Ngành công nghệ trở thành 'nạn nhân' lớn của dịch COVID-19

Kể từ giữa tháng 2/2020, những tên tuổi lớn trong ngành công nghệ đã lo lắng về một năm đầy khó khăn, đặc biệt là trong bối cảnh dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đang ngày càng trở nên gay gắt.
Ngành công nghệ trở thành 'nạn nhân' lớn của dịch COVID-19 ảnh 1iPhone cảnh báo rằng các biện pháp ngăn chặn mà Trung Quốc áp dụng sẽ ngăn không cho phép hãng này đạt được mục tiêu doanh số. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Các nhà máy hoạt động cầm chừng, dịch vụ hậu cần bị phá vỡ, hệ thống các cửa hàng đóng cửa, nhu cầu tiêu dùng xuống thấp… Đây là một số hậu quả nhãn tiền mà nhiều quốc gia đang gánh chịu.

Kể từ giữa tháng 2/2020, những tên tuổi lớn trong ngành công nghệ đã lo lắng về một năm khởi đầu đầy khó khăn, đặc biệt là trong bối cảnh dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đang ngày càng trở nên gay gắt.

Lĩnh vực này không phải là lĩnh vực duy nhất bị ảnh hưởng, nhưng là một trong những lĩnh vực có chuỗi cung ứng toàn cầu hóa nhất và phụ thuộc nhiều nhất vào Trung Quốc.

Sau đây là một số "triệu chứng" của một sự khởi đầu năm mới đầy phức tạp trong lĩnh vực công nghệ:

Tình trạng "lây nhiễm"

Apple là trường hợp đầu tiên bị "ho." Vốn rất phụ thuộc vào nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trong chuỗi sản xuất và doanh số của mình, nhà sản xuất iPhone đã cảnh báo vào giữa tháng 2/2020 rằng các biện pháp ngăn chặn mà Trung Quốc áp dụng sẽ ngăn không cho phép hãng này đạt được mục tiêu doanh số.

Những nạn nhân sau đó lần lượt là các đối thủ của Apple. Hãng Microsoft đã cảnh báo rằng doanh số bán máy tính Surface và phần mềm Windows sẽ thấp hơn dự báo. HP, vốn tập trung hơn một nửa số sản phẩm của mình tại Trung Quốc, dự đoán sẽ hứng chịu những "tác động đáng kể."

[IMF: Tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ chậm lại đáng kể do COVID-19]

Tuy nhiên, giống như các đối thủ của mình là Dell, Lenovo và Intel, HP cũng lưu ý rằng sự tiến triển của virus SARS-CoV-2 dường như không thể đoán trước được.

Mọi thứ sẽ phụ thuộc vào những tuần tới ở Trung Quốc - nơi hoạt động đang diễn ra chậm chạp - và mức độ lây lan của virus này ở châu Âu và Mỹ.

Trong bối cảnh hiện nay, rất khó để đánh giá một cách rõ ràng các thị trường công nghệ. Sự hy vọng đang được nuôi dưỡng trong bối cảnh thế hệ mạng 5G chính thức đi vào hoạt động.

Tuy nhiên, thị trường điện thoại thông minh được dự báo sẽ ghi nhận sự sụt giảm khoảng 2,3% trong năm 2020, trái ngược với mức tăng 1,5% trước đây các chuyên gia đã từng hy vọng.

Liên quan đến các loại chip điện tử, dự báo mức tăng trưởng năm 2020 chỉ đạt khoảng 4% so với con số 6% trước đó.

Đối với thị trường máy tính, vốn lần đầu tiên ghi nhận tăng trưởng vào năm 2019 sau nhiều năm thất thủ, năm 2020 được dự báo chứng kiến sự tụt dốc "không phanh." Doanh số bán hàng dự kiến sẽ giảm khoảng 9%.

Khi các "đầu tàu" hụt hơi

Trong khi đó, nhiều đối tác công nghiệp "đầu tàu" đang trong tình trạng "hôn mê."

Foxconn - tập đoàn lắp ráp công nghệ khổng lồ hiện chỉ sản xuất 50% công suất và hy vọng sẽ đạt 80% vào cuối tháng Ba. Rõ ràng, bất cứ điều gì xảy ra, sẽ có sự chậm trễ trong sản xuất. Trong khi đó, Xiaomi cũng không mong đợi sự trở lại sản xuất bình thường trước đầu tháng Tư tới.

Một thực tế là sau khi khởi động lại các nhà máy, các nhà sản xuất công nghiệp đang gặp nhiều khó khăn để đưa công nhân trở lại làm việc do chính những người công nhân lo sợ bị lây nhiễm COVID-19. Và khi một trong số họ bị bệnh, các cơ sở phải được đóng cửa để khử trùng.

Hai hãng sản xuất của LG và Samsung hiện đang trải qua giai đoạn tương tự ở Hàn Quốc, điều có nguy cơ sẽ làm chậm quá trình sản xuất dòng điện thoại thông minh màn hình gập.

Bên cạnh đó, các nhà máy cũng gặp khó khăn trong việc thu thập nguyên liệu thô, ví dụ như nhựa. Cuối cùng, các nhà sản xuất công nghiệp còn gặp khó khăn trong việc điều phối sản xuất.

Hầu hết các chuyến bay chở hàng và khởi hành từ Trung Quốc đã bị đình chỉ, toàn bộ container điện thoại thông minh và máy tính đang nằm chờ ở các bến tàu.

Ở Trung Quốc, người tiêu dùng cũng buộc phải chứng kiến cảnh tượng các cửa hàng đóng cửa.

Từ ngày 24/1-10/2, tất cả các thương hiệu điện tử lớn đã phải đóng cửa theo đơn lệnh của Chính phủ.

Điển hình là hãng Apple đã nhanh chóng đưa ra quyết định đóng cửa 42 đại lý tại Trung Quốc đại lục trước khi dần dần mở lại một phần.

Do dịch COVID-19, ngành công nghệ toàn cầu cũng phần nào bị "lấn át." Sau khi hủy bỏ sự kiện Đại hội Thế giới Di động, cuộc gặp thường niên của ngành viễn thông ở Barcelona, nhiều thương hiệu muốn liên lạc bằng mọi giá thông qua cuộc họp báo trực tuyến phát sóng trong các hội trường lớn trống rỗng. Kể từ đó, các cuộc họp trong ngành công nghệ đã lần lượt bị hủy.

Sau khi hủy bỏ một số sự kiện lớn trong ngành trò chơi điện tử, Hội nghị các nhà phát triển trò chơi điện tử ở San Francisco đã quyết định hoãn hội chợ thế giới này cho ngành công nghiệp trò chơi video.

Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) cũng lùi thời điểm tổ chức một hội nghị chuyên đề về trí tuệ nhân tạo dự kiến được tổ chức tại Paris trong tuần này.

Hiện, Facebook cũng cảnh báo có thể hoãn hội nghị công nghệ dự kiến diễn ra vào tháng Năm tới.

Vì tất cả những diễn biến này, giá trị thị trường chứng khoán của ngành công nghệ đã sụt giảm mạnh kể từ giữa tháng 2/2020.

Trên thị trường Nasdaq, chỉ số NDXT trong lĩnh vực công nghệ đã giảm 14%, xóa đi mức tăng của của lĩnh vực này hồi đầu năm. Chỉ riêng Apple, Microsoft, Google và Facebook đã chứng kiến sự "bốc hơi" giá trị đến 674 tỷ USD.

Những người lạc quan nhất vốn coi đây là một cơ hội để đầu tư đã tự trấn án rằng COVID-19 sẽ chỉ là một cơn "cảm lạnh" lớn tạm thời.

Vậy liệu dịch bệnh này có làm tê liệt chuỗi sản xuất hay gây ra sự không chắc chắn về nhu cầu ngắn hạn, từ đó gây rủi ro cho các giá trị của công nghệ hay không? Câu trả lời rõ ràng là "Có."

Tuy nhiên, liệu COVID-19 có thể ồ ạt phá vỡ hoặc xóa bỏ hàng loạt các xu hướng đầy hứa hẹn trong dài hạn như các công nghệ điện toán đám mây, 5G, xe điện, phát trực tuyến và an ninh mạng trong vài năm tới không? Câu trả lời có thể là "Không"./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục