Nga cáo buộc Phương Tây lôi kéo vào cuộc khủng hoảng Trung Đông

Nga cáo buộc Phương Tây can thiệp thô bạo vào công việc nội bộ của các nước Trung Đông, đồng thời bịa đặt, lôi kéo Nga nhằm trút một phần trách nhiệm cho Moskva về khủng hoảng ở khu vực này.
Nga cáo buộc Phương Tây lôi kéo vào cuộc khủng hoảng Trung Đông ảnh 1Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga, Maria Zakharova. (Nguồn: MFARussia)

Trong một tuyên bố đưa ra ngày 7/9, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova đã bác bỏ thông tin của các phương tiện truyền thông Phương Tây về cái gọi là thỏa thuận giữa Nga, Mỹ và Saudi Arabia nhằm lật đổ nhà lãnh đạo hợp pháp của Syria.

Tuyên bố nêu rõ Nga không làm công việc "thiết kế xã hội," không tự mình hoặc âm mưu cùng với các nước khác bổ nhiệm hoặc bãi nhiệm tổng thống các nước khác. Nhân dân mỗi nước có quyền tự quyết định vận mệnh của mình.

Bà Zakharova khẳng định Nga giữ nguyên lập trường rằng giải quyết hòa bình cuộc xung đột tại Syria thông qua đối thoại và không có sự can thiệp từ bên ngoài, trên cơ sở Tuyên bố chung Geneva ngày 30/6/2012, tuân thủ nghiêm túc các chuẩn mực và nguyên tắc của luật pháp quốc tế, bao gồm tôn trọng chủ quyền quốc gia. Nga mong muốn tất cả các đối tác cũng hành động như vậy.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga nêu rõ thời gian gần đây, một số chính phủ Phương Tây đã không có khả năng rút ra những bài học từ những sai lầm của chính mình, kể cả trong các trường hợp những hậu quả bi thảm của những sai lầm đó ngày càng trở nên rõ ràng đối với chính người châu Âu.

Chính việc can thiệp thô bạo vào công việc nội bộ của các nước Trung Đông đã tạo nên một khu vực bất ổn ở gần châu Âu và làm gia tăng nhiều lần nguy cơ khủng bố. Hàng chục nghìn người đã phải tới châu Âu tìm nơi lánh nạn do hậu quả của những cuộc thử nghiệm bất thành theo tinh thần "thiết kế xã hội" tại các quốc gia như Syria, Libya, Iraq, Yemen, Afghanistan.

Theo bà Zakharova, một số chính khách Phương Tây vẫn không sửa chữa những toan tính thiển cận của mình, ngược lại vẫn tìm cách thực hiện chúng mà hậu quả là sẽ tạo ra những thách thức ngày càng nguy hiểm hơn và những vấn đề mang tầm quốc tế.

Thêm vào đó, một số người còn tìm cách lôi kéo Nga vào việc này bằng cách truyền bá những điều bịa đặt và xuyên tạc, có thể là để sau đó trút một phần trách nhiệm cho Nga về thảm kịch ở Trung Đông và nguy cơ bất ổn ở châu Âu cũng như thế giới.

Bất ổn tại Syria bùng phát kể từ sau các cuộc biểu tình hồi đầu năm 2011, tương tự làn sóng bất ổn được Phương Tây gọi là "Mùa Xuân Arab" ở Ai Cập và Tunisia.

Theo số liệu thống kê của Liên hợp quốc, cuộc nội chiến kéo dài 4 năm qua tại quốc gia Trung Đông này đã cướp đi sinh mạng của hơn 250.000 người và khiến hàng triệu người dân Syria phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn.

Tương lai của Tổng thống Bashar al-Assad là điểm mấu chốt trong những nỗ lực ngoại giao của các bên trong khu vực và quốc tế nhằm chấp dứt cuộc khủng hoảng Syria.

Các nhóm đối lập tại Syria, các nước Arab vùng Vịnh cùng Phương Tây đều muốn chính khách này từ chức. Trong khi đó, Iran và Nga hiện là hai đồng minh chính của chính quyền Damacus phản đối điều này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Bộ trưởng Phát triển Đức Svenja Schulze. (Nguồn: BBC)

Đức hỗ trợ đào tạo nhân viên y tế tại Syria

Bộ trưởng Phát triển Đức Svenja Schulze ngày 15/1 đã đến thủ đô Damascus để gặp Bộ trưởng Y tế lâm thời Syria Maher Sharaa thảo luận về sự hợp tác giữa các bệnh viện của hai nước.