Nâng cao năng lực các cơ sở dạy nghề của tổ chức công đoàn

Thủ tướng phê duyệt Đề án "Nâng cao năng lực các cơ sở dạy nghề của tổ chức công đoàn đến năm 2020," phát triển các trường dạy nghề trọng điểm đạt cấp độ quốc gia, khu vực ASEAN và quốc tế.
Nâng cao năng lực các cơ sở dạy nghề của tổ chức công đoàn ảnh 1Một lớp dạy nghề may cho lao động nông thôn. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)

Ngày 30/7, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1269/QĐ-TTg phê duyệt Đề án "Nâng cao năng lực các cơ sở dạy nghề của tổ chức công đoàn đến năm 2020."

Mục tiêu của Đề án phấn đấu đến năm 2020 có 25% trường cao đẳng nghề, 45% trường trung cấp nghề và 30% trung tâm dạy nghề trong tổng số các cơ sở dạy nghề.

Các cơ sở dạy nghề có đủ năng lực thực hiện đào tạo nghề cho khoảng 500.000 người trong giai đoạn 2014-2020, trong đó, cao đẳng nghề chiếm khoảng 5%; trung cấp nghề chiếm khoảng 20%; sơ cấp nghề chiếm khoảng 35%; dạy nghề dưới ba tháng chiếm khoảng 40%; phấn đấu 70% người lao động sau khi được đào tạo nghề có việc làm và thu nhập ổn định.

Nhiệm vụ, giải pháp của Đề án nhằm điều chỉnh, bổ sung các cơ sở dạy nghề trong quy hoạch mạng lưới trường cao đẳng nghề, trung cấp nghề và trung tâm dạy nghề của cả nước đến năm 2020 theo hướng nâng cấp trường trung cấp nghề thành trường cao đẳng nghề, trung tâm dạy nghề thành trường trung cấp nghề, chuyển đổi các trung tâm giới thiệu việc làm thành trung tâm dạy nghề khi đủ điều kiện theo quy định.

Bên cạnh đó, phát triển các trường dạy nghề trọng điểm đạt cấp độ quốc gia, khu vực ASEAN và quốc tế theo quy hoạch, trong đó có ít nhất một trường cao đẳng nghề trở thành trường nghề chất lượng cao, đủ năng lực đào tạo một số nghề đạt trình độ các nước phát triển trong khu vực ASEAN và trên thế giới.

Ngoài ra, cần tăng cường cơ sở vật chất và thiết bị cho cơ sở dạy nghề như đầu tư xây dựng bảo đảm tiêu chuẩn cơ sở vật chất, danh mục thiết bị dạy nghề theo quy định cho việc dạy các nghề trọng điểm quốc gia; đầu tư xây dựng bảo đảm tiêu chuẩn cơ sở vật chất, danh mục thiết bị dạy nghề tối thiểu theo quy định của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho việc dạy các nghề không thuộc danh mục các nghề trọng điểm.

Về phát triển chương trình, giáo trình dạy nghề, Quyết định nêu rõ, đối với các nghề trọng điểm cấp độ khu vực ASEAN và quốc tế thì thực hiện theo chương trình, giáo trình dạy nghề do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tiếp nhận của các nước tiên tiến trong khu vực ASEAN và quốc tế phù hợp với thị trường lao động Việt Nam.

Đối với các nghề trọng điểm cấp độ quốc gia, áp dụng và thực hiện theo chương trình, giáo trình dạy nghề do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội xây dựng và ban hành trên cơ sở tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia.

Chương trình, giáo trình của các nghề khác do cơ sở dạy nghề xây dựng, trên cơ sở chương trình khung do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã ban hành hoặc tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục