Nga chuẩn bị bàn đạp cho tàu ngầm hạt nhân tại Biển Đỏ

Theo Báo Độc lập, Moskva vừa lập nhóm gìn giữ hòa bình mới ở Nam Caucasus (Nagorny-Karabakh), đồng thời chuẩn bị ký một thỏa thuận với Sudan về việc lập một căn cứ hải quân Nga trên lãnh thổ nước này.
Nga chuẩn bị bàn đạp cho tàu ngầm hạt nhân tại Biển Đỏ ảnh 1Một sỹ quan trên tàu hộ tống Veliky Ustyug trong căn cứ hải quân Nga. (Nguồn: AFP/Getty)

Theo Báo Độc lập, Moskva vừa thành lập nhóm gìn giữ hòa bình mới ở Nam Caucasus (Nagorny-Karabakh), đồng thời chuẩn bị ký một thỏa thuận với Sudan về việc thành lập một căn cứ hải quân Nga trên lãnh thổ nước này.

Sau căn cứ Tartus ở Syria, đây sẽ là căn cứ hải quân lớn thứ hai của Nga ở Trung Đông. Tại Biển Đỏ, Nga sẽ có một trung tâm hậu cần (PMTO) của Hải quân, nơi các tàu chạy bằng năng lượng hạt nhân, kể cả tàu ngầm hạt nhân, sẽ có thể ra vào.

Cựu Tham mưu trưởng Hải quân Nga, Đô đốc nghỉ hưu Viktor Kravchenko, cho rằng việc triển khai PMTO ở Port Sudan sẽ tăng cường sự hiện diện của Nga ở châu Phi và mở rộng khả năng hoạt động của hạm đội. Điều này rất quan trọng "đối với các tàu chiến của Nga thực hiện nhiệm vụ chống cướp biển và tham gia bảo vệ các đoàn tàu vận tải.”

An ninh cho đoàn tàu là điều tốt. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là: Bảo vệ đoàn tàu của ai - của Nga hay các nước khác? Theo số liệu chính thức, thị phần buôn bán của Nga cho Sudan chỉ chiếm 6,5%, kém xa Trung Quốc, Saudi Arabia và Ấn Độ.

Việc thành lập căn cứ hải quân ở Biển Đỏ theo một số hãng truyền thông là phản ứng của Moskva trước việc Mỹ có thể áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với các công ty xây dựng tuyến đường ống dẫn khí đốt “Dòng chảy phương Bắc 2," và căn cứ này được cho là sẽ cho phép kiểm soát Biển Đỏ và các tuyến đường quan trọng vận chuyển hydrocacbon cho các đồng minh của Mỹ. Tuy nhiên, chưa có giải thích về cách thức Nga sẽ thực hiện điều này.

Xét cho cùng, nếu không có chiến tranh toàn cầu, Hải quân Nga sẽ không thể ngăn cản việc đi lại của các tàu chở dầu và khí đốt hóa lỏng của “kẻ thù thương mại tiềm tàng.”

Moskva, theo dự thảo thỏa thuận với Sudan, đã đề xuất đầu tư nguồn lực vào “việc phát triển và hiện đại hóa PMTO” cũng như "cung cấp vũ khí và trang thiết bị quân sự cho căn cứ hải quân ở Port Sudan.” Ý tưởng này là thú vị, song duy trì một căn cứ quân sự ở Sudan có thể gây tốn kém cho Moskva.

Theo báo cáo của Bộ Quốc phòng Nga năm 2017, “họ có kế hoạch chi 3,2 tỷ rúp để hiện đại hóa PMTO ở Syria.” Tuy nhiên, theo đánh giá từ các thông báo về quá trình mở rộng căn cứ này, số tiền chi ra có thể còn lớn hơn nhiều.

Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu tháng 12/2019 đã thông báo về việc xây dựng một khu liên hợp sửa chữa tàu thuyền ở Tartus bao gồm các tàu rà phá mìn, tuần dương hạm, tàu ngầm diesel-điện... Chi phí cho một nhà máy như vậy có thể vào khoảng từ 10-12 tỷ rub.

[Nga, Pháp nhấn mạnh cần giải quyết vấn đề nhân đạo ở Nagorny-Karabakh]

Ngoài ra, Nga sẽ tiếp tục xây dựng hai cầu tàu mới ở Tartus được thiết kế để neo đậu tàu có trọng lượng lên đến 10.000 tấn, cũng như một tổ hợp tòa nhà hành chính và dân cư. Một công trình quy mô lớn tương tự đã được thực hiện cách đây vài năm tại thành phố Novorossiysk ở Nga. Năm 2010, ông Putin tuyên bố rằng việc xây dựng sẽ tiêu tốn 92 tỷ rub (gần 3 tỷ USD). 

Thỏa thuận với Sudan dự kiến sẽ kéo dài 25 năm với lựa chọn gia hạn thêm, nhưng cũng phải tính đến tình hình chính trị bất ổn ở Sudan. Xin nhắc lại, năm 2017, cựu Tổng thống Sudan, Omar al-Bashir, trong chuyến thăm Moskva, đã đề xuất thành lập một căn cứ quân sự của Nga trên Biển Đỏ, song không quyết định nào được đưa ra.

Tháng 4/2019, Tổng thống al-Bashir bị tước bỏ quyền lực trong một cuộc đảo chính quân sự và Tổng tham mưu trưởng Abdel Fattah al-Burhan trở thành Chủ tịch Hội đồng Tối cao Sudan.

Mùa Thu năm ngoái, ông al-Burhan đã đến Moskva để tăng cường quan hệ quân sự. Sudan đã nới lỏng các quy định cho tàu Nga cập cảng nước này, lập văn phòng đại diện của Bộ Quốc phòng Nga và các giảng viên quân sự Nga sang nước này làm việc.

Tháng Tám vừa qua, một thỏa thuận đã được ký kết về việc cung cấp vũ khí của Nga. Tuy nhiên, các cơ cấu do al-Burhan tổ chức là trong giai đoạn chuyển tiếp cho việc hình thành chính quyền của tổng thống mới ở nước này. Và trên thực tế, người lãnh đạo Sudan trong 25 năm tới sẽ quyết định giữ căn cứ quân sự của Nga trên lãnh thổ của họ hay không. Xét cho cùng, Sudan có những lực lượng chính trị trong nước được phương Tây và Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn.

Còn một vấn đề quan trọng khác liên quan đến lợi ích của Nga ở Bắc Phi và báo chí đã đưa tin về sự tham gia của lính đánh thuê Sudan trong các cuộc xung đột ở một số quốc gia. Tháng 9/2019, Thời báo New York cho biết Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) "đã tuyển dụng lính đánh thuê ở Sudan cho Quân đội Quốc gia Libya (LNA) của Khalifa Haftar.”

Truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ liên tục khẳng định điều này. Sau khi ông al-Burhan lên nắm quyền ở Sudan, quan hệ quân sự giữa Thổ Nhĩ Kỳ với nước này đã xấu đi, vì Sudan, giống như Ai Cập và UAE, ủng hộ LNA.

Mối lo ngại của Thổ Nhĩ Kỳ đối với Sudan là điều hiển nhiên. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã ký các thỏa thuận quân sự và kinh tế với các chính quyền trước đây của quốc gia châu Phi này, trong đó có việc chuyển giao đảo Suakin của Sudan ở Biển Đỏ cho Thổ Nhĩ Kỳ thuê trong 99 năm.

Dưới thời Ottoman, hòn đảo này là một hải cảng quan trọng, song vào thế kỷ XX, sau khi thành phố Port Sudan được xây dựng, Suakin đã rơi vào cảnh suy tàn. Thổ Nhĩ Kỳ có kế hoạch trùng tu các di tích lịch sử và biến hòn đảo này thành trung tâm du lịch. Ngoài ra, một căn cứ quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ đã được thành lập trên hòn đảo này.

Do đó, việc Nga thành lập PMTO ở Sudan sẽ cạnh tranh với Thổ Nhĩ Kỳ trong khu vực, song điều này không dễ dàng. Ankara, không giống như Moskva, đã có kết quả kinh doanh thực sự ở Sudan.

Theo truyền thông, số tiền các công ty Thổ Nhĩ Kỳ đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng và thông qua các khoản đầu tư trực tiếp vào Sudan là 650 triệu USD, trong khi Nga không đầu tư vào các dự án kinh tế ở quốc gia này./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục