Nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt thời hội nhập

Việt Nam hiện đã bắt đầu có những công ty, tập đoàn lớn vươn ra thị trường thế giới, song con số này chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong hơn 500.000 doanh nghiệp đang hoạt động.
Nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt thời hội nhập ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Vũ Sinh/TTXVN)

Ngày 28/11, tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp cùng Bộ Ngoại giao đã tổ chức hội thảo “Vai trò của doanh nghiệp trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong hội nhập quốc tế.”

Mục đích của cuộc hội thảo nhằm giúp các doanh nghiệp, nhà hoạt động chính sách Việt Nam và các chuyên gia của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) có dịp thảo luận, trao đổi về những điểm yếu trong năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam, từ đó tìm ra những phương án hiệu quả giúp doanh nghiệp cải thiện năng lực cạnh tranh, hội nhập quốc tế,.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, cho hay thực hiện Nghị quyết 19/NQ-CP của Chính phủ nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, VCCI đẩy mạnh triển khai các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh.

Hiện nay, hằng tháng VCCI tiến hành thu thập ý kiến của doanh nghiệp về các cơ chế, chính sách liên quan để trình lên Chính phủ.

VCCI cũng xây dựng nhiều đề án giúp cải thiện môi trường kinh doanh, như Đề án Doanh nghiệp phòng chống tham nhũng, Đề án Nâng cao năng lực các hiệp hội doanh nghiệp, Đề án nâng cao năng lực áp dụng khoa học công nghệ cho các doanh nghiệp, nâng cao năng lực quản trị, hỗ trợ doanh nghiệp khả năng tiếp cận và khai thác thị trường mới...

“Ngoài ra, Việt Nam cần có một chương trình xã hội hóa và cải cách tư pháp, tăng cường thiết chế pháp lý để đảm bảo một môi trường không chỉ thuận lợi mà còn an toàn cho người dân và doanh nghiệp,” ông Lộc nói.

Theo VCCI, những năm gần đây, Việt Nam đã bắt đầu có những công ty, tập đoàn lớn vươn ra thị trường thế giới, tuy nhiên những doanh nghiệp này chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ.

Trong số hơn 500.000 doanh nghiệp Việt Nam đang hoạt động, có đến 95-96% doanh nghiệp cỡ nhỏ với khả năng cạnh tranh hết sức hạn chế.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho rằng, nền kinh tế phát triển còn chưa bền vững, năng suất và sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp.

Các doanh nghiệp là những tế bào cấu thành của nền kinh tế, do đó, sức cạnh tranh của doanh nghiệp là một trong các nhân tố quyết định năng lực cạnh tranh quốc gia.

Để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia đòi hỏi không chỉ quyết tâm của Chính phủ mà cần cả sự nỗ lực vươn lên của chính các doanh nghiệp.

Bên cạnh việc đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cấu trúc nền kinh tế, hiện đại hóa cơ sở hạ tầng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, hiện Chính phủ đã và đang triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều biện pháp cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh.

Theo Giám đốc điều hành WEF Philipp Rosler, để xử lý các thách thức trong hội nhập và tăng năng lực cạnh tranh, Việt Nam cần có khuôn khổ tài chính ổn định, hạ tầng vững mạnh như giao thông, công nghệ khoa học, nhân lực...

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cần có các chính sách tài khóa phù hợp, giảm lạm phát, và thực hiện các cải cách thủ tục hành chính nhằm tạo thuận lợi cho nhà đầu tư, doanh nghiệp.

Báo cáo của Diễn đàn Kinh tế thế giới cho hay, về năng lực cạnh tranh toàn cầu năm 2014-2015, chỉ số năng lực cạnh tranh của Việt Nam chỉ tăng 2 bậc, từ vị trí 70 lên 68 trong 148 nền kinh tế.

Rõ ràng, tuy đã có nhiều nỗ lực, song năng lực cạnh tranh của Việt Nam còn chậm cải thiện và có vị trí khiêm tốn so với nhiều nước trong khu vực./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục