Nga-Mỹ thỏa thuận giải pháp trao đổi gián điệp

Nga và Mỹ đang cân nhắc giải pháp trao đổi gián điệp nhằm giải quyết vụ "bê bối gián điệp," trong bối cảnh quan hệ hai nước ấm lên.
Nga và Mỹ dường như đang cân nhắc một giải pháp trao đổi gián điệp nhằm giải quyết ổn thỏa vụ "bê bối gián điệp," trong bối cảnh quan hệ song phương đang ấm lên.

Các quan chức của cả hai phía ngày 7/7 đều từ chối xác nhận về một thỏa thuận trao đổi gián điệp, trong bối cảnh các thẩm phán liên bang của Mỹ chưa chính thức đưa ra lời buộc tội chống lại nhóm người bị phía Mỹ bắt giữ với cáo buộc làm gián điệp cho Nga.

Tuy nhiên, một luật sư của Nga liên quan đến vụ việc này cho biết việc trao đổi gián điệp đã được đưa ra thảo luận và một quan chức của Mỹ tiết lộ Washington có thể cho phép những người bị tình nghi là gián điệp thú tội và sau đó chuyển họ cho phía Nga để đổi lại việc phóng thích một số tù nhân đang bị Nga giam giữ.

Một quan chức yêu cầu giấu tên nói với phóng viên Reuters rằng "đây là hoạt động rất bình thường và việc này đã được thực hiện nhiều lần rồi."

Trong một diễn biến có liên quan, ngày 7/7, một luật sư Nga cho biết chính quyền Mátxcơva có kế hoạch trả tự do cho ông Igor Sutyagin, chuyên gia về hạt nhân bị kết án 15 năm tù với tội danh làm gián điệp cho Mỹ năm 2004. Luật sư bảo vệ quyền lợi cho ông Sutyagin, bà Anna Stavitskaya, cho biết thân chủ của bà đã báo cho người thân rằng ông này sắp được trả tự do trong khuôn khổ thỏa thuận trao đổi gián điệp Mỹ-Nga.

Cũng theo luật sư trên, việc trả tự do cho ông Sutyagin được thực hiện trong khuôn khổ trao đổi gián điệp, mỗi phía 11 người, giữa Nga và Mỹ. Hiệp hội bảo vệ các nhà khoa học Nga bị giam giữ đã xác nhận thông tin trên là đúng. Theo hiệp hội này, ông Sutyagin đã rời khỏi nhà tù ở phía Bắc nước Nga, đến Mátxcơva để chuẩn bị lên máy bay sang London ngày 8/7.

Trước đó, trong một cáo trạng liên bang Mỹ được công bố ngày 7/7, mười một nghi phạm bị cáo buộc làm gián điệp cho Nga đã chính thức bị buộc tội. Theo đó, tất cả các bị cáo đều bị buộc tội âm mưu hoạt động gián điệp và 9 người trong số đó bị buộc tội âm mưu rửa tiền. Các thẩm phán ở Boston và Alexandria thuộc bang Virginia đã ký lệnh chuyển năm bị cáo bị bắt tại Massachusetts và Virginia đến New York. Tháng trước, 10 người đã bị bắt tại Mỹ vì bị tình nghi làm gián điệp cho Nga; người thứ 11 bị giam giữ ở Síp, nhưng đã biến mất sau khi được bảo lãnh tại ngoại.

Các nhà phân tích cho rằng việc các bị cáo nhanh chóng thú tội có thể giúp tránh được việc bị giam giữ kéo dài do giới chức hai nước lo ngại vụ việc này có thể làm gián đoạn sự cải thiện quan hệ Nga-Mỹ. Trong đó, hai nước đang hợp tác trên nhiều vấn đề như Mỹ giúp thúc đẩy quá trình đàm phán gia nhập Tổ chức thương mại thế giới của Nga, giải quyết chương trình hạt nhân của Iran và nhiều vấn đề khác./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục