Ngày 28/7, Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) - ông Lê Hoài Nam cho biết sau khi Luật Bảo vệ Môi trường được ban hành, trên cơ sở Kế hoạch bảo vệ môi trường không khí quốc gia được Chính phủ phê duyệt, cơ quan này đang triển khai nhiều biện pháp cấp bách để cải thiện môi trường.
Tuy vậy, để giải quyết hiệu quả vấn đề ô nhiễm không khí hiện nay, việc quan trọng là cần có “cái bắt tay trách nhiệm” cũng như nỗ lực và hành động đồng bộ từ nhiều ngành liên quan, đặc biệt là giao thông, xây dựng…
Nhận diện khó khăn, thách thức
Chia sẻ cụ thể tại Tọa đàm “Quản lý Chất lượng không khí: Công cụ tổng thể kiểm soát giảm thiểu ô nhiễm” do Báo Tiền Phong phối hợp với Trung tâm Truyền thông Tài nguyên và Môi trường, tổ chức sáng nay, ông Nam cho rằng vấn đề quản lý chất lượng không khí hiện đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.
Lý do khó khăn, theo ông Nam là bởi vấn đề ô nhiễm không khí chủ yếu xuất phát từ các ngành dịch vụ, công nghiệp, giao thông, xây dựng, nông nghiệp…
Cũng theo ông Nam, Việt Nam là nước đang phát triển và mục tiêu hiện tại vẫn là trở thành đất nước công nghiệp.
“Từ thực tế đó, rõ ràng là các nguồn phát thải nói chung và ô nhiễm không khí nói riêng theo đà tăng lên. Đó cũng là lý do mà công tác quản lý chất lượng không khí cũng khó khăn theo,” ông Nam phân tích.
[Những việc cần làm ngay để ‘đánh thức’ tiềm năng Đồng bằng sông Hồng]
Mặt khác, theo Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường, Việt Nam vẫn đang “tiếp nhận” các ngành công nghiệp sử dụng nhiều tài nguyên, năng lượng. Trong đó, các ngành sử dụng năng lượng hoá thạch là chủ yếu nên đã dẫn đến phát thải tăng.
Theo ông Nam, để giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí, việc quan trọng là cần có nỗ lực và hành động đồng bộ từ nhiều ngành trong quản lý chất lượng không khí.
“Nếu muốn cải thiện chất lượng không khí, cần có sự hợp tác của các ngành, nếu chỉ một số ngành thì không giải quyết được. Ngoài ra, đây không chỉ là vấn đề ở trung ương, mà còn cần sự góp sức ở địa phương,” ông Nam nhấn mạnh.
Bên cạnh công tác quản lý, kiểm soát tốt chất lượng không khí, nước ta cũng cần phải chuyển đổi sang các ngành công nghiệp thân thiện môi trường, tuy nhiên điều này đòi hỏi nguồn lực, khoa học công nghệ và nhân lực rất lớn. Chưa kể, điều kiện kinh tế của nước ta hiện nay, đầu tư cho bảo vệ môi trường còn hạn chế.
“Với tình hình hiện tại, chúng ta cần có lộ trình xử lý. Đây không phải là câu chuyện ngày một, ngày hai. Ngay như Trung Quốc, họ cũng cần đến hàng chục năm và đầu tư nguồn lực rất lớn cho quá trình cải thiện không khí,” ông Nam nói.
Kiểm soát ô nhiễm không khí thế nào?
Bàn giải pháp cụ thể, ông Lê Hoài Nam cho rằng hiện tại, Việt Nam đã có Luật Bảo vệ Môi trường 2020, Kế hoạch bảo vệ môi trường không khí quốc gia. Tuy nhiên, từng đó thôi chưa đủ, mà cần phải có những giải pháp cụ thể hơn.
Trong đó, việc quan trọng là cần phải xác định được nguyên nhân dẫn tới ô nhiễm không khí; trong đó chủ yếu là do công nghiệp, giao thông, dân sinh…
Ngoài ra, đại diện Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường cũng nhấn mạnh rằng kiểm soát chất lượng không khí không phải câu chuyện của Luật Bảo vệ Môi trường, mà còn là các quy định pháp luật cho những lĩnh vực khác.
Ví dụ về kiểm soát khí thải xe máy, ông Nam cho hay hiện chưa có hành lang pháp lý kiểm soát khí thải xe máy. Do vậy, mặc dù Bộ Tài nguyên và Môi trường muốn giải quyết nhưng vấn đề này còn có liên quan đến Bộ Giao thông Vận tải. Ngoài ra, vấn đề này còn liên quan đến các vấn đề khác về kinh tế, mưu sinh của người dân.
“Về phía Bộ Tài nguyên và Môi trường, chúng tôi đang xây dựng quy chuẩn khí thải xe máy, nhưng cần phải có sự phối hợp với các bộ, ban ngành khác,” ông Nam nói và nhấn mạnh để thực hiện giải pháp quản lý nguồn thải cần phải được quy định từ các luật liên quan.
Giải pháp thứ hai, theo ông Nam là cần đồng bộ hoá về mặt hành động để đạt được các mục tiêu đề ra. Ví dụ có quy định về kiểm soát khí thải ôtô, nhưng nếu không có tiêu chuẩn, quy chuẩn nhiên liệu thì cũng rất khó.
Nhóm giải pháp thứ ba là chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế theo hướng chuyển đổi từ năng lượng hoá thạch sang năng lượng sạch. Ví dụ, Việt Nam có nguồn năng lượng sinh khối dồi dào như vỏ trấu, mụn cưa...
Ngoài ra, để kiểm soát tốt hơn về khí thải từ các nguồn ô nhiễm di động (cụ thể là các phương tiện cơ giới như ôtô, xe máy), Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã ban hành tiêu chuẩn khí thải trên toàn quốc đồng thời đang tiến hành rà soát thực tế để từ đó đưa ra những sửa đổi, bổ sung để trình Chính phủ sửa đổi Nghị định mới.
Về quản lý chất lượng không khí, ông Nam cho biết Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành quy chuẩn về quản lý không khí cấp quốc gia, có hiệu lực từ 1/9/2023.
“Quy chuẩn này đặt tiêu chuẩn cao hơn về chất lượng không khí, đặc biệt tại một số thông số quan trọng như bụi. Chúng tôi mong muốn áp đặt đồng bộ quy chuẩn này để cải thiện không khí trên cả nước,” ông Nam nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đang thực hiện dự án bổ sung 18 trạm quan trắc ở 16 tỉnh trên cả nước để giám sát không khí. Hiện mạng lưới quan trắc quốc gia đang được thực hiện theo hướng bổ sung tăng các trạm quan trắc, tập trung vào các vùng kinh tế trọng điểm, vùng quan trọng trên cả nước.
“Từ dữ liệu quan trắc tại các trạm, chúng tôi sẽ nắm chắc được các thông số và lượng khí thải, phát thải của từng doanh nghiệp. Nếu có sự cố xảy ra, bộ cũng có thể chủ động kiểm soát và khắc phục,” ông Nam nói thêm.
Ngoài các giải pháp trên, tại tọa đàm, các đại biểu tham dự cũng đưa ra một số khuyến nghi cụ thể. Theo đó, để giảm thiểu khí thải cần có sự phối hợp khác nhau giữa các doanh nghiệp, phối hợp giữa người dân và có sự kiểm soát, giám sát của các cơ quan chức năng.
Đặc biệt, các cơ quan chức năng khi đã có kế hoạch hành động thì phải giám sát để đáp úng đúng kế hoạch.
Bên cạnh đó, các địa phương cũng nên đầu tư vào nghiên cứu, vào khoa học để góp phần nâng cao chất lượng không khí đồng thời lôi kéo sự tham gia, giám sát của người dân vào công tác bảo vệ môi trường./.