Trước diễn biến phức tạp của hoàn lưu bão số 4 gây mưa lớn và ngập lụt tại nhiều địa phương trong tỉnh, ngày 29/9, tại phiên họp thường kỳ tháng 9/2022, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung cho biết đã chỉ đạo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân một số địa phương có ngập lụt cục bộ tập trung chỉ đạo khắc phục hậu quả mưa lũ.
Nếu thấy tình hình ở địa phương có vấn đề liên quan đến mưa lụt, Chủ tịch huyện có thể dừng cuộc họp để tập trung chỉ đạo khắc phục hậu quả.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung cũng yêu cầu các địa phương tập trung hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả mưa lũ; chủ động chuẩn bị tốt các phương án phòng, chống thiên tai, nhất là những tháng cao điểm mưa lũ tại địa phương.
[Nghệ An: Nhiều địa phương cho học sinh nghỉ học vì nước lũ dâng cao]
Cùng với đó rà soát các khu vực có có nguy cơ sạt lở, có thể xảy ra lũ ống, lũ quét, ngập lụt cục bộ để kịp thời di chuyển người dân đến nơi an toàn, bảo vệ tối đa tính mạng, tài sản cho người dân.
Các địa phương kiểm soát chặt chẽ việc xả lũ của các nhà máy thủy điện, không để xảy ra tình trạng xả lũ bất thường gây ngập lụt, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân; tuyên truyền, nhắc nhở người dân trong thời điểm mưa lũ, ngập úng không đi bắt cá, vớt củi trên ao hồ, sông suối.
Trong phiên họp, lãnh đạo huyện Yên Thành cho biết trên địa bàn huyện do ảnh hưởng của mưa lũ đang có 4 hồ đập thủy lợi trong tình trạng báo động khẩn cấp, 2 hồ đập báo động 2 và 24 trường học phải cho học sinh nghỉ học do ngập đường.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Kỳ Sơn Nguyễn Hữu Minh thông tin đợt mưa lũ vừa qua đã gây thiệt hại các công trình giao thông trên địa bàn huyện gần 80 tỷ đồng, hàng chục ngôi nhà của người dân phải di dời khẩn cấp.
Lũ ống, lũ quét còn làm hư hỏng trên 54ha ruộng và nhiều ao hồ bị ngập nước, thiệt hại rất lớn cho nông dân. Tổng thiệt hại khoảng 100 tỷ đồng.
Ở huyện Anh Sơn, theo ông Hoàng Quyền, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện, một số địa phương trên địa bàn đã xuất hiện ngập cục bộ trong những ngày qua.
Sáng 29/9 trên địa bàn huyện đã có 2 trường học phải cho nghỉ học do nước ngập cao.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nguyễn Văn Đệ cho biết sáng 29/9, Sở đã cử 3 Phó Giám đốc đi các khu vực là huyện Thanh Chương; huyện Hoàng Mai, Quỳnh Lưu; Nghi Lộc, Diễn Châu để kiểm tra, chỉ đạo, khắc phục hậu quả mưa lũ.
Theo ông Hoàng Nghĩa Hiếu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Nghệ An, tại một số địa phương trong tỉnh đã xảy ra ngập lớn.
Do trong tháng 9, trên địa bàn tỉnh liên tục xảy ra các đợt mưa, 70% số hồ chứa nước tại địa phương trong tình trạng đầy nước, nên dù mưa chưa lớn nhưng buộc phải xả lũ.
Đơn cử như hồ Vực Mấu (nằm trên địa bàn thị xã Hoàng Mai) đêm 28/9 đã phải xả lũ khẩn cấp...
Tại Nghệ An, công tác khắc phục hậu quả mưa lũ đang được lãnh đạo tỉnh chỉ đạo quyết liệt, đúng hướng.
Ông Hoàng Nghĩa Hiếu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh, yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan chủ trì, phải thực hiện các giải pháp để tiêu nước, thoát lũ ra biển, như Bến Thủy, Diễn Thành, Nghi Quang.
Cùng với đó, Sở tập trung chỉ đạo để kiểm tra an toàn hồ đập để xử lý ngay từ đầu khi có mưa lớn, việc xử lý phải đúng theo quy trình vận hành hồ đập.../.