Ngành đăng kiểm vẫn trong giai đoạn rất khó khăn do thiếu nhân lực

Mặc dù Bộ Giao thông Vận tải và Cục Đăng kiểm đang nỗ lực khôi phục lại hoạt động một số trung tâm đăng kiểm nhằm khẩn trương giải tỏa ách tắc nhưng vẫn gặp vấn đề nan giải là thiếu hụt nhân sự.
Ngành đăng kiểm vẫn trong giai đoạn rất khó khăn do thiếu nhân lực ảnh 1Quang cảnh buổi tọa đàm. (Ảnh: TTXVN phát)

Hiện tại, lĩnh vực đăng kiểm chưa thể nói là vượt qua được giai đoạn khủng hoảng và khó khăn.

Đó là nhận định của ông Nguyễn Tô An, Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam, Bộ Giao thông Vận tải tại buổi tọa đàm “Giải pháp dài hạn để gỡ vướng trong đăng kiểm” do Báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức vào ngày 24/3.

Theo ông Nguyễn Tô An, mặc dù Bộ Giao thông Vận tải và Cục Đăng kiểm Việt Nam đang nỗ lực khôi phục lại hoạt động một số trung tâm đăng kiểm nhằm khẩn trương giải tỏa ách tắc nhưng vẫn gặp vấn đề nan giải là thiếu hụt nhân sự.

[Tạm giữ hình sự một đăng kiểm viên của Trung tâm Đăng kiểm Lai Châu]

Ông Bùi Hòa An, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh cho biết hiện tại, toàn thành phố còn 11/19 trung tâm đăng kiểm hoạt động với 13 chuyền, với công suất hơn 1.400 lượt/ngày.

Trong tháng 4/2023, có 85.000 xe đến hạn đăng kiểm. Như vậy công suất đăng kiểm sẽ không đáp ứng đủ, chưa kể tới lượng đăng kiểm chưa đạt và chưa được đăng kiểm.

Tình trạng quá tải trong lĩnh vực đăng kiểm thời gian qua dẫn đến nhiều thiệt hại cho người dân, doanh nghiệp.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Trang, Giám đốc Hợp tác xã vận tải thương mại dịch vụ du lịch Sen Việt cho biết tắc nghẽn đăng kiểm gây khó khăn cho hoạt động vận tải hành khách.

Do nhu cầu, xe vận tải hành khách du lịch và đưa đón học sinh, doanh nghiệp đã sửa từ cửa cơ sang cửa tự động. Xe khi đến đăng kiểm, xếp hàng lấy số ba ngày, đến khi vào đăng kiểm, bị loại do cửa không đúng ban đầu, bắt buộc phải sửa chữa và làm lại, lại xếp hàng từ đầu, ảnh hưởng đến việc đưa đón khách du lịch và học sinh, xe không đủ số lượng để thực hiện.

"Chưa kể đến, xe phải đăng kiểm mới xin được phù hiệu chạy, nếu không xin được, không thể lưu thông. Như vậy, mỗi xe có thể mất thời gian đến 1 tháng, ảnh hưởng lớn tới doanh thu," bà Trang cho biết thêm.

Theo ông Ngô Quang Trường, đại diện Công ty Cổ phần Giao nhận và Thương mại Quang Châu, số xe của doanh nghiệp phải “nằm không” hơn 30% vì chưa được đăng kiểm dù đã tới hạn.

Bàn về giải pháp khắc phục tình trạng trên, các đại biểu đánh giá Thông tư số 02/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 16/2021 (quy định về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ) có hiệu lực từ ngày 22/3 là một điểm tích cực, góp phần giải quyết sự ùn ừ.

Thông tư 02 đã điều chỉnh chu kỳ kiểm định một số loại xe cơ giới theo chiều hướng giãn chu kỳ đăng kiểm mà vẫn đảm bảo phương tiện còn đáp ứng về an toàn kỹ thuật, giảm thiểu được tình trạng quá tải đăng kiểm khi chưa thật sự cần thiết, phù hợp với điều kiện thực tiễn, tạo thuận lợi hơn cho người dân và doanh nghiệp.

Theo ông Bùi Hòa An, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh, qua tuần tới, Thành phố sẽ khôi phục lại hoạt động thêm 5 Trung tâm Đăng kiểm, góp phần nâng công suất đăng kiểm.

Ông Nguyễn Tô An, Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, hiện Bộ Giao thông Vận tải đang khẩn trương rà soát để đề xuất sửa đổi Nghị định 139/2018 (quy định về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới).

Điểm mấu chốt hiện nay là “cung chưa đáp ứng cầu,” trong đó nhân lực là quan trọng nhất. Cục sẽ kiến nghị sửa đổi trong Nghị định 139 đối với các kỹ sư có kinh nghiệm trong cơ sở bảo hành, bảo dưỡng sẽ rút ngắn lại hơn nữa, ví dụ chỉ 3 tháng thôi.

Trong thời gian tới, Cục Đăng kiểm nghiên cứu áp dụng hạn chế con người tham gia vao dây chuyền đăng kiểm mà tăng cường triển khai các ứng dụng công nghệ như đăng ký kiểm định trực tuyến đồng bộ, người dân thực hiện nộp phí hay mua phí trực tuyến…/.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục