Ngăn chặn xâm nhập tà đạo: Việt Nam tôn trọng, bảo đảm tự do tôn giáo

Với quốc gia đa dân tộc, đa tôn giáo, các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo diễn ra sôi động trên khắp cả nước, tạo nên sự đa dạng trong đời sống tâm linh liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo người Việt.
Ngăn chặn xâm nhập tà đạo: Việt Nam tôn trọng, bảo đảm tự do tôn giáo ảnh 1Nhà thờ Con gà, thành phố Đà Lạt được trang hoàng rực rỡ trong đêm Giáng sinh. (Ảnh: Nguyễn Dũng/TTXVN)

Cùng với quá trình đổi mới của đất nước, đời sống tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam đã có nhiều thay đổi theo hướng ngày một tự do, tiến bộ hơn. Nhiều hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo diễn ra sôi động và quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo ngày càng được đảm bảo tốt hơn, được cộng đồng quốc tế thừa nhận rộng rãi.

Ở Việt Nam, 16 tôn giáo được Nhà nước công nhận, gồm Phật giáo, Công giáo, Tin lành, Cao đài, Phật giáo Hòa Hảo, Hồi giáo, Tôn giáo Baha’I, Tịnh độ Cư sỹ Phật hội, Cơ đốc Phục lâm, Phật giáo Tứ Ân Hiếu nghĩa, Minh Sư đạo, Minh lý đạo-Tam Tông Miếu, Bàlamôn giáo, Mặc môn, Phật giáo Hiếu Nghĩa Tà Lơn và Bửu Sơn Kỳ Hương; với 43 tổ chức tôn giáo, hơn 26,5 triệu người theo các tôn giáo, chiếm 28% dân số cả nước cùng hàng vạn cơ sở tín ngưỡng, thờ tự.

Không chỉ là quốc gia đa tôn giáo, Việt Nam còn là quốc gia đa dân tộc với 54 dân tộc cùng sinh sống và đồng bào các dân tộc thiểu số là một bộ phận quan trọng của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Với quan điểm nhất quán, mọi đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đều hướng vào phục vụ các tầng lớp nhân dân nên quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của các dân tộc thiểu số được Đảng, Nhà nước bảo đảm như các dân tộc khác.

Với quốc gia đa dân tộc, đa tôn giáo như vậy, các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo diễn ra sôi động trên khắp cả nước, tạo nên sự đa dạng trong đời sống tâm linh liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo của người Việt. Nhiều hoạt động, sinh hoạt tôn giáo lớn được tổ chức trang trọng, thu hút hàng trăm nghìn lượt người tham dự.

Các tổ chức tôn giáo được phép thành lập trường đào tạo, mở lớp bồi dưỡng những người chuyên hoạt động tôn giáo để đáp ứng nhu cầu của tôn giáo. Hiện nay, cả nước có 63 cơ sở đào tạo tôn giáo gồm Phật giáo, Công giáo, Tin lành, Cao Đài và Phật giáo Hòa Hảo với gần 2 vạn học viên đăng ký theo học các khóa đào tạo tôn giáo mỗi năm. Năm 2020 có khoảng 230 cơ sở thờ tự được xây mới, 308 cơ sở thờ tự được nâng cấp, sửa chữa.

[Ngăn chặn sự xâm nhập của tà đạo: Tìm lại bình yên cho các bản, làng]

Giai đoạn từ năm 2017 đến năm 2020 có ba tổ chức được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo là Hội thánh Tin lành Liên hiệp truyền giáo Việt Nam, Hội thánh Phúc âm Toàn vẹn Việt Nam, Giáo hội các Thánh hữu ngày sau của Chúa Giêsu Kito Việt Nam; một tổ chức được công nhận pháp nhân tôn giáo là Giáo hội Phúc âm Ngũ tuần Việt Nam.

Những năm gần đây, đặc biệt sau khi triển khai Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, hoạt động quan hệ quốc tế của các tổ chức, cá nhân tôn giáo diễn ra hết sức sôi nổi, phong phú về cấp độ, số lượng và phạm vi hoạt động. Nhiều hoạt động quốc tế lớn như Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc VESAK 2019, Tổng hội dòng Đa Minh thế giới… đã được các tổ chức tôn giáo ở Việt Nam đăng cai và tổ chức thành công tại Việt Nam. Nhiều tổ chức, cá nhân tôn giáo đi nước ngoài để tham dự các khóa đào tạo về tôn giáo, hội nghị, hội thảo, giao lưu hợp tác với hơn 300 đoàn hoạt động, hợp tác tôn giáo ra vào Việt Nam.

Hoạt động tôn giáo của tổ chức, cá nhân người nước ngoài vào Việt Nam cũng được tạo điều kiện thuận lợi như việc đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung, mời chức sắc nước ngoài hoặc chức sắc Việt Nam giảng đạo, cho phép nhập khẩu văn hóa phẩm tôn giáo từ nước ngoài vào Việt Nam…

Đặc biệt, những điểm mới trong Luật Tín ngưỡng, tôn giáo đã khiến thủ tục hành chính được cải cách, đơn giản hóa nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo của các tổ chức, cá nhân tôn giáo như thời gian hoạt động để được công nhận của tổ chức tôn giáo giảm từ 23 năm xuống còn 5 năm.

Năm 2020 đã giải quyết trên môi trường mạng 43 thủ tục đăng ký, công nhận tổ chức tín ngưỡng, tôn giáo, 18 thủ tục hành chính qua dịch vụ công trực tuyến và được theo dõi trên Trang thông tin điện tử của Ban Tôn giáo Chính phủ. Đây là minh chứng việc Nhà nước Việt Nam luôn tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo có yếu tố nước ngoài.

Tại cuộc họp báo thường kỳ mới đây của Bộ Ngoại giao, Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Đoàn Khắc Việt đã khẳng định với báo giới trong nước và quốc tế: Chính sách nhất quán của Việt Nam là bảo vệ và thúc đẩy các quyền con người, tôn trọng và đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân.

Những điều này đều được quy định rõ ràng trong Hiến pháp, pháp luật Việt Nam và được đảm bảo tôn trọng trên thực tế. Hiện nay, ước tính 95% dân số Việt Nam có đời sống tín ngưỡng, tôn giáo, trong đó trên 25 triệu người theo các tôn giáo khác nhau, chiếm khoảng 27% dân số; riêng công giáo có trên 7 triệu người, Tin lành có trên 1 triệu tín hữu.

Nhà nước Việt Nam tạo điều kiện thuận lợi cho các cá nhân, tổ chức tôn giáo tiến hành giao lưu, hợp tác quốc tế. Thực tiễn đời sống tôn giáo, tín ngưỡng ở Việt Nam hết sức phong phú và sinh động. Những nỗ lực và thành tựu của Việt Nam về đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo cho người dân, được cộng đồng quốc tế thừa nhận rộng rãi.

Ngăn chặn xâm nhập tà đạo: Việt Nam tôn trọng, bảo đảm tự do tôn giáo ảnh 2Nhà thờ Tin Lành Plei Mơ Nú có diện tích 610m2 được đưa vào sử dụng từ năm 2017. (Ảnh: Nhật Anh/TTXVN)

Tại Việt Nam, các hành vi lợi dụng quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng để vi phạm pháp luật đều bị xử lý theo pháp luật, Phó Phát ngôn viên Đoàn Khắc Việt nhấn mạnh. Đây hoàn toàn là sự thực và là khẳng định mạnh mẽ nhất của Việt Nam trong bảo vệ quyền con người, trong đó có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Lịch sử đã chứng minh, trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và quyền tự do không tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người. Các quyền này được ghi nhận trong Hiến pháp 2013, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 và Nghị định số 162/2017/NĐ-CP của Chính phủ, đã tạo khuôn khổ pháp lý vững chắc cho việc bảo đảm tốt hơn quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.

Trong Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về các văn kiện trình Đại hội XIII, Đảng tiếp tục nhấn mạnh: “Tập trung hoàn thiện và triển khai thực hiện tốt các chính sách dân tộc, tôn giáo; có những chính sách đặc thù giải quyết khó khăn cho đồng bào dân tộc thiểu số; thực hiện tốt đoàn kết tôn giáo, đại đoàn kết toàn dân tộc. Nghiêm trị mọi âm mưu, hành động chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, cản trở sự phát triển của đất nước.”

Đảng Cộng sản Việt Nam nêu rõ: “Phát huy các nhân tố tích cực, nhân văn trong các tôn giáo, tín ngưỡng. Phê phán và ngăn chặn các biểu hiện tiêu cực, mê tín, dị đoan.” Đảng cũng khẳng định: “Vận động, đoàn kết, tập hợp các tổ chức tôn giáo, chức sắc, tín đồ sống “tốt đời, đẹp đạo,” đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bảo đảm cho các tổ chức tôn giáo hoạt động theo quy định của pháp luật và hiến chương, điều lệ được Nhà nước công nhận.

Phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và các nguồn lực của các tôn giáo cho sự phát triển đất nước. Kiên quyết đấu tranh và xử lý nghiêm minh những đối tượng lợi dụng tôn giáo chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa; chia rẽ, phá hoại đoàn kết tôn giáo và khối đại đoàn kết toàn dân tộc.”

Trong Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030, Đảng Cộng sản Việt Nam xác định: “Thực hiện tốt mục tiêu đoàn kết tôn giáo, đại đoàn kết toàn dân tộc. Bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người theo quy định của pháp luật. Phát huy giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của tôn giáo vào giữ gìn và nâng cao đạo đức truyền thống xã hội, xây dựng đời sống văn hóa ở các khu dân cư, góp phần ngăn chặn các tệ nạn xã hội.”

Có thể thấy, đây chính là những bằng chứng thực tiễn sinh động về sự tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Nhà nước Việt Nam. Thực tiễn đó một lần nữa khẳng định, Việt Nam là quốc gia đa dân tộc với 54 dân tộc cùng chung sống đại đoàn kết trên dải đất hình chữ S. Mỗi dân tộc đều có tín ngưỡng riêng của mình nhưng không hề có những xung đột và kỳ thị lẫn nhau. Sự hòa quyện về văn hóa cũng như những sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng, tập tục, ngôn ngữ được thể hiện rõ nét trong sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và trong sự nghiệp đấu tranh kiên cường bảo vệ độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ.

Với những âm mưu mượn danh tôn giáo để thực hiện những hành vi gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, tập hợp lực lượng để đối lập với Đảng, Nhà nước, khuấy động tư tưởng dân tộc hẹp hòi, phá hoại sự thống nhất toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, muốn nhắc tới bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi tới Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam tại Pleiku-Gia Lai hồi 75 năm trước, vào ngày 19/4/1946.

Bức thư ngắn, kết tinh bao điều đặc sắc về đường lối, chủ trương, chính sách dân tộc mà Người đã nêu ra, đã được Người cùng Đảng, Nhà nước và đồng bào ta ra sức thực hiện suốt thời gian qua: “Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Êđê, Xê Đăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau. Giang sơn và Chính phủ là giang sơn và Chính phủ chung của chúng ta. Vậy nên tất cả dân tộc chúng ta phải đoàn kết chặt chẽ để giữ gìn nước non Việt Nam, để ủng hộ Chính phủ ta. Chúng ta phải thương yêu nhau, phải kính trọng nhau, phải giúp đỡ nhau để mưu hạnh phúc chung của chúng ta và con cháu chúng ta”./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục