Chứng khoán Hàn Quốc giảm mạnh sau vụ thử hạt nhân của Triều Tiên

Các chỉ số chứng khoán châu Á biến động trái chiều nhau, trong đó, chứng khoán Hàn Quốc giảm mạnh tới 1,5% sau khi Triều Tiên tiến hành thêm một vụ thử hạt nhân.
Chứng khoán Hàn Quốc giảm mạnh sau vụ thử hạt nhân của Triều Tiên ảnh 1Thị trường chứng khoán Hàn Quốc. (Nguồn: YONHAP/TTXVN)

Trong phiên giao dịch ngày 9/9, các chỉ số chứng khoán châu Á biến động trái chiều nhau, trong đó, chứng khoán Hàn Quốc giảm mạnh 1,5% sau khi Triều Tiên tiến hành thêm một vụ thử hạt nhân.

Nhìn chung, phiên giao dịch cuối tuần diễn ra không mấy nhộn nhịp do thị trường quan ngại về sự chậm trễ của các ngân hàng trung ương toàn cầu trong việc giải quyết các khó khăn kinh tế hiện nay.

Kết thúc phiên này, ngoài chỉ số KOPSI trên sàn Seoul giảm 1,5%, chỉ số Shanghai Composite trên sàn Thượng Hải cũng hạ 0,6% xuống chỉ còn 3.078,85 điểm.

Ngược chiều xu hướng trên, chỉ số Nikkei 225 và chỉ số Hang Seng trên sàn Tokyo và Hong Kong lại lần lượt tiến thêm 6,99 điểm và 180,36 điểm lên các mức 16.965,76 điểm và 24.099,70 điểm.

Trước đó, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên ngày 9/9 tuyên bố đã tiến hành thành công một vụ thử hạt nhân thứ 5 của nước này, vài giờ sau khi các máy đo địa chấn phát hiện một vụ nổ gần bãi thử hạt nhân của Bình Nhưỡng.

Thông tin này ngay lập tức đã tạo ra tâm lý căng thẳng trên khắp khu vực châu Á-Thái Bình Dương, khiến các sàn chứng khoán Sydney, Singapore, Jakarta và Manila đồng loạt giảm mạnh.

Riêng chỉ số Nikkei 225, mặc dù giảm điểm vào đầu phiên song đã "lội ngược dòng" thành công với mức tăng nhẹ 6,99 điểm, nhờ vào những hy vọng rằng Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) sẽ tăng cường các chính sách kích thích kinh tế trong cuộc họp cuối tháng này.

Chứng khoán Hong Kong cũng đóng cửa “xanh sàn” trong phiên cuối tuần (9/9), sau khi giới chức Trung Quốc công bố các số liệu lạm phát tích cực và các tín hiệu cho thấy Bắc Kinh sẽ nới lỏng các quy định cho phép các công ty bảo hiểm đầu tư vào đặc khu hành chính này.

Bên cạnh những vấn đề địa chính trị, sự chậm trễ của các ngân hàng trung ương trong việc giải quyết các khó khăn kinh tế toàn cầu cũng là yếu tố khiến thị trường chứng khoán kém nhộn nhịp trong phiên này.

Ngày 8/9, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã một lần nữa lựa chọn phương án “kiên nhẫn” chờ đợi để đánh giá sức ảnh hưởng của các chính sách nới lỏng đã được thực hiện trước khi áp dụng các biện pháp kích thích mới. Thông tin này, dù không nằm ngoài dự đoán của thị trường, song lại gây thất vọng vì đã không đưa ra được một hướng dẫn cụ thể chi tiết nào./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục