vực Nam Á khiến hoạt động tiêm vắcxin bị đình trệ và phụ huynh ngần ngại đưa trẻ tới tiêm chủng.

Giám đốc UNICEF tại Nam Á Jean Gough (Din Gáp) cho rằng dù virus SARS-CoV-2 không khiến nhiều trẻ em mắc bệnh nghiêm trọng, nhưng sức khỏe của hàng trăm nghìn trẻ em có thể bị ảnh hưởng khi dịch vụ tiêm chủng định kỳ bị gián đoạn.

Theo quan chức này, đây là mối đe dọa nghiêm trọng và các nước cần hành động sớm.

[117 triệu trẻ em có nguy cơ bỏ lỡ tiêm phòng sởi do dịch COVID-19]

Bangladesh và Nepal đã tạm dừng chiến dịch tiêm vắcxin phòng sởi và rubella, trong khi Pakistan và Afghanistan đang ngừng chương trình tiêm chủng phòng bại liệt kể từ khi COVID-19 bùng phát.

UNICEF lưu ý rằng một số dịch bệnh hoàn toàn có thể phòng ngừa bằng vắcxin như sởi và bạch hầu đã bùng phát tại Bangladesh, Pakistan và Nepal.

Một số nước trong khu vực cũng đang bị thiếu vắcxin do các biện pháp phong tỏa và lệnh cấm đi lại làm gián đoạn nguồn cung.

Trước tình hình này, UNICEF đề nghị tại những quốc gia đang phải tạm ngừng chương trình tiêm chủng, chính phủ cần khẩn trương lên kế hoạch tăng cường hoạt động tiêm chủng khi đại dịch COVID-19 được kiểm soát.

Tổ chức này cũng nhấn mạnh rằng chỉ cần các nhân viên y tế đảm bảo các biện pháp vệ sinh phòng ngừa, không có lý do gì để không duy trì chương trình tiêm chủng.

UNICEF ước tính khoảng 4,5 triệu trẻ em tại Nam Á đã bị lỡ mất tiêm vắcxin định kỳ, kể cả trước khi COVID-19 bùng phát./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục