Nga lo ngại sự bất ổn ở khu vực Bắc Cực do "thiếu hợp tác"

Quan chức Nga ngày 6/4 cho biết: “Các đối tác phương Tây của chúng tôi đã tạo ra những hành động không thân thiện từ một phía trong Hội đồng Bắc Cực. Những động thái như vậy gây bất ổn ở Bắc Cực.”
Nga lo ngại sự bất ổn ở khu vực Bắc Cực do "thiếu hợp tác" ảnh 1Đường ống dẫn khí đốt thuộc mỏ khí Bovanenkovo, được phát triển bởi Tập đoàn năng lượng Nga Gazprom, tại bán đảo Yamal ở Bắc Cực. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Bộ trưởng Phát triển Viễn Đông và Bắc Cực của Nga Aleksey Chekunkov ngày 6/4 cảnh báo sự thiếu hợp tác giữa phương Tây và nước này đang gây bất ổn cho khu vực Bắc Cực.

Đài RT dẫn lời Bộ trưởng Aleksey Chekunkov cho biết: “Các đối tác phương Tây của chúng tôi đã tạo ra những hành động không thân thiện từ một phía trong Hội đồng Bắc Cực. Những động thái như vậy gây bất ổn ở Bắc Cực.”

Hội đồng Bắc Cực là một cơ quan liên chính phủ, giải quyết các vấn đề liên quan đến khu vực và người dân bản địa. Nga đang giữ chức Chủ tịch luân phiên của Hội đồng khi căng thẳng leo thang dẫn đến xung đột bùng nổ ở Ukraine hồi cuối tháng 2/2022.

Bảy nước thành viên khác trong Hội đồng Bắc Cực sau đó đã dừng mọi liên lạc với Nga, đóng băng khoảng một nửa trong số 130 dự án chung đang được tiến hành.

[Nga đẩy mạnh phát triển "có hệ thống" tuyến đường biển phương Bắc]

Ông Chekunkov nhấn mạnh: “Chúng ta có thể làm được điều gì đó ở Bắc Cực dựa trên những nỗ lực chung. Nếu một nửa Bắc Cực sống theo các quy tắc của Nga và một nửa còn lại tuân theo các quy định khác, thì tình hình như vậy sẽ dẫn đến sự hỗn loạn.”

Bắc Cực là khu vực rất giàu tài nguyên thiên nhiên khi có những mỏ kim loại quý và chứa khoảng 1/3 trữ lượng khí đốt và 1/4 trữ lượng dầu mỏ toàn cầu với tổng giá trị hơn 30.000 tỷ USD.

Có hai tuyến đường biển xuyên đại dương chạy qua khu vực này: Phương Bắc (NSR) và Hành lang Tây-Bắc (NWP) kết nối thông thương giữa Đại Tây Dương và Thái Bình Dương.

Với tốc độ băng tan hiện nay, đến cuối thế kỷ này, Bắc Cực sẽ gần như không còn băng. Điều này đồng nghĩa với việc tàu chở hàng có thể hoạt động trên các tuyến NSR và NWP quanh năm mà không bị gián đoạn.

Những năm gần đây, nhiều nước nằm xa Bắc Cực như Ấn Độ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản… cũng đặc biệt quan tâm vùng đất có ý nghĩa chiến lược này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục