Tuần qua trên sàn HoSE, cổ phiếu FPT có khối lượng giao dịch mạnh nhất, đạt xấp xỉ 25 triệu đơn vị. Đứng thứ hai là mã FLC, khối lượng chuyển nhượng 24 triệu đơn vị và các mã khác trong top 5 là KBC, HPG, HAG.
Phía sàn HNX, mã PVX là quán quân về thanh khoản, khối lượng giao dịch đạt 27 triệu đơn vị. Đứng kế tiếp là mã PVS, khối lượng giao dịch gần 13 triệu đơn vị và các mã khác thuộc top 5 là HUT,VCG, SCR.
Diễn biến giao dịch tuần qua, chỉ số VN-Index đã điều chỉnh giảm liên tục trong ba phiên do áp lực bán mạnh đến từ các cổ phiếu blue-chip. Tuy nhiên sau đó, chỉ số này đã phục hồi nhẹ vào hai phiên cuối tuần. Bên cạnh đó, HNX-Index cũng có tuần dao động với biên độ hẹp qua các phiên tăng, giảm điểm xen kẽ.
Chốt tuần, VN-Index đứng ở mốc 666,88 điểm, giảm 0,34% và HNX-Index đứng ở mức 84,47 điểm, tăng 0,51% so với cuối tuần trước.
Cụ thể, nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn đồng loạt tăng nhẹ, riêng mã VNM giảm khá mạnh do áp lực bán từ nhà đầu tư nước ngoài (-7,14%), còn lại các mã MSN (+2,98%), VCB (+1,57%), VIC (+1,67%), GAS (+1,57%).
Ngoài ra, nhóm cổ phiếu ngành chứng khoán tăng điểm tích cực, mã HCM (+4,14%), SSI (+0,9%). Tương tự, nhóm cố phiếu ngành đá cũng có xu hướng tăng, các mã C32 (+5,07%), NNC (+1,69%), KSB (+5,07%), DHA (+4,36%).
Đáng chú ý trong tuần, cổ phiếu ROS (có liên quan đến cổ phiếu FLC) đã tăng trần 6 phiên liên tiếp (tương đương 65%) kể từ khi chào sàn.
Về thanh khoản, khối lượng khớp lệnh trung bình trên HoSE đạt hơn 97 triệu đơn vị/phiên và tại HNX đạt gần 40 triệu đơn vị/phiên.
Trong tuần, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng hơn 979 tỷ đồng trên HoSE và bán ròng 88,77 tỷ đồng trên HNX.
Trên sàn HoSE, khối ngoại mua ròng nhiều nhất là mã HSG, đạt gần 1,7 triệu đơn vị, sau đến các mã BHS, LCG, VNS, NT2.
Ngoài ra, khối này bán ròng mạnh nhất là mã VCB, với khối lượng 4,9 triệu đơn vị và tiếp đến là PVD với khối lượng 4,2 triệu đơn vị.
Tại sàn HNX, nhà đầu tư nước ngoài mua ròng mạnh nhất là mã BVS, đạt 531.200 đơn vị, tiếp theo là các mã SHS, IVS, VIX, VND.
Bên cạnh đó, họ bán ròng lớn nhất tại mã PVS, với 5 triệu đơn vị, sau đến các mã SCR, HUT, VCG, SHB.
Như vậy, thị trường đã trải qua một tuần giao dịch tích lũy đi ngang, trong khu vực 660 điểm - 670 điểm của VN-Index. Trong đó, phiên giữa tuần biến động mạnh nhất, chỉ số VN-Index có thời điểm rơi khỏi ngưỡng 660 điểm và lùi sâu về gần vùng hỗ trợ 650 điểm - 655 điểm.
Nhìn chung, thanh khoản trên thị trường không có sự đột biến và duy trì ở mức tương đương nhau. Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn tiếp tục đóng vai trò trụ cột và chi phối điểm số của thị trường. Tuy nhiên, nhóm cổ phiếu này có sự phân hóa khá rõ rệt, trong đó các mã VIC, MSN, GAS, PVD cùng trải qua tuần giao dịch đi ngang. Một số mã khác lại có được tuần tăng điểm tích cực, là FPT và HPG.
Ngoài ra, mã VCB sau khi điều chỉnh giảm hai tuần, thì phiên cuối tuần này đã tăng sát giá trần nhờ chỉnh giá trả cổ tức và cổ phiếu.
Chiều ngược lại, mã VNM trải qua tuần giao dịch tiêu cực khi liên tục giảm và bị nhà đầu tư nước ngoài bán mạnh.
Tại nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ, mã TTF đã có sáu phiên giảm sàn liên tiếp. Bên cạnh đó, mã ROS thu hút sự chú ý của thị trường với sáu phiên tăng trần liên tục, kể từ sau khi được niêm yết lên sàn HoSE.
Theo giới phân tích, hiện tại chỉ số VN-Index vẫn đang có những diễn biến giao dịch khá giằng co, nguyên nhân chủ yếu đến từ sự phân hóa của nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn. Dòng tiền tiếp tục luân chuyển tại một số mã cổ phiếu dẫn dắt và chưa có dấu hiệu lan rộng sang các nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ khác.
Do đó, một số chuyên gia cho rằng xu hướng tích lũy trên ngưỡng hỗ trợ gần 660 điểm nhiều khả năng sẽ tiếp tục diễn ra trong tuần tới.
Số liệu thống kê do Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn-Hà Nội (SHS) cung cấp./.