Nga được lợi nhất trong cuộc xung đột Ấn Độ-Trung Quốc?

Những thách thức luôn đến cùng cơ hội, và Nga chính là quốc gia có thể trở thành “người chiến thắng,” cả về địa chính trị và kinh tế, trong bối cảnh đối đầu Trung-Ấn.
Nga được lợi nhất trong cuộc xung đột Ấn Độ-Trung Quốc? ảnh 1Khu vực biên giới Trung Quốc-Ấn Độ. (Nguồn: Getty Images)

Theo trang mạng eurasiareview.com, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng leo thang căng thẳng giữa Ấn Độ và Trung Quốc tại khu vực biên giới tranh chấp từ những năm 1960, song giới chuyên gia đã nhấn mạnh tới 2 lý do chính.

Trước hết là việc Ấn Độ xây dựng tuyến đường dài 224km đi qua Thung lũng Galwan, trong khi Trung Quốc đang bắt đầu đổ hàng tỷ USD vào dự án trọng điểm Hành lang Kinh tế Trung Quốc-Pakistan.

Hiện Ladakh đang do chính quyền Ấn Độ kiểm soát, song đây là vùng lãnh thổ tranh chấp từ lâu giữa hai nước. Vì những mâu thuẫn này, Trung Quốc coi hoạt động xây dựng dọc Thung lũng Galwan là mối đe dọa đối với lợi ích chiến lược của họ trong khu vực.

Thứ hai, vào tháng 8/2019, Ấn Độ đã hủy Điều 370 Hiến pháp, theo đó xóa bỏ tình trạng tranh chấp tại Jammu và Kashmir, bao gồm cả các vùng lãnh thổ lân cận như Ladakh và Aksai Chin. Bắc Kinh cho rằng Aksai Chin thuộc lãnh thổ Trung Quốc, và hiện Bắc Kinh cũng đang nắm quyền kiểm soát khu vực này, vì vậy, việc Ấn Độ xây dựng đường sá tại đây rõ ràng đã "đụng chạm" tới Trung Quốc.

Nhìn vào tầm cỡ của các bên đối địch, cụ thể là Ấn Độ và Trung Quốc, rõ ràng những cường quốc như Mỹ và các nước Liên minh châu Âu (EU) đã tránh có những bình luận hoặc thể hiện rõ lập trường ủng hộ bên nào, nhằm hạn chế tối đa nguy cơ gây tổn hại quan hệ.

[Thế bấp bênh của tam giác chiến lược Nga-Trung Quốc-Ấn Độ]

Tuy nhiên, đối với Nga, đối đầu Trung-Ấn đem lại không ít cơ hội cả về địa chính trị và kinh tế. Trong những tuần đầu tiên sau khi xung đột Ấn-Trung bùng phát, Nga tỏ ra thận trọng trong các phát biểu, song đã thẳng thắn đề xuất làm trung gian hòa giải.

Đầu tháng 6 vừa qua, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Liên bang Nga Konstantin Kosachev đã tuyên bố: “Chúng tôi hiểu vấn đề chủ quyền của Ấn Độ, hiểu vấn đề chủ quyền của Trung Quốc. Nga không nên can dự vào những tranh cãi này. Sứ mệnh của Nga là trở thành nhân tố trung gian trung thực nhất để đóng góp cho tiến trình đối thoại để ngăn ngừa và tránh mọi giải pháp liên quan đến vũ lực.”

Về mặt lịch sử, Nga và Ấn Độ có mối quan hệ song phương dựa trên lòng tin và những hỗ trợ xuyên suốt, chẳng hạn như trong chiến tranh năm 1971, chiến tranh Pakistan, hay việc Nga dùng quyền phủ quyết tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc để ủng hộ Ấn Độ trong vấn đề Kashmir cũng như hậu thuẫn Ấn Độ giành ghế thành viên thường trực tại Hội đồng Bảo an.

Trong bối cảnh đó, Nga khó có thể "khoanh tay đứng nhìn" Trung Quốc và Ấn Độ mắc kẹt trong một cuộc xung đột quân sự tiềm ẩn nguy cơ hủy hoại Trung Á, và thậm chí còn có thể ảnh hưởng tiêu cực tới ý tưởng xây dựng Đối tác Đại Á-Âu (GEP).

Những lo ngại của Nga đã thúc đẩy Moskva đóng vai trò trung gian giữa Ấn Độ và Trung Quốc, tránh đứng về một bên cụ thể, điều có thể hủy hoại các lợi ích địa chính trị và kinh tế của Nga trong khu vực.

Những thách thức luôn đến cùng cơ hội, và Nga chính là quốc gia có thể trở thành “người chiến thắng,” cả về địa chính trị và kinh tế, trong bối cảnh đối đầu Trung-Ấn.

Từ khi sáp nhập bán đảo Crimea và dùng quyền phủ quyết để phản đối hàng loạt nghị quyết của các cường quốc phương Tây trong cuộc khủng hoảng Syria, phương Tây đã tìm cách cô lập Nga trên đấu trường quốc tế.

Hiện Nga đang giữ ghế Chủ tịch cơ chế ba bên Nga-Ấn Độ-Trung Quốc (RIC) cũng như vai trò lãnh đạo khối BRICS và Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO).

Nga đã tận dụng một cách chiến lược các nền tảng để khẳng định vị thế cường quốc của mình. Trong vài năm trở lại đây, Nga ngày càng xích lại gần Trung Quốc do các lệnh trừng phạt của phương Tây.

Trung Quốc cũng ủng hộ các cuộc phiêu lưu chiến lược của Nga tại Trung Đông và châu Á, một thực tế có khả năng dẫn tới mối quan hệ đối tác an ninh mới giữa hai nước. Trên thực tế, cách Moskva tiếp cận xung đột Trung-Ấn sẽ càng thúc đẩy sự tự tin vào mối quan hệ Nga-Trung.

Trong bối cảnh hiện nay, Nga cũng có thể đảm bảo các lợi ích tài chính với bằng chứng là việc Ấn Độ đã nhanh chóng tìm đến Nga sau vụ đụng độ ngày 15/6 để xúc tiến một loạt thỏa thuận về nhập khẩu khí tài quân sự từ Nga.

Trong giai đoạn 2018-2019, Ấn Độ đã nhập khẩu khoảng 14,5 tỷ USD thiết bị quân sự từ Nga, trong đó có thỏa thuận mua hệ thống phòng không tên lửa trị giá 5 tỷ USD.

Căng thẳng Trung-Ấn đã phần nào giảm bớt, song cơ chế phi quân sự vùng biên giới dọc Đường Kiểm soát Thực tế (LAC) - phân chia Ấn Độ và Trung Quốc - sẽ đối mặt nhiều thách thức.

Tuy nhiên, điều mà người ta thấy rõ sau những ồn ào này chính là việc Nga một lần nữa lại chứng minh vai trò then chốt trong các vấn đề châu Á, và là một cường quốc có ảnh hưởng lớn trong khu vực, bên cạnh Ấn Độ và Trung Quốc.

Dù đối diện với lực cản mạnh mẽ dọc biên giới phía Tây, Nga đang tự tin ở Trung và Nam Á hơn bao giờ hết. Nga chắc chắn sẽ không bao giờ cam chịu đóng vai trò thứ yếu trên đấu trường quốc tế, và chắc chắn những gì Moskva đóng góp trong việc xử lý cuộc đối đầu Ấn-Trung mới chỉ là khởi đầu./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục