Ngày 18/4, Nga đã ngụ ý thông báo về khả năng sẽ cắt giảm lãi suất và chi tiêu ngân sách mạnh tay hơn để giúp nền kinh tế thích ứng với các lệnh trừng phạt của phương Tây, nhân tố đã đẩy nước này tiến tới mức suy thoái sâu nhất kể từ năm 1994.
Nga đang đối mặt với lạm phát tăng vọt và dòng vốn chảy khỏi nước này ngày càng lớn, trong khi vẫn phải “vật lộn” với nguy cơ vỡ nợ sau khi phương Tây áp đặt các biện pháp trừng phạt chưa từng có tiền lệ do việc Nga triển khai chiến dịch đặc biệt ở Ukraine từ ngày 24/2 năm nay.
Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 18/4 nói rằng Nga nên sử dụng ngân sách nhà nước để hỗ trợ nền kinh tế và thanh khoản khi hoạt động cho vay suy yếu. Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo nền kinh tế Nga sẽ suy giảm hơn 11% trong năm nay.
Ngân hàng trung ương Nga đã tăng hơn gấp đôi lãi suất cơ bản, lên 20% vào ngày 28/2, khi làn sóng trừng phạt đầu tiên của phương Tây được triển khai. Sau đó, ngân hàng này đã cắt giảm lãi suất xuống 17% vào ngày 8/4 vừa qua. Dự kiến, Ngân hàng trung ương Nga sẽ hạ lãi suất xuống mức thấp hơn nữa trong cuộc họp hội đồng điều hành sắp tới vào ngày 29/4 tới.
Thống đốc Ngân hàng trung ương Nga Elvira Nabiullina nói: "Chúng tôi phải có khả năng hạ lãi suất cơ bản nhanh hơn nhằm tạo điều kiện để tăng cường khả năng cung cấp tín dụng cho nền kinh tế.”
Cơ quan thống kê Liên bang Nga (Rosstat) ngày 8/4 cho biết tỷ lệ lạm phát tại nước này đã lên đến 16,7% trong tháng Ba so với cùng kỳ năm ngoái, mức cao nhất kể từ năm 2015, trong khi giá thực phẩm thậm chí còn tăng mạnh hơn.
Theo Rosstat, giá cả trong tháng Ba vừa qua, tháng hoàn chỉnh đầu tiên kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch đặc biệt tại Ukraine hồi cuối tháng Hai vừa qua, đã tăng 7,5% so với tháng trước đó.
[Kinh tế Nga nỗ lực chuyển mình để đối phó các lệnh trừng phạt]
Ngân hàng trung ương Nga đã đặt mục tiêu lạm phát 4%, nhưng trong bối cảnh nền kinh tế nước này bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi các lệnh trừng phạt chưa từng có tiền lệ của phương Tây, con số lạm phát thực tế theo năm lại cao hơn gấp bốn lần mức mục tiêu. Các chuyên gia phân tích của ngân hàng đầu tư Renaissance Capital dự đoán lạm phát của Nga sẽ đạt đỉnh ở mức 24% vào mùa hè này.
Theo Rosstat, lạm phát giá thực phẩm, vốn là một mối lo ngại lớn đối với những người Nga có thu nhập thấp, đã lên đến 19,5% trong tháng Ba vừa qua so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, giá các loại mỳ đã tăng 25%, giá bơ tăng 22%, giá đường tăng đến 70% và giá rau quả tăng 35%. Các mặt hàng khác cũng chứng kiến đà tăng giá mạnh là vật liệu xây dựng (32%) và hàng điện tử gia dụng (40%).
Lạm phát tại Nga đang trên đà tăng suốt nhiều tháng qua do nhiều yếu tố, trong đó có sự phục hồi hậu đại dịch và giá nguyên vật liệu cao. Bên cạnh đó, quyết định triển khai chiến dịch đặc biệt tại Ukraine đã dẫn đến các lệnh trừng phạt đối với nước này và những khó khăn kéo theo về mặt logistics.
Tình hình này đã làm suy yếu sức mua của người dân Nga và là một vấn đề lớn gây đau đầu cho giới chức nước này, khi những biện pháp để nỗ lực kiểm soát giá cả của Chính phủ Nga đã gây hiệu ứng ngược đối với nhiều mặt hàng như đường.
Mặc dù lạm phát ở Nga đã tăng lên mức cao nhất kể từ đầu năm 2002, nhưng ngân hàng trung ương nước này tuyên bố "sẽ không cố gắng hạ thấp lạm phát bằng bất kỳ cách nào, bởi điều này sẽ hạn chế tính thích nghi của hoạt động kinh doanh.”
Việc lạm phát tăng đột biến hiện nay là do nguồn cung thấp, nhu cầu yếu và ngân hàng trung ương đặt mục tiêu đưa lạm phát về mức mục tiêu 4% vào năm 2024, khi nền kinh tế thích ứng với các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Bà Nabiullina cho biết: “Thời gian mà nền kinh tế Nga có thể sống bằng nguồn tài chính dự trữ là hữu hạn.” Bà cũng cho hay Nga đã lên kế hoạch thực hiện các hành động pháp lý đối với việc phong tỏa vàng, ngoại hối và tài sản thuộc về người dân Nga, đồng thời nói thêm rằng bước đi như vậy sẽ cần phải được cân nhắc thận trọng.
Các lệnh trừng phạt của phương Tây đã “đóng băng” khoảng 300 tỷ USD trong số khoảng 640 tỷ USD mà Nga có trong kho dự trữ vàng và ngoại hối, ngay khi nước này triển khai chiến dịch đặc biệt tại Ukraine.
Tổng thống Putin mới đây đã kêu gọi đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang nội tệ trong hoạt động ngoại thương, thay vì đồng USD và euro, theo các điều kiện mới.
Bà Nabiullina nói: "Các lệnh trừng phạt chủ yếu ảnh hưởng đến thị trường tài chính, nhưng bây giờ chúng sẽ bắt đầu ngày càng ảnh hưởng lớn hơn đến nền kinh tế. Các hạn chế hiện chủ yếu tác động tới nhập khẩu và hậu cần ngoại thương và trong tương lai có thể sẽ có các hạn chế đối với xuất khẩu." Bà nhấn mạnh các doanh nghiệp Nga sẽ cần phải thích ứng với tình hình này, các nhà xuất khẩu sẽ cần tìm kiếm các đối tác mới, các thỏa thuận logistics và tất cả những điều này sẽ mất nhiều thời gian.
Vào tháng Hai vừa qua, Nga đã ra lệnh cho các công ty xuất khẩu, bao gồm một số nhà sản xuất năng lượng lớn nhất thế giới từ Gazprom đến Rosneft, bán 80% doanh thu ngoại hối của họ trên thị trường do khả năng can thiệp vào thị trường tiền tệ của ngân hàng trung ương bị hạn chế.
Nabiullina cho biết Ngân hàng trung ương Nga có thể giảm bớt các điều khoản về thời gian và khối lượng giao dịch bắt buộc. Các nhà phân tích của Promsvyazbank cho rằng các bình luận của bà Nabiullina đã "trực tiếp hoặc gián tiếp ngăn chặn đồng ruble tăng giá."
Tuy vậy, đồng tiền của Nga đã nới rộng đà tăng vào ngày 18/4, đạt mức 81,4025 ruble/euro, cao nhất kể từ ngày 8/4 vừa qua, được hỗ trợ bởi các khoản thanh toán thuế sắp tới, thúc đẩy các công ty tập trung vào xuất khẩu chuyển đổi doanh thu ngoại hối sang đồng ruble để giải quyết các khoản nợ.
Trước đó, người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 15/4 vừa qua cho biết Nga muốn mở rộng sử dụng đồng ruble trong thanh toán các mặt hàng xuất khẩu của nước này ngoài khí đốt, tuy nhiên chưa xác định thời hạn để thực hiện việc này.
Theo ông Peskov, hiện còn quá sớm để đưa ra thời hạn và các chi tiết cụ thể liên quan vấn đề trên vì đây là công việc khá phức tạp. Tuy nhiên, ông Peskov nêu rõ Tổng thống Putin đã đề ra phương châm mở rộng từng bước và có hệ thống phạm vi sử dụng các đồng tiền quốc gia trong thương mại. Theo đó, cách tiếp cận này sẽ được đẩy mạnh đối với tất cả các loại hàng hóa.
Trước đó, Tổng thống Putin tuyên bố Nga dự kiến gia tăng đáng kể tỷ lệ thanh toán bằng các đồng tiền quốc gia trong thương mại với nước ngoài. Theo ông, các bước đi quan trọng trong hướng này đang được thực hiện và nhiệm vụ then chốt là chuẩn bị thị trường tiền tệ trong nước đáp ứng sự chuyển đổi này để mọi đồng tiền nước ngoài có thể tự do trao đổi với đồng ruble của Nga.
Tổng thống Putin nhấn mạnh việc từ bỏ các đồng tiền và các hệ thống pháp lý không đáng tin cậy là nhiệm vụ chiến lược để đảm bảo an ninh tài chính và kinh tế của đất nước./.