Nghị viện châu Á bàn về cấu trúc tài chính mới

Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng tài chính lan rộng toàn cầu, nước chủ nhà Indonesia đã đề nghị lấy chủ đề chính cho các cuộc thảo luận của Hội nghị toàn thể lần thứ ba Đại hội đồng Nghị viện châu Á (APA-3) là "Châu Á và nhu cầu thiết lập cấu trúc tài chính toàn cầu mới".

Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng tài chính lan rộng toàn cầu, nước chủ nhà Indonesia đã đề nghị lấy chủ đề chính cho các cuộc thảo luận của Hội nghị toàn thể lần thứ ba Đại hội đồng Nghị viện châu Á (APA-3) là "Châu Á và nhu cầu thiết lập cấu trúc tài chính toàn cầu mới".

Hội nghị, diễn ra tại Jakarta từ ngày 27 đến 29/11, với sự tham dự của gần 220 đại biểu đến từ 28 nghị viện của các nước trong châu lục. Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam do Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu dẫn đầu.

Phát biểu khai mạc hội nghị APA-3, Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono nêu rõ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu hiện nay là do sự phát triển trong lĩnh vực tài chính đã vượt quá khả năng kiểm soát của các chính phủ, vì vậy các nước cần phải áp dụng nhiều hơn các quy định kiểm soát hiệu quả.

Tuy nhiên, ông cũng lưu ý rằng các quy định đưa ra phải đảm bảo không làm cản trở sự sáng tạo cần thiết cho phát triển thị trường. Mô hình mới cho hệ thống tài chính thế giới phải cân bằng giữa phát triển và điều tiết thị trường tài chính, Tổng thống Yudhoyono nhấn mạnh.

Tổng thống Yudhoyono cũng cho biết Hội nghị kinh tế của nhóm G-20 vừa diễn ra tại Washington (Mỹ) đã công nhận vai trò quan trọng của châu Á trong trật tự kinh tế toàn cầu.

Ông bày tỏ lạc quan trước khả năng trỗi dậy của khu vực châu Á và kêu gọi các quốc gia ở châu lục nỗ lực đi đầu trong công cuộc cải cách hệ thống tài chính thế giới vì châu Á sẽ trở thành trung tâm của sự phát triển kinh tế thế giới trong thời kỳ hậu suy thoái kinh tế ở Mỹ và châu Âu.

Ông cũng kêu gọi các nhà lãnh đạo châu Á tạo bước khai thông tại Vòng đàm phán Doha vào tháng 12/2008.

Cũng tại hội nghị, Chủ tịch Hạ viện Indonesia Agung Laksono đã kêu gọi nghị viện các nước châu Á cùng nỗ lực khắc phục cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, đẩy mạnh phát triển an ninh năng lượng, đồng thời chú trọng tăng cường sản xuất lương thực phù hợp với yêu cầu an ninh lương thực của từng nước.

Ông Laksono nhấn mạnh cần phải có các biện pháp khẩn cấp và triệt để đối phó với cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay nhằm tránh để "cơn bão" khủng hoảng biến thành "thảm họa sóng thần" kéo theo những hậu quả khôn lường đối với mọi lĩnh vực đời sống trên khắp thế giới.

Bên cạnh vấn đề khắc phục khủng hoảng tài chính toàn cầu, đảm bảo an ninh năng lượng và an ninh lương thực, hội nghị APA kỳ này còn thảo luận những vấn đề văn hoá-xã hội và về môi trường, như tình trạng biến đổi khí hậu.

APA là tổ chức khu vực của nghị viện các nước châu Á hiện có 39 thành viên và hội nghị toàn thể của APA được tiến hành mỗi năm một lần. Dự kiến, tại hội nghị năm nay, APA sẽ thông qua Tuyên bố Jakarta và 15 nghị quyết về những nỗ lực nhằm giải quyết khủng hoảng tài chính toàn cầu, giảm bớt nghèo đói và bảo vệ thiên nhiên./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục