Nga dựng tượng vinh danh các chiến sỹ tình nguyện quốc tế Việt Nam

Cụm tượng “Các đồng minh - Chiến sỹ Việt Nam” khắc họa hình ảnh các chiến sỹ Việt Nam trong trang phục Hồng quân Liên Xô chốt giữ tại vị trí phòng thủ bảo vệ Moskva và chiến đấu đến hơi thở cuối cùng.

Tượng đài tưởng niệm các chiến sỹ tình nguyện quốc tế Việt Nam tham gia chiến đấu bảo vệ thủ đô Moskva trong Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại (1941-1945). (Ảnh: Duy Trinh/TTXVN)
Tượng đài tưởng niệm các chiến sỹ tình nguyện quốc tế Việt Nam tham gia chiến đấu bảo vệ thủ đô Moskva trong Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại (1941-1945). (Ảnh: Duy Trinh/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Moskva, ngày 12/8 tại công viên “Yêu nước” (Patriot) ở ngoại ô thủ đô Moskva, gần Nhà thờ chính Các Lực lượng Vũ trang Liên bang Nga, Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Bộ Quốc phòng Việt Nam đã tham dự Lễ khánh thành tượng đài tưởng niệm các chiến sỹ tình nguyện quốc tế Việt Nam tham gia chiến đấu bảo vệ thủ đô Moskva trong Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại (1941-1945).

Tham dự sự kiện còn có Thượng tướng Viktor Goremykin, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị Quân sự Các Lực lượng Vũ trang Liên bang Nga; Thượng tướng Alexander Fomin, Thứ trưởng Quốc phòng Liên bang Nga; Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Liên bang Nga Đặng Minh Khôi.

Trong giai đoạn 1926-1930, một số thanh niên Việt Nam yêu nước được đồng chí Nguyễn Ái Quốc (tức Chủ tịch Hồ Chí Minh) giới thiệu đến Moskva học tập.

Khi phátxít Đức tấn công Liên Xô, các đồng chí đã tình nguyện gia nhập Trung đoàn quốc tế thuộc Lữ đoàn đặc nhiệm Bộ binh cơ giới (OMSBON) của Bộ Dân ủy Nội vụ Liên Xô tham gia trận chiến bảo vệ thủ đô Moskva.

Mùa Đông năm 1941-1942, các chiến sỹ tình nguyện quốc tế Việt Nam đã anh dũng chiến đấu bảo vệ Moskva và cùng quân dân Xô viết đánh bật phátxít Đức ra khỏi cửa ngõ Moskva.

Ba đồng chí là Lý Nam Thanh, Lý Anh Tạo, Lý Thúc Chất đã hy sinh tại mặt trận. Năm 1986, Đoàn Chủ tịch Xô viết tối cao Liên Xô đã truy tặng Huân chương, Huy chương cao quý đối với các chiến sỹ này.

Năm 2020, Bộ Quốc phòng Liên bang Nga đề nghị phía Việt Nam phối hợp rà soát, xem xét khả năng cung cấp thêm thông tin về cá nhân và thân nhân của các chiến sỹ tình nguyện quốc tế Việt Nam đã tham gia chiến đấu bảo vệ Moskva trong Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại, để bổ sung vào cơ sở dữ liệu trong Bảo tàng “Con đường ký ức” thuộc Nhà thờ chính Các Lực lượng Vũ trang Liên bang Nga tại Công viên Patriot.

Cùng với đó, thực hiện ý kiến chỉ đạo của thủ trưởng Bộ Quốc phòng về việc Nga đề nghị tham gia ý kiến đối với phác thảo tượng đài các chiến sỹ tình nguyện quốc tế Việt Nam, Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam đã chỉ đạo Cục Tuyên huấn chủ trì nghiên cứu, đề xuất; sau đó báo cáo, đề xuất thủ trưởng Bộ Quốc phòng đồng ý với phác thảo tượng đài do phía Nga chuẩn bị. Đồng thời, các cơ quan, đơn vị cùng địa phương và gia đình các chiến sỹ rà soát, lựa chọn hình ảnh, tư liệu phù hợp để cung cấp cho phía Nga qua kênh ngoại giao.

Cụm tượng gồm 3 bức tượng do nhà điêu khắc Alexey Chebanenko sáng tác, được đặt tên “Các đồng minh - Chiến sỹ Việt Nam,” khắc họa hình ảnh các chiến sỹ Lý Nam Thanh, Lý Anh Tạo, Lý Thúc Chất trong trang phục Hồng quân Liên Xô chốt giữ tại vị trí phòng thủ bảo vệ Moskva và chiến đấu đến hơi thở cuối cùng.

Cũng trong sáng 12/8, tượng đài “Các đồng minh - Du kích Nam Tư” của tác giả Lyudmila Semikopenko và tượng đài “Các đồng minh – Trung đoàn Normandy - Neman” của tác giả Dmitry Klavsuts cũng đã được khánh thành tại khu quần thể.

Phát biểu tại buổi lễ, Đại tướng Phan Văn Giang bày tỏ xúc động khi cùng lãnh đạo Bộ Quốc phòng Liên bang Nga và các đại biểu khánh thành tượng đài; đồng thời nhấn mạnh, Bộ Quốc phòng, Quân đội Nhân dân Việt Nam đánh giá cao và trân trọng cảm ơn Bộ Quốc phòng, Các Lực lượng Vũ trang Liên bang Nga đã xây dựng tượng đài.

Đại tướng Phan Văn Giang nêu rõ tượng đài các chiến sỹ tình nguyện quốc tế Việt Nam ở ngoại ô Moskva, cùng với Đài tưởng niệm các quân nhân Liên Xô/Liên bang Nga-Việt Nam đã hy sinh vì hòa bình và ổn định khu vực tại tỉnh Khánh Hòa vừa là minh chứng của truyền thống lịch sử, vừa là biểu tượng cho những nỗ lực củng cố và làm sâu sắc quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước.

Về phần mình, Thượng tướng Viktor Goremykin nhấn mạnh các chiến sỹ Việt Nam đã tình nguyện tham gia trận chiến bảo vệ Moskva, một trong những trận chiến quan trọng trong Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại, đồng thời tin tưởng các công trình tượng đài sẽ góp phần gìn giữ ký ức lịch sử về Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại, cũng như góp phần tăng cường hợp tác và thắt chặt tình hữu nghị giữa hai nước.

Tại buổi lễ, Đại tướng Phan Văn Giang đã thăm hỏi, động viên bà Lê Thị Phượng, con gái một trong những chiến sỹ tham gia bảo vệ Moskva là Lý Phú San (Lê Phan Chăn), hiện đang sinh sống tại Moskva.

Đại tướng Phan Văn Giang đã tặng bà Lê Thị Phượng lá cờ Tổ quốc với mong muốn gia đình luôn luôn hướng về quê hương, tổ quốc và hy vọng bà và gia đình sẽ sớm về thăm quê hương Việt Nam./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục