Nepal chưa thể thành lập chính phủ đoàn kết dân tộc

Các chính đảng ở Nepal lại không đạt thỏa thuận thành lập chính phủ đoàn kết dân tộc vào hạn chót 6/12 do Tổng thống Yadav ấn định.
Các chính đảng ở Nepal một lần nữa không đạt được thỏa thuận để thành lập một chính phủ đoàn kết dân tộc vào thời hạn chót ngày 6/12 do Tổng thống Ram Baran Yadav ấn định.

Các nhà lãnh đạo bốn đảng chính, gồm Đảng Cộng sản thống nhất Nepal (UCPN-M), đảng Đại hội Nepal (NC), Đảng Cộng sản Nepal Mácxít Lêninnít thống nhất (CPN-UML) và Mặt trận Madhesi Dân chủ Thống Nhất (UDMC) đã tiến hành thương lượng suốt tuần qua, song trong ngày đàm phán cuối cùng trước hạn chót vẫn không nhất trí được về thành phần chính trị trong nội các mới, kể cả ứng cử viên thay thế Thủ tướng tạm quyền Baburam Bhattarai.

Theo ông Agni Sapkota, người phát ngôn của UCPN-M, lãnh đạo các đảng đối lập không muốn thảo luận về một thỏa thuận cả gói, bao gồm ngày tiến hành bầu cử, luật và tiến trình bầu cử.

Ông Sapkota cho biết lãnh đạo các đảng sẽ đề nghị Tổng thống gia hạn một lần nữa cho việc thành lập chính phủ.

Đây là lần thứ hai các chính đảng Nepal không đáp ứng thời hạn chót thành lập chính phủ theo yêu cầu của Tổng thống Yadav.

Sau khi thời hạn lần đầu tiên bị bỏ lỡ ngày 29/11 vừa qua, Tổng thống Yadav đã gia hạn thêm một tuần, theo đó đến ngày 6/12 các đảng phải đi đến thỏa thuận thành lập một chính phủ đoàn kết dân tộc dẫn dắt Nepal hướng tới cuộc tổng tuyển cử vào năm tới.

[Tổng thống Nepal gia hạn việc thành lập chính phủ]


Nepal lâm vào khủng hoảng chính trị và không có một chính phủ chính thức từ tháng Năm vừa qua, khi Hội đồng lập hiến - hoạt động với chức năng nghị viện lập pháp - phải giải tán vì không đáp ứng thời hạn chót soạn thảo hiến pháp mới sau khi cuộc nội chiến kéo dài 10 năm kết thúc năm 2006.

Chính phủ tạm quyền đang lãnh đạo nước này do Thủ tướng Baburam Bhattarai thuộc UCPN-M đứng đầu.

Các cuộc thương lượng thành lập chính phủ mới bế tắc về vị trí người đứng đầu chính phủ đoàn kết dân tộc. Các khối đối lập phản đối ý tưởng ông Bhattarai đứng đầu chính phủ này, trong khi UCPN-M khẳng định Thủ tướng Bhattarai sẽ không từ chức nếu các bên chưa đạt được thỏa thuận về các vấn đề cốt lõi trong hiến pháp./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục