Ngoại giao: Lực lượng tiên phong trong đổi mới, phát triển và hội nhập

Trải qua 75 năm thành lập và phát triển, ngành Ngoại giao Việt Nam đã có nhiều đóng góp quan trọng, là lực lượng tiên phong trong công cuộc đổi mới, phát triển và hội nhập quốc tế ngày nay.
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh trao Huân chương Lao động cho các đồng chí lãnh đạo và nguyên lãnh đạo Bộ Ngoại giao. (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN)
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh trao Huân chương Lao động cho các đồng chí lãnh đạo và nguyên lãnh đạo Bộ Ngoại giao. (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN)

Trải qua 75 năm thành lập và phát triển (28/8/1945-28/8/2020), ngành Ngoại giao Việt Nam đã có nhiều đóng góp trọng trong công cuộc đấu tranh giành và giữ vững độc lập, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. 

Nhân dịp kỷ niệm 75 năm ngày thành lập, các nhà ngoại giao đã chia sẻ ý kiến nhằm khẳng định vai trò tiên phong của ngành Ngoại giao Việt Nam-lực lượng tiên phong trong công cuộc đổi mới, phát triển và hội nhập quốc tế ngày nay.

Công tác biên giới góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu đối ngoại

Cùng với những thành tựu đối ngoại chung nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội và nâng cao vị thế quốc gia, dân tộc, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung, Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới quốc gia khẳng định, trong những năm qua, công tác biên giới lãnh thổ thiêng liêng luôn được coi trọng, bảo vệ; qua đó công tác này đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Giải quyết tốt công tác biên giới, lãnh thổ cũng chính là góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu đối ngoại.

Thứ trưởng Lê Hoài Trung cho biết, khi nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa ra đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố, nhà nước Việt Nam độc lập, có chủ quyền; tức khẳng định chủ quyền của Việt Nam ở trên đất liền, trên biển và trên không.

Trong thời gian qua, công tác biên giới lãnh thổ góp phần khẳng định đường biên của Việt Nam; bảo vệ, chống lại hành động vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam trên đất liền, trên biển và trên không.

Đồng thời, Việt Nam đẩy mạnh hợp tác với các nước nhằm thúc đẩy đa dạng hình thức hợp tác trên đất liền, trên biển và trên không.

[Những điểm sáng của ngành ngoại giao Việt Nam trong 75 năm qua]

Nhiệm vụ phân định vùng biển, đất liền với các nước láng giềng góp phần gìn giữ môi trường hòa bình; thúc đẩy quan hệ hữu nghị và hợp tác phát triển với các nước; tạo điều kiện cho các địa phương trên cả nước phát triển.

Với đường biên giới trên đất liền dài hơn 5.000 km, Việt Nam đã tiến hành ký nhiều hiệp định phân định, hoạch định, phân giới cắm mốc với Trung Quốc, Lào, Campuchia.

Trong đó, công tác phối hợp quản lý biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc được lãnh đạo cấp cao hai nước đánh giá là một điểm sáng trong tổng thể quan hệ song phương. Thương mại biên giới Việt Nam-Trung Quốc ngày càng tăng, chiếm 25% tổng kim ngạch thương mại hai chiều hai nước.

Công tác quản lý, bảo vệ đường biên giới trên đất liền Việt Nam-Lào bước vào giai đoạn phát triển mới: Nhân dân thường xuyên qua lại, hợp tác, trao đổi hàng hóa, khám chữa bệnh, học tập…; góp phần thúc đẩy phát triển mối quan hệ hữu nghị, truyền thống, tình đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai đất nước.

Cùng với đó, việc hoàn thành pháp lý hóa thành quả phân giới cắm mốc khoảng 1.045 km đường biên giới Việt Nam-Campuchia (chiếm khoảng 84% toàn tuyến), góp phần thúc đẩy hỗ trợ, phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân hai đất nước; tạo cơ sở vững chắc hoàn thành công tác phân giới cắm mốc còn lại trong thời gian tới.

Thứ trưởng Lê Hoài Trung cho hay, trong 75 năm qua, bằng sự nỗ lực trao đổi, đàm phán, ký kết các hiệp định về biên giới, Việt Nam đã xác lập gần hoàn chỉnh đường biên giới quốc gia trên đất liền với các nước láng giềng; tạo điều kiện thúc đẩy hoạt động trao đổi, hợp tác ở khu vực biên giới; nâng cao đời sống kinh tế-xã hội các tỉnh biên giới; thúc đẩy quan hệ hợp tác hữu nghị với các quốc gia láng giềng; phục vụ công cuộc bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước.

Điểm sáng trong công tác bảo hộ công dân

Song song với việc thực hiện công tác biên giới lãnh thổ, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Bộ Ngoại giao thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành trong nước, các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tổ chức các chuyến bay đón công dân Việt Nam ở nước ngoài trở về nước, trên tinh thần nhân đạo “không để ai bị bỏ lại phía sau.”

Thứ trưởng Bộ ngoại giao Tô Anh Dũng cho biết, cán bộ ngoại giao công tác tại các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đã trở thành “những chiến sỹ” trên tuyến đầu chống dịch COVID-19 ở nước ngoài.

Các "chiến sỹ" Ngoại giao đã nỗ lực vượt khó, bám trụ địa bàn; đặt ưu tiên cao nhất cho công tác bảo bộ công dân; thường xuyên liên lạc, có hình thức động viên, giúp đỡ cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài; hỗ trợ bà con tại sân bay; tích cực làm việc với cơ quan chức năng sở tại để đảm bảo cuộc sống cho bà con…

Ngoại giao: Lực lượng tiên phong trong đổi mới, phát triển và hội nhập ảnh 1Chuyến bay đặc biệt đón công dân Việt Nam từ Guinea Xích đạo về nước đã hạ cánh an toàn xuống sân bay Nội Bài. (Ảnh: Thành Đạt/TTXVN)

Với sự nỗ lực không mệt mỏi và sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt, đến nay, Bộ Ngoại giao phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức hơn 100 chuyến bay, đưa hơn 27.000 công dân từ hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ về nước.

“Công tác bảo hộ công dân, đưa công dân Việt Nam về nước trong bối cảnh đại dịch COVID-19 không chỉ là nhiệm vụ chính trị của ngành Ngoại giao mà còn là ‘mệnh lệnh đến từ trái tim.’ Chúng ta đã tổ chức thành công và an toàn nhiều chuyến bay, đáp ứng được nguyện vọng về nước chính đáng của công dân, đồng thời đảm bảo cân đối chung, phù hợp với năng lực cách ly cũng như các biện pháp phòng, chống dịch trong nước theo đúng tinh thần chỉ đạo của Đảng, Nhà nước đề ra ngay từ những ngày đầu chống dịch là bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân,” Thứ trưởng Tô Anh Dũng nêu rõ.

Bộ Ngoại giao đang tiếp tục nỗ lực cùng các bộ, ngành liên quan xây dựng kế hoạch và tổ chức đưa công dân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn về nước, trên cơ sở phù hợp với tình hình dịch bệnh và năng lực cách ly trong nước.

Tuy nhiên, với những diễn biến phức tạp và khó lường của tình hình dịch bệnh, Thứ trưởng Tô Anh Dũng mong muốn cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục đồng hành, tin tưởng Chính phủ và các cơ quan trong nước trong việc đón công dân có nhu cầu về nước.

Bộ Ngoại giao và các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài sẽ tiếp tục tiến hành biện pháp hỗ trợ, bảo hộ công dân kịp thời, hiệu quả; đồng thời tích cực trao đổi, hợp tác chặt chẽ với các cơ quan chức năng của nước sở tại nhằm đảm bảo điều kiện sinh sống ổn định cho bà con.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao nhấn mạnh, hơn bao giờ hết, đây là lúc tinh thần tương thân, tương ái, tình đồng hương, nghĩa đồng bào của dân tộc Việt Nam được phát huy mạnh mẽ và lan tỏa; tin tưởng, cùng với người dân trong nước, sự quyết tâm vượt khó, đùm bọc chia sẻ lẫn nhau của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài sẽ góp phần quan trọng vào nỗ lực chung của cả đất nước để chiến thắng đại dịch.

Chú trọng hai nhiệm vụ chính: Ngoại giao kinh tế và ngoại giao nhân dân

Liên quan đến nhiệm vụ ngoại giao kinh tế, Vụ trưởng Vụ Trung Đông-châu Phi Nguyễn Trung Kiên thông tin, Việt Nam đã trải qua thời kỳ ngoại giao chính trị cùng với ngoại giao đấu tranh bảo vệ độc lập chủ quyền. Do đó, trong thời gian tới, trọng tâm của ngành Ngoại giao Việt Nam chú trọng hai nhiệm vụ chính: Ngoại giao kinh tế và ngoại giao nhân dân.

Theo đó, nhiệm vụ ngoại giao kinh tế để phát triển đất nước, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân. Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của chính sách đối ngoại; đồng thời là tâm niệm của những người làm công tác ngoại giao.

Liên quan đến nhiệm vụ ngoại giao nhân dân, ngành Ngoại giao coi các doanh nghiệp và công dân Việt Nam ở nước ngoài là trọng tâm của công tác đối ngoại ngoại giao. Đồng thời, đây cũng là nhiệm vụ ngoại giao Việt Nam với các nước khu vực Trung Đông-châu Phi.

Theo đó, khu vực Trung Đông-châu Phi có khoảng 70 quốc gia, vốn có mối quan hệ truyền thống hữu nghị lâu đời với Việt Nam; tích cực ủng hộ Việt Nam trong thời kỳ chiến tranh khó khăn. Thời đại mới đặt ra thách thức mới cho Việt Nam.

Để tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp và công dân Việt Nam kết nối với những nước ủng hộ Việt Nam, trong đó có các nước thuộc khu vực này, nhiệm vụ ngoại giao kinh tế và ngoại giao nhân dân được ngành chú trọng thực hiện và có những bước đi cụ thể.

Việt Nam luôn ủng hộ các doanh nghiệp hướng tới thị trường Trung Đông-châu Phi, giúp doanh nghiệp mở ra hướng kinh doanh mới và đồng hành cùng doanh nghiệp trong việc giải quyết những khó khăn, vướng mắc.

Đặc biệt, trong hơn 3 năm qua, ngành Ngoại giao đã tổ chức các sự kiện kết nối, hướng tới mảng ngoại giao kinh tế; trọng tâm là công tác xuất khẩu nông nghiệp, nhập khẩu trang thiết bị, vật tư, vật liệu phục vụ ngành Nông nghiệp Việt Nam.

Cụ thể, Vụ Trung Đông-châu Phi đã tổ chức các hoạt động kết nối nhằm tháo gỡ khó khăn cho từng cá nhân, doanh nghiệp khu vực này có mong muốn hợp tác với Việt Nam.

Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, khu vực Trung Đông-châu Phi luôn giữ vững được mức tăng trưởng kinh tế ổn định. Mức xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường tiềm năng này gần như không giảm; nhập khẩu vẫn tiếp tục tăng, giúp Việt Nam có nguyên liệu để sản xuất, xuất khẩu sang các thị trường ưu tiên.

Bên cạnh những tiềm năng phát triển kinh tế giữa hai bên, Vụ trưởng Nguyễn Trung Kiên cho hay, hiện vẫn còn nhiều khó khăn trong việc thực hiện nhiệm vụ như khoảng cách về địa lý; khác biệt về hệ thống pháp luật, ngôn ngữ, văn hóa…

“Nếu không hiểu đối tác, hệ thống pháp luật và ngôn ngữ, nguy cơ hợp tác thất bại rất lớn. Do đó, trong thời gian tới, chúng tôi nỗ lực cùng các doanh nghiệp, cá nhân, người lao động giải quyết khó khăn. Đặc biệt, trong thời gian tới, ngành Ngoại giao cần làm tốt các nhiệm vụ trọng tâm liên quan đến ngoại giao kinh tế và ngoại giao nhân dân; góp phần nâng cao vị thế quốc gia trên trường quốc tế,” Vụ trưởng Vụ Trung Đông-châu Phi cho biết./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục