Nạn “đinh tặc” lại hoành hành trên Quốc lộ 5

Trên những cây cầu Thanh Trì, cầu Phù Đổng hay cầu Long Biên, hình ảnh người dắt xe và dòng chữ “sửa xe lưu động” khá quen thuộc.
Giữa đêm gió rét, đi một quãng ngắn trên con đường dẫn lên cầu Thanh Trì (quận Long Biên, Hà Nội), chúng tôi gặp một vài người lếch thếch dắt những chiếc xe môtô bánh bẹp dúm.

Thấy tôi có vẻ khó hiểu, người xe ôm chở tôi giải thích, giờ này không có kinh nghiệm thì dính đinh là chuyện thường, rồi chỉ tay về phía những hàng chữ “sửa xe lưu động” viết nguệch ngoạc dưới lòng đường.

Anh lái xe ôm cho hay, lúc gần sáng là “giờ vàng” của “đinh tặc” vì đêm tối là khi “đinh tặc” có thể dễ dàng rải đinh và chặt chém, đến tận sáng vệ sinh môi trường mới quét dọn đường.

Ngạc nhiên về chuyện “đinh tặc” ngang nhiên lộng hành, trưa hôm sau, chúng tôi quay lại đoạn đường “chông gai” đó để tìm hiểu thực hư.

Trò chuyện ở một quán nước ven đường, chị chủ quán nhiệt tình kể các “bài” của “đinh tặc” và “võ” để tránh đinh: “Bọn nó toàn để đinh ở túi quần thủng, đi xe đạp một vòng là đinh được rải khắp đường nên khi đi, cậu cứ chạy xe phần đường của ôtô, đường đó nó ít rải. Mà có rải tới, lốp ôtô đi qua cũng làm bật ra rìa đường”.

Chú ý quan sát, kỳ thực “đinh tặc” đã “xiết” con đường cầu rộng thênh thang lại chỉ còn một làn đường xe chạy. Một người tham gia giao thông tâm sự: luồn lách ở phần đường ôtô kể cũng nguy hiểm song còn hơn là “ăn” đinh.

Cầu Thanh Trì và đường dẫn lên cầu có đội ngũ vá săm đông đảo bất thường. Đoạn đường chỉ dài vài km song có tới hàng chục hiệu thay săm vá lốp nằm san sát nhau. Đấy là chưa kể tới những dòng quảng cáo “sửa xe lưu động” tràn lan dưới lòng đường.

Qua tìm hiểu, vào ban ngày, giá vá một săm xe trung bình từ 20-40.000 đồng mỗi vết. Còn vào ban đêm, vá một lần khoảng từ 50.000 trở lên. "Nhưng được vá là còn may đấy, nhiều người còn bị buộc phải thay săm với giá cao”, người bán nước bức xúc kể tiếp.

Trò chuyện với một người sửa xe lưu động, tôi được biết, “trụ sở” của họ chủ yếu là ở những quán nước hay những nhà dân ven đường. Mỗi khi có điện thoại là họ xuất hiện từ mọi ngõ ngách.

Một người sửa xe cho biết đã làm ở đây vài tháng rồi nhưng cũng không biết có bao nhiêu người sửa xe. Số người sửa xe trên tuyến đường đang tăng dần lên vì mỗi sáng lại thấy thêm số điện thoại mới được quảng cáo.

Ngoài ra, có một nhóm người xách theo làn dụng cụ lượn đi lượn lại khắp đường để sửa xe, chỉ dắt xe chừng 10 phút là có người dừng xe trước mặt “mời” vá.

Tôi có lưu một vài số điện thoại sửa xe lưu động về nhà gọi thử. Song khi tôi nói tôi đang đứng ở đâu trên tuyến đường, lập tức đầu dây bên kia đáp lại bằng những lời lẽ thiếu văn hóa. Dường như,họ “mật phục” và nắm rõ “con mồi” trên từng mét đường.

Được biết, trung bình mỗi người sửa xe một ngày sửa khoảng 5-6 chiếc xe, có những hôm được hơn chục chiếc. Chỉ với một làn dụng cụ đơn giản, biết vài thao tác vá xe cơ bản là có thể thu lời hàng triệu mỗi tháng, quả là một nghề “siêu lợi nhuận” đáng để cạnh tranh.

Không thể phủ nhận sợi dây liên hệ mật thiết giữa nạn “đinh tặc” và nghề sửa xe lưu động trên tuyến đường này. Trong vòng tròn khép kín ấy, ai cũng dễ dàng khoanh vùng được “đinh tặc” song thật khó để sàng lọc chính xác họ.

Chẳng riêng gì cầu Thanh Trì, từ cây cầu mới Phù Đổng tới cây cầu “già" Long Biên, hình ảnh người dắt xe và dòng chữ “sửa xe lưu động” cũng đã trở nên khá quen thuộc.../.

Phạm Điệp (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục