Ngày đầu xử "đại án tham nhũng": Quanh co đổ tội

Ngày đầu phiên xử án đại tham nhũng Dương Chí Dũng và đồng bọn đã kết thúc khi quả bóng trách nhiệm liên tục bị các bị cáo đá đi.

Ngày đầu tiên của phiên tòa xử đại án tham nhũng Dương Chí Dũng và đồng bọn đã kết thúc sau phần thẩm vấn một số bị cáo. Hầu hết câu trả lời của các bị cáo đều cố gắng… tự làm giảm trách nhiệm và dồn đẩy lỗi cho các cấp thấp hơn.

Bên cạnh đó, thái độ thiếu trách nhiệm, quan liêu của các bị cáo trong công việc cũng đã được bộc lộ.

"Đá bóng trách nhiệm" cho cấp dưới

Sau khi đại diện Viện Kiểm sát thành phố Hà Nội công bố bản cáo trạng, Hội đồng xét xử chính thức bước vào phần xét hỏi. Bị cáo Dương Chí Dũng là người được thẩm vấn đầu tiên.

Trong hầu hết các câu trả lời của mình, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Vinalines liên tục thể hiện thái độ quanh co, đổ lỗi cho cấp dưới, cụ thể ở đây là ông Mai Văn Phúc-nguyên Tổng Giám đốc Vinalines.

Theo bị cáo Dũng, liên quan đến vấn đề mua ụ nổi 83M, bản thân ông không có can thiệp hay chỉ đạo nào. Bị cáo Dũng cho hay, vào thời điểm này, bị cáo đang là Chủ tịch Hội đồng quản trị Vinalines và nhận được tờ trình do Tổng Giám đốc Vinalines lúc đó là ông Phúc đưa lên. Xét thấy đề xuất mua ụ nổi phù hợp với dự án Nhà máy sửa chữa tàu phía Nam nên bị cáo đã chấp thuận.

Khi chủ tọa phiên xét xử hỏi Dương Chí Dũng về việc có định hướng và chỉ đạo việc mua ụ cũ hay không, thì bị cáo này trả lời: hoàn toàn không định hướng và chỉ đạo. “Bị cáo không chỉ đạo bất cứ ai, kể cả Tổng Giám đốc về việc này vì đây là phần việc thuộc thẩm quyền của ban Giám đốc,” Dương Chí Dũng khai.

Bị cáo Dũng cũng cho hay, liên quan đến việc mua ụ nổi 83M, trước khi đoàn khảo sát sang Nga có sang chào bị cáo. Tại phòng làm việc của mình bị cáo chỉ nói: “Chúc anh em đi mạnh khỏe, may mắn!”

Theo lời khai tiếp theo của Dương Chí Dũng: Khi đoàn khảo sát về, người trực tiếp báo cáo là Trần Hữu Chiều có nói ụ nổi đó chỉ hỏng ít và có thể sửa chữa để phù hợp với yêu cầu của Cục Đăng kiểm chứ không có bất cứ báo cáo nào riêng.

"Ngoài bị cáo Chiều, còn một người nữa nhưng bị cáo không nhớ..." bị cáo Dũng nói. “Tất cả là do Tổng Giám đốc Vinalines điều hành,” bị cáo Dũng khẳng định.

Thái độ đổ lỗi tiếp tục được bị cáo Dương Chí Dũng thể hiện trong phiên thẩm vấn đầu giờ chiều cùng ngày khi nhấn mạnh với Hội đồng xét xử việc mua bán ụ nổi và kết nối với đối tác nước ngoài đều do ông Thọ thực hiện và chịu trách nhiệm.

Đến phiên mình, nguyên Tổng Giám đốc Vinalines Mai Văn Phúc lại thêm một lần "đá quả bóng trách nhiệm" trong "đại án tham nhũng" này cho cấp dưới.

Liên quan đến các vấn đề mua ụ nổi 83M, bị cáo Phúc khai: “Tôi ký vào các tờ trình trên cơ sở các cơ quan tham mưu, họ đã ký hơn chục chữ ký vào các văn bản.”

Một loạt các ban bệ của Vinalines cũng được vị nguyên Tổng Giám đốc này dẫn ra để “trốn tránh” trách nhiệm của mình. Điển hình như khi trả lời câu hỏi của hội đồng xét xử liên quan đến lý do khảo sát ụ 83M, bị cáo Phúc khai trước tòa rằng chỉ “nghe theo các ban tham mưu, ban Quản lý dự án, Ban Kinh tế đối ngoại, Ban Pháp lý…”

Bị cáo Phúc chỉ thừa nhận trách nhiệm của mình trong việc ký các tờ trình và "không nắm được hồ sơ vụ mua ụ nổi mà chỉ nghe qua báo cáo."

Hàng chục triệu USD được quyết định tiêu qua...báo cáo

Phần trả lời thẩm vấn của các bị cáo cũng thể hiện ra thái độ làm việc thiếu trách nhiệm và quan liêu, gây hậu quả nghiêm trọng.

Liên quan đến trách nhiệm của mình trong việc mua ụ nổi cũ từ Nga, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Vinalines khai nhận: Trong quá trình mua thiết bị này, phía Vinalines đã hai lần điều chỉnh tổng mức đầu tư. Cụ thể, lần đầu là khi chi phí di chuyển ụ nổi phát sinh do thay vì lai dắt về Việt Nam, ụ nổi lại được vận chuyển bằng một phương tiện khác. Lần thứ hai là chi phí trong quá trình sửa chữa ụ. Số tiền phát sinh cho hai lần này lần lượt là 19,5 triệu USD và 7 triệu USD.

Chủ tọa phiên tòa đưa ra câu hỏi về lý do không lai dắt thiết bị về, Dương Chí Dũng cho biết, nguyên nhân là thời tiết xấu, mặt biển đóng băng ở nhiều điểm. Ngoài ra, việc trước đó 2 ụ nổi của Vinashin trong quá trình lai dắt về bị chìm khiến Hội đồng quản trị quyết định chọn phương án an toàn nhưng… tốn kém.

Bị cáo Dũng thừa nhận “hơi quan liêu” khi đã không vào xem trực tiếp ụ nổi. Dương Chí Dũng cũng nói trước tòa, tất cả Hội đồng quản trị của Vinalines khi đó đều cho rằng ụ 83M chỉ là thiết bị dung trong quá trình sửa chữa tàu chứ không phải là… một con tàu nên không để ý đến năm sản xuất theo quy định Nhà nước.

Biện hộ cho việc bị cáo và các thành viên của Hội đồng quản trị khi đó không quyết định đóng ụ mới mà lại mua ụ nổi cũ, bị cáo Dũng khai: Nếu đóng ụ mới thì chi phí sẽ gấp 4 lần ụ cũ và phải mất thời gian khoảng 2-3 năm. Trong khi đó, nếu mua ụ cũ rồi sửa mới thì có thể dùng được ngay và 3 năm sau sẽ cho lãi nên quyết định mua ụ nổi cũ.”

Khi được hỏi: Ụ nổi mua về đã khai thác được chưa, Dương Chí Dũng nói đã khai thac được rồi, nhưng…cũng chỉ là nghe qua báo cáo.

Cần phải nhắc lại, trước đó, trong phiên xét hỏi buổi sáng, bị cáo cũng thừa nhận việc mình biết ụ nổi đã cũ, nhưng cũng do nghe báo cáo lại là có thể sửa chữa được để phù hợp với yêu cầu của Cục Đăng kiểm.

Các câu trả lời của các bị cáo sau đó cũng tiếp tục thể hiện sự thiếu trách nhiệm của họ.

Bị cáo Mai Văn Phúc sau khi đổ lỗi cho một loạt ban bệ cấp dưới vì đã tham mưu để ông này ký vào các tờ trình thậm chí còn khẳng định sau khi đoàn khảo sát ụ nổi từ Nga về, ông chỉ mới xem báo cáo để biết ụ sản xuất năm 1965 và đã bị ngừng nâng cấp năm 2006 do chưa khắc phục được hỏng hóc.

Bị cáo nhấn mạnh, đến thời điểm hiện tại, bị cáo vẫn chưa nhìn thấy hồ sơ cụ thể của ụ nổi, mà tất cả đều căn cứ vào báo cáo do bị cáo Chiều trình lên.

Trong khi đó, theo lời khai của bị cáo Trần Hữu Chiều, khi tiến hành khảo sát ụ nổi tại Nga, bị cáo chỉ nhìn thấy chiếc cano trên ụ và tin theo lời của đối tác AP rằng dùng để sửa chữa!

Điều đáng nói hơn, trả lời hội đồng xét xử, bị cáo Chiều cho hay: Đoàn khảo sát không được tiếp xúc với đại diện bán ụ nổi của Nga mà chỉ làm việc với đại diện của AP.

Một bị cáo khác cũng tham gia đoàn khảo sát là Mai Văn Khang, nguyên cán bộ Ban quản lý dự án Vinalines cũng thừa nhận: khi sang Nga, do sợ muộn giờ nên khi hạ ụ nổi, đoàn chỉ được chứng kiến một phần lúc ụ nổi lên.

“Bản thân đoàn khảo sát không thể giám định kỹ thuật,” bị cáo Khang khai trước vành móng ngựa.

Cũng trong chiều 12/12, đến phần thẩm vấn liên quan đến tội danh Tham ô tài sản, bị cáo Dương Chí Dũng liên tục phủ nhận và khẳng định rằng mình không hề tham ô; cũng không có chuyện Dũng chỉ đạo việc chia chác tiền.

Còn bị cáo Phúc cũng chỉ thừa nhận đã làm thất thoát hơn 300 tỷ đồng của Nhà nước.

Ngày mai,13/12, phiên tòa sẽ tiếp tục ngày xử thứ hai./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục