Nghị quyết về thích ứng biến đổi khí hậu: Những chuyển biến ấn tượng

Sau 2 năm thực hiện Nghị quyết 120 về thích ứng biến đổi khí hậu, tăng trưởng GDP năm 2018 của vùng Đồng bằng sông Cửu Long đạt mức ấn tượng là 7,8%, cao nhất trong 4 năm qua.
Nghị quyết về thích ứng biến đổi khí hậu: Những chuyển biến ấn tượng ảnh 1Thu hoạch sầu riêng ở huyện Cai Lậy. (Ảnh: Minh Trí/TTXVN)

Ngày 26/9/2017, tại thành phố Cần Thơ, Thủ tướng Chính phủ đã tổ chức Hội nghị về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu, với sự tham gia của các bộ, ngành, địa phương, cơ quan quản lý và đông đảo các chuyên gia, nhà khoa học, các đối tác quốc tế, các doanh nghiệp để thảo luận, tìm các giải pháp toàn diện, căn cơ, đồng bộ cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Sau hội nghị, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17/11/2017 (Nghị quyết 120) về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu.

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động tổng thể thực hiện Nghị quyết. Đây là cơ sở để các Bộ, ngành, địa phương cùng với các đối tác phát triển, tổ chức quốc tế chung tay phát triển bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Nhân Hội nghị đánh giá triển khai thực hiện Nghị quyết 120 của Chính phủ sẽ được tổ chức từ ngày 17-18/6 tại Thành phố Hồ Chí Minh, TTXVN giới thiệu chùm 2 bài “Sau 2 năm thực hiện Nghị quyết 120 của Chính phủ” đề cập về những thành quả đã đạt được, cũng như cần phải tập trung thực hiện một số giải pháp trọng tâm phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu trong những năm tới.

Bài 1: Những chuyển biến ấn tượng

Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, trong 2 năm qua, việc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long đã đạt được một số kết quả quan trọng.

Một số cơ chế chính sách đã được rà soát, bổ sung, quy hoạch tổng thể phát triển bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long đang được khẩn trương xây dựng.

Tăng trưởng GDP của vùng năm 2018 đạt mức ấn tượng là 7,8%, cao nhất trong 4 năm trở lại đây (tăng trưởng GDP cả nước là 7,08%). Kim ngạch xuất khẩu toàn vùng lần đầu tiên đạt 15,7 tỷ USD.

Từng bước hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành cho biết với mục tiêu tập trung thúc đẩy phát triển nông nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long theo hướng hiện đại, bền vững, an toàn, hạ tầng giao thông, phát triển đô thị ổn định dân cư; lồng ghép yếu tố biến đổi khí hậu.

Chính phủ đã ban hành Nghị định số 57/2018 về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; Nghị định số 98/2018 về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; góp phần thu hút các doanh nghiệp đầu tư mạnh vào nông nghiệp, tăng cường liên kết 4 nhà (nhà quản lý, nhà đầu tư, nhà khoa học và nhà nông) để nâng cao chuỗi giá trị, tạo chỗ đứng cho các sản phẩm nông nghiệp trên thị trường thế giới.

[Giải pháp chuyển đổi ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu]

Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt nhiều đề án, quy hoạch phục vụ phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu, như phê duyệt điều chỉnh, bổ sung một số cơ chế, chính sách thuộc Chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ giai đoạn 2018-2020 để đầu tư xây dựng bổ sung các cụm, tuyến dân cư, đắp bờ bao khu dân cư có sẵn cho 8 tỉnh: Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, Hậu Giang và thành phố Cần Thơ.

Phê duyệt Đề án phát triển vật liệu xây dựng phục vụ xây dựng các công trình biển đảo đến năm 2025 tại Quyết định số 126 ngày 25/1/2019, trong đó đã nghiên cứu, đề xuất tổng thể cơ chế chính sách để thúc đẩy phát triển, sản xuất và sử dụng vật liệu xây dựng cho các công trình ven biển, hải đảo.

Theo đó, các Bộ, ngành theo chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền đã rà soát, xây dựng, ban hành các cơ chế phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long như đánh giá, xây dựng cơ chế chính sách ưu tiên khuyến khích đầu tư tư nhân cho các hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu vùng giai đoạn 2016 - 2020 và giai đoạn 2021-2025...

Đặc biệt là công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, đã thành lập các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại Hậu Giang, Phú Yên, Bạc Liêu phát triển ngành tôm.

Hiện các Bộ, ngành đang nghiên cứu xây dựng và sẽ tiếp tục ban hành một số cơ chế, chính sách về Chương trình tổng thể phát triển nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu gắn với xây dựng nông thôn mới; cơ chế chính sách tập trung, tích tụ đất đai phục vụ sản xuất quy mô lớn; chính sách quản lý tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, bảo vệ môi trường; Nghị định của Chính phủ về chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng hiện đại

Với nỗ lực của Chính phủ, các Bộ, ngành và chính quyền các địa phương trong cải thiện môi trường đầu tư, vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã thu hút nhiều nguồn vốn đầu tư và đạt mức tăng trưởng GDP ấn tượng.

Chính phủ đã triển khai nhiều cơ chế, giải pháp xúc tiến đầu tư, mở rộng thị trường, ngành hàng. Triển khai nhiều chính sách tín dụng đối với ngành lúa gạo, khuyến khích sản xuất nông nghiệp theo mô hình liên kết ứng dụng công nghệ cao.

Minh chứng sống động là cơ cấu sản xuất nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long chuyển dịch theo hướng tăng thủy sản, trái cây, giảm lúa. Từng bước hình thành các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, chuyên canh nông sản chủ lực (tôm, cá tra, lúa gạo, trái cây) gắn với công nghệ chế biến, tiêu thụ theo chuỗi giá trị nông sản.

Nghị quyết về thích ứng biến đổi khí hậu: Những chuyển biến ấn tượng ảnh 2Chế biến tôm xuất khẩu. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Nhờ đó, trong năm 2018 sản lượng tôm đạt 0,623 triệu tấn, chiếm 70% sản lượng cả nước; sản lượng cá tra 1,41 triệu tấn, chiếm 95%; sản lượng trái cây 4,3 triệu tấn, chiếm 60%, sản lượng lúa 24,5 triệu tấn, chiếm 56% sản lượng cả nước.

Kim ngạch xuất khẩu các nông sản chủ lực (gạo, cá tra, tôm, trái cây) đạt 8,43 tỷ USD, chiếm 73,34% kim ngạch xuất khẩu các nông sản chủ lực này của cả nước.

Một số sản phẩm nông sản xuất khẩu có giá trị cao như thanh long, sản phẩm xuất khẩu chủ lực với kim ngạch 1,1 tỷ USD năm 2018; trái xoài (Hòa Lộc, Cát Chu) xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc; thanh long, nhãn, vú sữa, chôm chôm đã xuất khẩu vào thị trường Mỹ với sản lượng tăng hàng năm.

Đã hình thành nhiều vùng sản xuất rau quả tập trung theo các tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt, đạt năng suất 17 tấn/ha và sản lượng 4.400 tấn/năm.

Diện mạo nông thôn được khởi sắc, có nhiều đổi mới. Tính đến hết tháng 4 năm 2019, toàn vùng có 516 xã đạt chuẩn nông thôn mới (đạt 40,09%), bình quân đạt 15,43 tiêu chí/xã (mức bình quân chung của cả nước là 15,26 tiêu chí/xã).

Kế hoạch tái cơ cấu ngành công nghiệp bước đầu triển khai đúng hướng và hiệu quả, tập trung vào phát triển công nghiệp xanh, ít phát thải, nâng cao giá trị của sản phẩm nông nghiệp thông qua thúc đẩy công nghiệp chế biến. Thông qua đó, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của vùng liên tục tăng cao so với mức tăng trung bình cả nước (lần lượt trong các năm 2016, 2017, 2018 là 8,41%, 11,12% và 11,3% so với cả nước là 7,4%, 9,5% và 10,2%).

Công nghiệp chế biến thủy sản tiếp tục chiếm tỷ trọng và tốc độ tăng trưởng cao nhất với các sản phẩm chủ yếu là cá tra phi-lê, tôm đông lạnh, mực đông lạnh.

Chế biến lúa gạo đóng góp hơn 50% sản lượng lúa và 90% sản lượng gạo xuất khẩu của cả nước, đạt kim ngạch xuất khẩu năm 2018 là 3,06 tỷ USD với 6,1 triệu tấn.

Đồng thời tập trung khai thác tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo, trước hết là năng lượng gió và năng lượng mặt trời như Nhà máy điện gió Bạc Liêu 1 và 2 đã hoàn thành.

Khởi công các nhà máy điện gió Bạc Liêu 3, Khai Long-Cà Mau, Hàn Quốc-Trà Vinh, Bình Đại-Bến Tre…

Các dự án điện gió và năng lượng tái tạo ở đồng bằng đang đứng trước cơ hội phát triển khi công nghiệp phát triển nhanh, chi phí đầu tư giảm mạnh.

Nhiều địa phương đã chủ động triển khai một số mô hình kinh tế phù hợp với tự nhiên, ứng dụng công nghệ cao, thích ứng với biến đổi khí hậu như mô hình nuôi tôm bền vững; chọn tạo, phát triển các giống cây trồng, vật nuôi và giống thủy sản có tiềm năng, lợi thế của vùng; nâng cao chất lượng giống; mô hình “Sinh kế thích ứng với biến đổi khí hậu,” “Nước sạch và môi trường” của tỉnh Sóc Trăng; mô hình tòa nhà công sở sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, đầu tư hệ thống điện năng lượng mặt trời tại tỉnh Vĩnh Long…

Theo tiến sỹ Tăng Thế Cường, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu: Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu và Chương trình Hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu đã hỗ trợ vùng Đồng bằng sông Cửu Long 28 dự án (8 dự án liên quan đến xây dựng đê biển, đê sông ở những khu vực xung yếu, 20 dự án liên quan đến trồng, phục hồi rừng ngập mặn ven biển).

Chương trình mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh hỗ trợ 20 dự án với số kinh phí 3.700 tỷ đồng đã được Thủ tướng Chính phủ giao vốn trung hạn.

Với tổng kinh phí 2.500 tỷ đồng, việc triển khai các hoạt động xử lý sạt lở cấp bách bờ sông, bờ biển, hướng dẫn thực hiện các giải pháp kỹ thuật, xử lý khẩn cấp những đoạn sụt lún, sạt lở trọng điểm; chỉ đạo cắm biển cảnh báo, xây dựng bản đồ sạt lở vùng Đồng bằng sông Cửu Long, bố trí ngân sách xây dựng công trình phòng chống sạt lở, ưu tiên 36 dự án xử lý cấp bách đã được thực hiện.

Hạ tầng cơ sở được quan tâm đầu tư, xây dựng, tăng cường kết nối liên vùng, phát huy lợi thế giao thông đường thủy.

Riêng từ năm 2017 đến nay Quốc hội, Chính phủ đã đồng ý bố trí vốn để triển khai cầu Mỹ Thuận 2 trên tuyến cao tốc Bắc-Nam phía Đông, tuyến tránh thành phố Long Xuyên, Quốc lộ 57 đoạn Bến Tre-Vĩnh Long, Quốc lộ 53 đoạn Trà Vinh-Long Toàn, Quốc lộ 30 đoạn Cao Lãnh-Hồng Ngự, nâng cấp mặt đường tuyến Quản Lộ-Phụng Hiệp, Kênh Chợ Gạo giai đoạn 2, hỗ trợ vốn ngân sách nhà nước để đầu tư dự án xây dựng tuyến cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận và Mỹ Thuận-Cần Thơ theo hình thức BOT…

Các địa phương trong vùng triển khai các dự án đầu tư hạ tầng như nâng cấp đê biển kết hợp xây dựng hệ thống ngăn mặn từ cầu Mỹ Thanh 2 đến ranh Bạc Liêu.

Tỉnh Sóc Trăng với tổng kinh phí 152.865 triệu đồng xây dựng hệ thống cống ngăn mặn và kênh trục thủy lợi tạo nguồn, trữ ngọt tại các địa bàn xung yếu. Tỉnh Vĩnh Long đã đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng để xây dựng hơn 1.300 công trình kết cấu hạ tầng thủy lợi …

Xây dựng bổ sung các cụm, tuyến dân cư, đắp bờ bao khu dân cư có sẵn vùng ngập lũ được Chính phủ tiếp tục cho phép đầu tư để đảm bảo người dân vùng ngập lũ được sống an toàn ổn định./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục