Nga đáp trả động thái tịch thu tài sản của nước này ở nước ngoài

Tổng thống Putin vừa ký sắc lệnh đưa tài sản của các quốc gia mà nước này coi là "không thân thiện" vào diện quản lý hành chính nhằm đáp trả việc tịch thu tài sản của Moskva ở nước ngoài.
Nga đáp trả động thái tịch thu tài sản của nước này ở nước ngoài ảnh 1Tổng thống Nga Vladimir Putin. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo hãng thông tấn TASS, Tổng thống Nga Vladimir Putin vừa ký sắc lệnh đưa tài sản của các quốc gia mà nước này coi là "không thân thiện" vào diện quản lý hành chính nhằm đáp trả việc tịch thu tài sản của Moskva ở nước ngoài.

Phần mở đầu của sắc lệnh, được công bố và có hiệu lực kể từ ngày 25/4, nêu lý do nhà lãnh đạo Nga thông qua văn kiện này là bởi “cần phải thực hiện các biện pháp khẩn cấp” để đáp trả những hành động của Mỹ và các quốc gia khác liên quan việc tịch thu tài sản của Nga, cũng như của các công ty và công dân quốc gia này.

[Moskva cảnh báo đáp trả nếu EU quyết định tịch thu tài sản phong tỏa]

Theo nội dung sắc lệnh, chính phủ sẽ đưa các tài sản ở Nga và những loại tài sản - bao gồm chứng khoán, cổ phần trong vốn điều lệ của các công ty Nga - của các thực thể thuộc những quốc gia “không thân thiện” vào diện quản lý hành chính tạm thời, đề phòng trường hợp xảy ra những động thái “thiếu thiện chí” hoặc phòng trường hợp xuất hiện “mối đe dọa đối với an ninh quốc gia, kinh tế, năng lượng và các loại hình an ninh khác” cũng như năng lực quốc phòng.

Cơ quan Quản lý tài sản Nhà nước Liên bang Nga (Rosimushchestvo) sẽ là đơn vị quản lý hành chính mặc định, chịu trách nhiệm thực hiện các nghĩa vụ của chủ sở hữu tài sản, “ngoại trừ quyền loại bỏ tài sản."

Cũng theo sắc lệnh mới, các chi phí, liên quan đến công tác quản lý hành chính đối với tài sản, sẽ được chi trả bằng thu nhập từ hoạt động sử dụng tài sản đó. Diện quản lý hành chính có thể bị chấm dứt theo quyết định của Tổng thống Nga.

Sắc lệnh cũng đính kèm một danh sách các tài sản do bên ngoài quản lý - thường gồm 3 mục liên quan đến cổ phần của các cổ đông nước ngoài trong công ty phân phối điện Unipro (thuộc sở hữu của Uniper SE có trụ sở tại Đức) và công ty năng lượng Fortum.

Rosimushchestvo được cấp quyền quản lý tạm thời 83,73% cổ phần của Unipro (thuộc sở hữu của Uniper SE có trụ sở tại Đức), 69,8807% cổ phần của Fortum (do Fortum Russia B.V. sở hữu) và 28,3488% cổ phần của Fortum./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục