Đối với nghệ nhân chế tác đồ nội thất người Hàn Quốc Ryu Jong-dae, mục tiêu tiên quyết trong các tác phẩm của anh không chỉ là giới thiệu tới khách hàng các mẫu thiết kế theo phong cách hiện đại, mà còn hướng họ tới những sự lựa chọn thân thiện với môi trường.
Nghệ nhân 40 tuổi Ryu Jong-dae vốn nổi tiếng với các sản phẩm đồ nội thất bằng gỗ, nhưng trong những năm gần đây, anh đã chuyển sang sử dụng chất liệu nhựa sinh học từ bột bắp để giảm chất thải nhựa trong quá trình sáng tác và sản xuất của mình.
Chia sẻ với báo giới, anh Ryu Jong-dae cho biết: “Những tài nguyên mà chúng ta sử dụng hiện nay là hữu hạn, do đó tôi nghĩ các nghệ sĩ nên quan tâm đến các biện pháp giảm thiểu chất thải ra môi trường khi họ thiết kế và sản xuất sản phẩm cho công chúng."
Lời kêu gọi của nghệ nhân Ryu Jong-dae được đưa ra trong bối cảnh trong tuần này cộng đồng thế giới sẽ kỷ niệm 50 năm Ngày Trái Đất - một cột mốc quan trọng trong sự xuất hiện của những phong trào vì môi trường, đồng thời cũng là dịp để nhắc nhở nhân loại về các thách thức môi trường mà thế giới đang phải đối mặt, bao gồm cả vấn đề ô nhiễm rác thải nhựa - hay còn gọi là “ô nhiễm trắng."
Theo số liệu thống kê của Ngân hàng Thế giới (WB), trong năm 2016, con người tạo ra 242 triệu tấn chất thải nhựa. Trong khi đó, số liệu của Tập đoàn Môi trường Hàn Quốc cho biết hơn 8,2 triệu tấn chất thải nhựa đã được nước này sinh ra trong quá trình sản xuất vào năm 2018. Nghệ nhân Ryu nhấn mạnh nhựa sinh học là một biện pháp hữu hiệu giúp giảm những chất thải nhựa nêu trên.
[Biến rác thải thành điện: Cần có cơ chế thúc đẩy đầu tư]
Trong dự án mang tên Craft Digital Craft, anh đã sử dụng Polylactic Acid (PLA), một loại nhựa sinh học được làm từ các vật liệu tái tạo, bao gồm bột bắp hoặc mía. Khi không còn sử dụng, những vật liệu này có thể phân hủy sau một vài năm trong các môi trường cụ thể. Ngược lại, chất liệu nhựa thông thường được làm từ các sản phẩm hóa dầu, không bị phân hủy sinh học và có thể mất hàng trăm năm để phân hủy hết.
Nghệ nhân Ryu đã kết hợp PLA với công nghệ in 3D để tạo ra các chi tiết tinh tế trên đồ nội thất. Anh cho biết: “Với tư cách là nhà thiết kế, tôi muốn giới thiệu những khả năng mới trong việc ứng dụng các vật liệu thân thiện với môi trường để thiết kế và tạo ra tác phẩm nghệ thuật. Nghề thủ công kỹ thuật số mang rất nhiều ý nghĩa, bởi nó có thể mở rộng phạm vi tác phẩm so với các nghề thủ công hiện có bằng cách sử dụng những chất liệu mới, như nhựa sinh học. Điều này cũng giúp giảm tối đa rác thải trong quá trình sáng tạo nghệ thuật và sử dụng các vật liệu thân thiện với môi trường, giúp ích cho toàn cầu”./.