Nghị viện châu Âu yêu cầu chấm dứt thí nghiệm khoa học trên động vật

Các nghị sỹ EP yêu cầu một kế hoạch hành động đầy tham vọng và có mục tiêu khả thi trên toàn EU, đồng thời lập thời gian biểu để dần chấm dứt việc sử dụng động vật trong các nghiên cứu và thử nghiệm.
Nghị viện châu Âu yêu cầu chấm dứt thí nghiệm khoa học trên động vật ảnh 1Thỏ là một trong một số loài động vật bị dùng trong nghiên cứu khoa học. (Nguồn: brusselstimes.com)

Nghị viện châu Âu (EP) ngày 16/9 thông qua nghị quyết yêu cầu Liên minh châu Âu (EU) tăng cường nỗ lực nhằm chấm dứt tình trạng sử dụng động vật trong các nghiên cứu khoa học.

Trong nghị quyết không mang tính ràng buộc, được thông qua với đa số áp đảo, các nghị sỹ EP yêu cầu một kế hoạch hành động đầy tham vọng và có mục tiêu khả thi trên toàn EU, cũng như lập thời gian biểu để dần chấm dứt việc sử dụng động vật trong các nghiên cứu và thử nghiệm.

Các nghị sỹ cũng đề xuất lập quỹ trung và dài hạn đủ để đảm bảo việc nhanh chóng phát triển, hợp lý hóa và áp dụng các biện pháp thí nghiệm thay thế.

[Phát triển thành công mô hình điều hòa rối loạn lo âu xã hội]

EU đã cấm thí nghiệm mỹ phẩm trên động vật từ năm 2009 và có các quy định nhằm bảo vệ các loài động vật thường được sử dụng trong nghiên cứu khoa học.

Một báo cáo của Ủy ban châu Âu (EC) cho biết hơn 12 triệu động vật, trong đó 90% là chuột, đã được nuôi và sử dụng cho nghiên cứu khoa học trong năm 2017.

Các nghị sỹ cho biết họ "hiểu rằng có những trường hợp thí nghiệm trên động vật vẫn là cần thiết để có phát minh khoa học cho một số căn bệnh vì các biện pháp phi động vật hiện không khả thi."

Tuy nhiên, họ nhấn mạnh rằng các thí nghiệm như vậy chỉ nên được thực hiện trong các điều kiện giảm thiểu sự đau đớn và chịu đựng của con vật thí nghiệm.

Nghị quyết trên đã được các nhà hoạt động vì quyền động vật hoan nghênh nhiệt liệt.

Nhóm vì quyền động vật Humane Society International đánh giá đây là "một cơ hội lịch sử để động vật không phải chịu đau đớn trong các thí nghiệm và tập trung hơn vào các nghiên cứu hiện đại, tiên tiến và liên quan đến con người"./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục